Chỉ được đọc tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội
Tuy nhiên, về phạm vi tài liệu được đọc, ghi chép, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: để bảo đảm tính khả thi, cần quy định bị can được đọc, ghi chép “bản sao các tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ”. Loại ý kiến thứ hai: để đảm bảo tốt hơn quyền tự bào chữa của bị can, cần quy định bị can có quyền được đọc, ghi chép “toàn bộ bản sao tài liệu trong hồ sơ vụ án” hoặc “tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội”.
Theo UBTVQH, để đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết nhưng để bảo đảm tính khả thi, cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó; đồng thời để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp, cần có quy định về việc bị can được quyền đọc tài liệu, hồ sơ đã được số hóa.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB), UBTVQH đề nghị chỉnh lý Dự thảo theo hướng: Kể từ khi kết thúc điều tra, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.
Để bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao các tài liệu, UBTVQH đề nghị quy định: Chính phủ chủ trì, phối hợp với VKSNDTC, TANDTC quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.
Đề nghị chỉ được đọc khi không có người bào chữa
Đánh giá việc bổ sung quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án “là phù hợp” nhưng để đảm bảo tính khả thi, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can thực hiện quyền này hiệu quả và đảm bảo an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
ĐB Phạm Văn Gòn (TP HCM) cũng nêu quan điểm: “Đây là một bước tiến của chúng ta trong lĩnh vực tư pháp hình sự, dù để thực hiện quyền này, các cơ quan tố tụng sẽ vất vả, tốn nhiều thời gian và tốn kém hơn”.
Tuy nhiên, ĐB này đề nghị chỉ quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong trường hợp họ không có người bào chữa. Riêng về phạm vi tài liệu được đọc, ĐB Gòn nêu rõ trên thực tế có những vụ án phức tạp nhiều tài liệu, có tài liệu chỉ liên quan đến bị can này mà không liên quan đến bị can khác, do vậy cần quy định bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu khác được số hóa trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa.
Quá trình lấy ý kiến vào Dự thảo BLTTHS sửa đổi, nhiều ý kiến đồng thuận quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án của bị can là quy định tiến bộ, để bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa một cách hiệu quả. Tuy vậy, Bộ luật cũng phải có những quy định bảo đảm tính khả thi. Nếu quy định không chặt chẽ, thực hiện sẽ khó khăn, hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ vụ án. Nhiều ý kiến cũng đề nghị trong trường hợp bị can, bị cáo từ chối chỉ định người bào chữa thì họ cũng được quyền đọc, ghi chép hồ sơ vụ án để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ĐB tha thiết đề nghị Quốc hội “cân nhắc cẩn trọng” với quy định này để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và cũng tránh việc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.