Cấm, vẫn ngang nhiên tồn tại
Hoạt động về mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị và các khu du lịch, nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nông thôn và miền núi. Các đối tượng hoạt động ngày càng công khai, xuất hiện trở lại một số tụ điểm mại dâm đường phố, hình thành đường dây gái gọi cao cấp qua mạng internet, mại dâm có yếu tố nước ngoài, mại dâm nam, mại dâm đồng giới…
Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống mại dâm năm 2013 của Việt Nam cho thấy: Cả nước ước tính có gần 33.000 người bán dâm, phần lớn là nữ và chỉ có khoảng 9.000 gái bán dâm có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, tội phạm liên quan đến mại dâm cũng tăng như tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm đã bị cơ quan công an xử lý (năm 2013) là 1.317 vụ, với 5.303 đối tượng...
Trước tình hình trên, ngày 15/10/2013 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay nhằm khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống tệ nạn này.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 về công tác phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy vẫn là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm tệ nạn mại dâm tại những địa bàn trọng điểm đã được xác định; làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo UBND cấp huyện, xã, các ban, ngành liên quan trong việc quản lý địa bàn để phát sinh tệ nạn mại dâm; thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Đề xuất phạt nặng hành vi mua dâm
Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 bãi bỏ việc đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội như trước đây lại phần nào phản ánh sự nới lỏng quan niệm khắt khe về mại dâm.
Theo đó, người bán dâm chỉ bị phạt tiền 300 nghìn nếu vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm. Việc áp dụng quy định mới khiến nhiều người lo ngại rằng mại dâm sẽ lan tràn bởi mức xử phạt quá nhẹ, không có tính răn đe.
Do vậy, đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý hình sự liên quan đến phòng, chống mại dâm như nghiên cứu bổ sung các tội mua dâm, tội tổ chức mua bán dâm; nghiên cứu hoàn thiện về mặt chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự về tội mua dâm người chưa thành niên…
Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) thì kiến nghị nghiên cứu hoàn thiện Điều 255 Bộ luật Hình sự về tội môi giới mại dâm theo hướng tội phạm này thể hiện ở mặt khách quan không chỉ là dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm mà cần mở rộng đến nhiều hành vi khác như làm trung gian, môi giới giữa người mua dâm và người bán dâm.
Vì trên thực tế, việc môi giới mại dâm diễn ra rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều hành vi khác nhau. Nếu chỉ giới hạn ở hai hành vi dụ dỗ và dẫn dắt người mại dâm sẽ là quá hẹp, không bao quát được hết các hành vi khác có liên quan. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung tình tiết tăng nặng định khung đối với tội môi giới mại dâm đối với người chưa thành niên dưới 13 tuổi.
Pháp luật của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hàn Quốc… phạt nặng hành vi mua dâm để răn đe tối đa những người có ý định mua dâm. Ở những nước này, mua dâm là tội hình sự, có thể bị phạt hàng nghìn USD và đi tù nhiều tháng.
Điển hình là Thụy Điển đã thông qua luật xử lý hình sự việc mua dâm và không xử phạt việc bán dâm. Mại dâm được coi là một khía cạnh bạo lực do đàn ông gây ra đối với phụ nữ và trẻ em. Những người mua dâm có thể đối mặt với hình thức xử phạt hoặc đi tù tối đa 6 tháng.
So với các nước trên, chế tài xử lý đối với người mua dâm của nước ta nhẹ hơn rất nhiều nên không có sức răn đe, phòng ngừa. Từ kinh nghiệm đó, Việt Nam có thể tham khảo, bổ sung chế tài hình sự nghiêm khắc với người mua dâm để nâng cao tính răn đe, hạn chế tệ nạn mại dâm.