Nhiều nạn nhân “sập bẫy”
Mới đây, chị N. T. T. V. tố cáo đến cơ quan chức năng về việc chị bị một nhóm người lừa tuyển dụng. Chị V. cho biết, sau khi đăng tìm việc trên mạng, chị được một người tự xưng “trưởng nhóm bán hàng” của một công ty thương mại chuyên kinh doanh sản phẩm gia dụng liên hệ, phỏng vấn qua mạng, sau đó đồng ý tuyển dụng chị vào vị trí “phân phối bán hàng qua mạng” của công ty. Theo người “tuyển dụng”: Với mỗi đơn hàng bán được chị V. sẽ nhận được 15% giá trị đơn hàng, nếu doanh số tháng đầu vượt quá 50 triệu đồng, chị sẽ được nhận thêm tiền thưởng là 5 triệu đồng, mỗi năm sẽ có nhiều phúc lợi khác như thưởng tiền, hiện vật, du lịch nước ngoài...
Chị V. rất vui mừng vì tìm được công việc tốt. Sau khi người tuyển dụng đưa ra hàng loạt tấm gương “thành đạt” nhờ công việc bán hàng nói trên, chị V. đã không ngần ngại gửi số tiền 10 triệu đồng tiền “ứng bán hàng” vào tài khoản “công ty”. Vài ngày sau khi đăng sản phẩm, chị V. được nhiều người lạ mặt vào đặt mua hết vèo số hàng. Chị nhận được đủ tiền vốn lẫn tiền lợi nhuận bán hàng. Sau đó, phía “công ty” thuyết phục chị ứng tiền nhập hàng số lượng lớn để có lợi nhuận cao hơn. Tin lời, chị V. chuyển 50 triệu đồng với hy vọng sẽ bán đắt hàng, thu được hoa hồng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị V. không thể liên hệ với phía “công ty” trên.
Đã có không ít nạn nhân của “bẫy” tuyển dụng như trên. Có những người là trí thức, người lao động tự do được hứa hẹn những công việc lương cao, nhưng cũng có cả những người lao động nghèo, kiếm việc làm thuê, giúp việc nhà theo giờ cũng bị các đối tượng lừa tiền với nhiều chiêu bài. Trong đó, có không ít đối tượng giả danh các công ty uy tín, thậm chí còn lập ra những trang web, trang fanpage giả mạo để tạo niềm tin, dễ bề lừa đảo.
Cách đây ít lâu, hệ thống siêu thị Co.opmart đã lên tiếng cảnh báo về việc một số kẻ mạo danh hệ thống siêu thị này để lừa tiền người dân. Theo thông báo từ phía Co.opmart, hiện trên mạng có thể tìm thấy rất nhiều địa chỉ, số điện thoại hứa hẹn giới thiệu việc làm tại các siêu thị Co.opmart, tuy nhiên chỉ là chiêu trò để lừa đảo.
Thủ đoạn của những đối tượng này là đưa ra công việc hấp dẫn, hứa hẹn nhận việc ngay và phải đóng tiền đồng phục, tiền đào tạo, tiền giữ chỗ… từ vài trăm đến hàng triệu đồng, sau đó “biến mất” khi nhận được tiền.
Mặc dù Co.opmart đã cảnh báo nhiều lần nhưng nhiều người vẫn cả tin rơi vào “bẫy” trên. Chính vì thế, Co.opmart tiếp tục đưa ra lời cảnh báo, khuyên người dân nên cảnh giác, “nói không” với tất cả những hoạt động tuyển dụng bắt ứng viên nộp tiền từ Co.opmart.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã khởi tố 23 đối tượng để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hành vi phạm tội được thực hiện trên không gian mạng và nhóm tội phạm ẩn núp tận Campuchia để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo đó, từ giữa năm 2022, nhóm này đã đăng bài tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki... với hứa hẹn hoa hồng lên đến 15% trên mỗi đơn hàng cho người tham gia. Cộng tác viên phải chuyển tiền trước để mua hàng. Cạnh đó, còn nhiều chiêu trò lừa đảo khác như dụ dỗ người chơi tham gia theo dõi tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công nhưng phải “ứng vốn” trước... Sau khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ cắt liên lạc với nạn nhân.
Từ thời điểm giãn cách do COVID-19 đến nay, tình trạng người lao động mất việc khá cao, dẫn đến “khát” công việc. Nhiều người có việc làm vẫn mong muốn tăng thu nhập. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng tội phạm đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa người dân “vào tròng”. Có người bị lừa chỉ vài triệu, nhưng cũng có trường hợp mất trắng hàng vài trăm triệu đồng.
Ngoài băng nhóm “sa lưới” pháp luật nói trên, có lẽ vẫn còn không ít tổ chức chuyên giăng bẫy người dân với nhiều thủ đoạn khác đang ẩn núp. Chính vì thế, cơ quan chức năng cảnh báo người dân cảnh giác với những lời mời gọi tuyển dụng bất thường với các dấu hiệu: Tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”, ưu đãi quá tốt, đặc biệt là luôn yêu cầu ứng viên chuyển khoản cho nhà tuyển dụng với nhiều lý do như ứng tiền hàng, thu tiền đồng phục, trang thiết bị công nghệ, tiền đồng phục...
Hiện nay, hình thức lừa đảo tuyển dụng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, được hỗ trợ đắc lực bởi mạng internet và các công cụ trí tuệ nhân tạo. Vì thế, cảnh giác, kiểm tra kĩ lưỡng thông tin và “nói không” với những yêu cầu chuyển khoản là điều cần thiết để người dân không bị “lọt bẫy” kẻ lừa đảo, tránh tiền mất, tật mang.