Còn “e ngại” với bản dịch
Theo quy định của Luật Công chứng và Thông tư 06 ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, mẫu lời chứng của công chứng viên (CCV) đối với bản dịch bắt buộc phải có “nội dung bản dịch chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Mục đích của quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng bản dịch cho khách hàng bằng việc đề cao trách nhiệm của CCV.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, theo phản ánh của CCV Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1, Phó Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, vẫn còn nhiều tổ chức hành nghề công chứng “thực sự không mặn mà” hoặc thậm chí chưa triển khai công tác dịch thuật tại tổ chức mình vì e sợ phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường nếu chẳng may xảy ra sai sót trong dịch thuật.
Nhiều CCV cũng tỏ ra quan ngại việc buộc một người phải chịu trách nhiệm về một nội dung mà họ đã làm hết trách nhiệm nhưng không thể biết thì cũng chưa hợp lý. Mặt khác, theo quy định tại điều 61 Luật Công chứng thì “việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện… Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện”. Do đó, nếu quy định CCV phải chứng bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội là không phù hợp.
Tránh tình trạng “mỗi nơi thu một kiểu”
Cũng từ ngày 1/1/2015, kể từ khi Luật Công chứng 2014 có hiệu lực, các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng bản dịch và chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký trong giấy tờ văn bản. Đây là các việc mà trước đây các Phòng Công chứng đã làm (đối với Văn phòng Công chứng thì đây là việc làm mới).
Dù vậy nhiều địa phương phản ánh các tổ chức hành nghề vẫn “chưa mạnh dạn” đối với công việc này, thậm chí có nơi CCV còn chưa ký bản sao nào. Lý giải tình trạng này, CCV Trần Văn Hạnh, Văn phòng Công chứng Hùng Vương (Hà Nội) cho biết, để có được một kết quả bản dịch, người yêu cầu công chứng phải giải quyết các chi phí về tài chính gồm phí công chứng và tiền thù lao công chứng.
Tuy nhiên, để có được biểu phí thì phải do HĐND cấp tỉnh thông qua. Các tổ chức hành nghề công chứng sẽ không biết thu thế nào nếu không có biểu phí thống nhất tại địa phương. Chính vì lý do này, hiện mỗi nơi đang thu một mức khác nhau dù trên cùng phạm vi tỉnh, thành phố. Các CCV đề nghị sớm ban hành mức trần thù lao công chứng.
“Lưu ý là cùng một loại việc mà UBND và công chứng đều làm (như phí, thù lao của hợp đồng, giao dịch; phí, thù lao bản dịch…) thì mức trần thù lao và mức phí công chứng cần quy định cao hơn mức của UBND. Vì trách nhiệm của CCV khác với trách nhiệm của người chứng thực”, CCV Nguyễn Trí Hòa đề xuất thêm.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, đại diện Sở Tư pháp Đồng Tháp cho rằng “Việc UBND tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng chỉ là bước đầu để tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong tỉnh. Quan trọng là Sở Tư pháp phải làm tốt công tác tham mưu, tiến hành nhiều giải pháp như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; lập Hội công chứng viên để nâng cao vai trò tự quản, giám sát. Đặc biệt kịp thời lắng nghe những phản ánh của người dân liên quan đến việc thu phí, thù lao để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm”.
Để triển khai Luật Công chứng, ngoài việc xây dựng, phối hợp để ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai luật ở hai miền. Bộ cũng đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật. Việc tuyên truyền, giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật cũng đã được triển khai tích cực.
Đến hết tháng 7/2015 đã có 6 địa phương ban hành tiêu chí, cách thức thẩm định và xét duyệt hồ sơ lập Văn phòng Công chứng, nhiều địa phương đã xây dụng cơ sở dữ liệu, 6 tháng đầu năm đã có 2 Hội CCV được thành lập; đến nay có 13/63 tỉnh, thành phố đã ban hành mức trần thù lao công chứng tại địa phương.