Vợ xẻo của quý chồng, con cái đánh bố mẹ, các cặp tình nhân đánh nhau, học sinh choảng nhau như cơm bữa, người lạ hễ có mâu thuẫn be bé thì sẵn sàng lao vào nhau với những trận “so găng” chí tử. Hiện tượng này xảy ra khắp nơi, từ môi trường nhiều giáo dục đến môi trường… ít giáo dục. Sự nóng nảy thay thế cho sự điềm đạm, bình tĩnh để bạo lực cứ lên ngôi ở khắp ngõ ngách của đời sống xã hội.
Câu hỏi là tại sao con người ta càng ngày càng nóng tính? Để hệ lụy cả giận mất khôn khiến sau khi tĩnh tâm thì chẳng thể nào vơi đi niềm hối hận muộn màng.
Các nhà tâm thần học thì cho rằng người nóng tính quá, đôi khi không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình, dễ cáu kỉnh cũng là một dạng bệnh tâm thần nhẹ mà người ta xếp vào thể loại rối loạn nhân cách kiểu chống đối xã hội (antisocial personality disorder).
Những người này thường không thể tuân thủ theo những quy chuẩn chung của xã hội, với những hành động thiếu tôn trọng pháp luật, dễ kích động và gây sự với người khác. Có những hành vi có thể nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác, thậm chí không thể hiện một sự ăn năn, hối hận về những điều mình đã làm.
Nếu mới chỉ bám vào chút lý luận nhẹ nhàng này thì xã hội đang có quá nhiều người bị tâm thần dạng này từ cấp độ nhẹ đến nặng. Các tài liệu tâm thần học viết hiện trạng này thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên, từ 15 tuổi. Nhưng thực tế càng ngày càng nhiều người nóng nảy, manh động ở nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn là người trưởng thành.
Áp lực cuộc sống hẳn sẽ là căn nguyên chính khiến người dễ ta nóng giận. Rồi môi trường làm việc đầy áp lực, thiếu sự sẻ chia, thiếu dân chủ, đầy mệnh lệnh và con người được đối xử như một công cụ cũng khiến người ta dễ… nổi điên. Bực tức, khó chịu không biết trút vào đâu nên ra đường, về nhà… hễ có cơ hội là cơn giận bé xíu có thể bùng lên thành ngọn lửa lớn thiêu rụi tất cả.
Dẫn chứng thì nhiều vô kể, nhưng có một sự vụ mới tinh khiến người ta không khỏi bàng hoàng. Tối 15/8 vừa rồi, một người đàn ông 33 tuổi tên là Nguyễn Văn Dương đến uống cà phê tại quán của anh Trương Đức Thảo ở xã Ea H’Mlay, M’Đrắk, Đắk Lắk.
Tại đây, giữa Dương vào Thảo xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Dương sau đó bỏ đi ra khu nghĩa địa ở thôn 6 (xã Ea H’Mlay) lấy một khẩu súng AK được cất giấu tại đây. Dương quay lại quán cà phê, giương súng nhằm thẳng người anh Thảo bóp cò. Anh Thảo gục tại chỗ. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng nguy kịch.
Không bàn đến chuyện súng ống ở đâu ra, nhưng một cơn giận dùng súng bắn người đang là những ví dụ bất ổn về độ nóng nảy, cả giận mất khôn của rất nhiều người trong xã hội hiện đại. Nếu cứ đà này, theo y học thì số lượng người mắc các thể về tâm thần không hề nhỏ. Họ cần được điều trị bằng các giải pháp xã hội mà ở đó con người phải được trân trọng như một giá trị sống chứ không phải là một “công cụ” hay “phương tiện” lao động đơn thuần.
Áp lực cuộc sống và công việc đang gia tăng các bệnh lý về tâm thần, mà một trong những biểu hiện rõ nét là độ nóng nảy gia tăng như đã nói. Khi bạn thấy áp lực, tốt nhất hãy một lần đi khám… sức khỏe tâm thần!