Muôn vàn cách tiếp cận
Mới đây, Công an TP Bắc Kạn đã phát hiện hai nhóm “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” có hoạt động lôi kéo người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật tại phường Huyền Tụng và phường Đức Xuân.
Theo cơ quan công an, tổ chức này chưa được Nhà nước công nhận nhưng vẫn lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để lén lút tiếp cận người dân truyền đạo trái phép. Những nhóm người, tổ chức này còn thực hiện một số thủ đoạn che giấu để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, từ đó tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin tham gia.
Trước đó, năm 2018, “Hội thánh Đức Chúa trời” thành lập các nhóm ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa để hoạt động tôn giáo trái phép, trong đó nổi lên tại huyện miền núi Ngọc Lặc và TP Thanh Hóa. Sau đó, tổ chức này đã có mặt ở 25 tỉnh, thành trong cả nước.
Vào thời điểm đó, công an các địa phương đã vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của những người tham gia hội này, nên số người tham gia giảm dần, từ bỏ, không hoạt động suốt trong năm 2019 và 2020.
Tuy nhiên, vào khoảng đầu năm 2021, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện hai người là Đỗ Viết Trường, 31 tuổi, trú tại xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn và Đinh Văn Dũng, 34 tuổi, trú tại thôn Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa đang sinh hoạt theo “Hội thánh Đức Chúa trời”.
“Hội thánh Đức Chúa trời” xuất hiện lại ở thành phố Thanh Hóa. |
Trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 01/2021, Công an TP Đồng Hới phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, xử lý 05 vụ, với 12 đối tượng đang thực hiện lôi kéo, tuyên truyền người dân tham gia “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ”. Điển hình là tại địa bàn phường Nam Lý, Đồng Hải, Phú Hải, phường Bắc Lý… Ngay sau khi phát hiện các trường hợp này Công an TP Đồng Hới đã lập biên bản, thu hồi vật chứng và yêu cầu các đối tượng cam kết không tái phạm.
Theo Công an TP Đồng Hới, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng hoạt động lén lút, thay đổi chỗ ở thường xuyên với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, như núp bóng nhân viên tiếp thị bán hàng (kem đánh răng, tranh đính đá 5D, giấy vệ sinh…), tư vấn kinh doanh online, hứa hẹn tìm kiếm việc làm… để tiếp cận người dân, qua đó nhằm tuyên truyền, lôi kéo tham gia “hội thánh”. Các đối tượng này thường sử dụng mạng xã hội Zalo, phần mềm Telegram nhằm liên lạc, tác động, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin tham gia vào hội.
Nhiều đối tượng thuê nhà để kinh doanh tự do, mở lớp dạy học nhưng thực chất là để lập hội, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia. Nhiều người dân vẫn lầm tưởng đây chỉ là hoạt động sinh hoạt bình thường, cho đến khi được giải thích rõ mới nhận ra các hoạt động của “hội” mang tính chất mê tín dị đoan.
Mặt khác, cũng có những đối tượng lợi dụng điều kiện kinh tế, hạn chế hiểu biết của các đồng bào dân tộc thiểu số để mời chào, dụ dỗ, với đủ mọi lý do như nếu theo Chúa cầu nguyện sẽ không mắc bệnh, làm ăn thuận lợi, được cứu rỗi; nếu tham gia vào “hội” sẽ được giúp đỡ về mọi mặt trong đời sống…
Cơ quan chức năng Đồng Hới xử lý một nhóm người đang hoạt động “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” trái phép. |
Hoạt động của tổ chức này đã và đang gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân, gây mâu thuẫn giữa người tin theo và người không tin theo.
Ngăn chặn việc truyền đạo trái phép
Được biết, tổ chức “Hội thánh Đức Chúa trời” (còn có tên gọi khác là “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ”) có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong (Anh Xang Hồng) sáng lập từ năm 1964, trụ sở chính tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi. Hoạt động của tổ chức này đặt dưới sự điều hành của Zahng Gil Jah (vợ của Ahn Sahng Hong) và Mục sư Kim Joo Cheol - Tổng Hội trưởng.
Theo số liệu do tổ chức này công bố năm 2015, tổ chức này đã có mặt ở 175 quốc gia. “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” tuyên truyền vào Việt Nam từ năm 2001 do một số giáo sỹ người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số người Việt Nam học tập, lao động ở Hàn Quốc trở về.
Mặc dù không nằm trong hệ thống các tôn giáo được Nhà nước công nhận nhưng tổ chức này vẫn lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để thực hiện việc truyền đạo trái phép, gây chia rẽ tôn giáo, lôi kéo tín đồ, trục lợi cá nhân theo kiểu kinh doanh đa cấp…
Nội dung giáo lý, giáo luật của tổ chức này có nhiều điểm khác so với các tôn giáo khác như: Không công nhận Lễ Giáng sinh, tuyên truyền ông Ahn Sahng Hong là “nhà tiên tri”, chỉ có “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” mới là đích thực chân chính, người tin theo không được nghi ngờ lời “nhà tiên tri” thì mới linh nghiệm…
Vì có nhiều điểm khác biệt nên nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành trong nước không công nhận “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” là đạo Tin lành chân chính và cho rằng tổ chức này là tà giáo, dị giáo. Đáng nói, tổ chức này còn tuyên truyền những hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam như đập bỏ bát hương, bàn thờ, không thờ cúng tổ tiên, ông bà; bỏ chồng con, bỏ bê công việc, học hành, mang tiền đi phụng sự tổ chức, gây chia rẽ trong gia đình, dòng họ…
Phát hiện 2 nhóm “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” lén lút lôi kéo người dân tham gia ở Bắc Kạn. |
Hiện tại, ngoài việc nắm chắc tình hình và tập trung các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của loại tà đạo này thì cơ quan công an khuyến cáo mọi người dân trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền, vận động cho người thân hiểu và không tham gia hoạt động “Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ” trái pháp luật.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của người dân, song việc các đối tượng truyền đạo trái phép nhằm dụ dỗ người dân tham gia là hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.
Để ngăn chặn hành vi truyền đạo trái phép, giữ ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội... cần có nhiều biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động móc nối, lôi kéo người dân tham gia tà đạo, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm.
Theo đó, Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, nhưng nghiêm cấm những hành vi như: Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền trái với pháp luật và chính sách của Nhà nước, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Các hoạt động truyền đạo phải được tiến hành bởi chức sắc hợp pháp và chỉ được diễn ra tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm đã được chính quyền địa phương chấp thuận. Tổ chức, cá nhân nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.