Trung tá Đặng Thanh Hải mở đầu câu chuyện bằng tin vui của cán bộ, chiến sĩ canh trời nơi đầu sóng: “Trạm vừa được công nhận 5 năm đơn vị huấn luyện giỏi”. Rồi anh cười: “Đạt được kết quả ấy, ở một đơn vị đứng chân trên đất liền đã khó, với một đơn vị giữa bốn bề sóng nước ở Trường Sa, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải nỗ lực vượt bậc”.
Căng sóng
Đang trong giờ trực cao điểm, nhìn cánh ra đa như chiếc ăng ten khổng lồ xoay tròn trong không gian, Trạm trưởng kể: “Mỗi xen-ti-mét trong cái ăng-ten ấy đều phải được chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng chu đáo và cẩn trọng, từ bôi mỡ đến sơn vòng trong, vòng ngoài. Nếu chỉ sơ suất một chút thôi là gió muối đã xâm nhập, ăn mòn, gây gỉ sét. Khắc nghiệt là vậy nhưng kể từ tốp mục tiêu đầu tiên Trạm ra đa 11 mở sóng bắt được lúc 8 giờ 25 phút ngày 27/6/1988, tính đến nay đã gần 30 năm Trạm căng sóng nơi đảo xa”.
Mấy năm gần đây, khi tình hình trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài mở máy hết phiên theo lịch cắt của Quân chủng, Trạm đã kịp thời mở tăng cường khi có lệnh, quản lí tốt các tốp không quân ta bay nhiệm vụ; phát hiện, thông báo, theo dõi chặt chẽ các tốp không quân nước ngoài hoạt động ở Trường Sa. Trong điều kiện số phiên tăng cường nhiều, cường độ mở máy cao, năm 2016, đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ vượt tính năng của Đài 1,5 lần.
Vững ý chí
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều biện pháp đã được Trạm 11 thực hiện đồng bộ mà trước hết là xây dựng ý chí và quyết tâm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi đặt chân lên Trạm đều đã tự “lên dây cót tinh thần” và được giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ canh trực, tất cả đều gắn bó và coi Trạm là nhà. Trong sửa chữa khí tài, nhiều hỏng hóc không tự khắc phục được, anh em gọi về đất liền tả lại hiện tượng để được hướng dẫn sửa chữa.
Trong huấn luyện, Trạm lập kế hoạch sát với kế hoạch của Trung đoàn và phù hợp với tình hình đơn vị, theo phương châm huấn luyện “từ thấp lên cao”, “từ phân nhóm đến phối hợp toàn kíp”. Mỗi phiên ban xong đơn vị đều tổ chức rút kinh nghiệm cụ thể, tỉ mỉ.
Thiếu úy Nguyễn Thái Tuyên – Đài trưởng cho biết, qua mỗi lần rút kinh nghiệm sau phiên ban, tuần, tháng, trình độ, thao tác sử dụng khí tài, trình độ xử lí của trắc thủ nâng lên rõ rệt, từ khả năng phát hiện và thông báo mục tiêu, điều khiển ăng ten đến khả năng phân loại, làm rõ số lượng, độ cao mục tiêu…
Tại Sở chỉ huy của Trạm, tôi gặp Trung úy chuyên nghiệp Cao Đức Việt – nhân viên báo vụ và Trung úy Phan Trung Kiên – nhân viên Sở Chỉ huy. Được biết, cả hai đều đã đạt kết quả cao trong huấn luyện và đạt giải cao trong các hội thao kíp chiến đấu từ cấp trung đoàn, sư đoàn đến cấp Quân chủng. Mỗi nhân viên không chỉ được huấn luyện chuyên sâu mà còn được huấn luyện để thay thế phần việc của người khác khi cần.
Chiều Trường Sa buông xuống thật nhanh. Trạm trưởng Đặng Thanh Hải đưa tôi đi một vòng quanh đảo, về khu gia đình của các hộ dân, bữa tối đã được nhà nhà dọn ra và đâu đó ngân nga tiếng em nhỏ học bài. Chúng tôi ăn cơm cùng anh em Trạm 11. Cơm của lính đảo với vài khúc cá vừa tăng gia được lúc chiều và đĩa rau muống luộc, thêm những trái chanh tươi vừa đem từ đất liền ra, vắt vào bát nước canh. Chao ôi, rau sạch lính đảo trồng lại có vị chanh từ đất liền, chưa bao giờ lại có bữa cơm ngon đến vậy...