Sống lại văn hóa xưa đất Kinh kỳ
Suốt 25 năm qua, Ban quản lý (BQL) Phố cổ Hà Nội luôn cố gắng giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể khu phố cổ Thăng Long – Hà Nội với rất nhiều hoạt động văn hóa phong phú tại “36 phố phường”, khôi phục 14 lễ hội trong khu phố cổ.
Người dân và du khách được dịp trở lại với những giá trị dân gian truyền thống xưa cũ qua những màn biểu diễn như: múa rồng, múa lân, múa chạy cờ, trống hội, rước trạng vinh quy, múa sênh tiền, múa con đĩ đánh bồng, múa bài bông, rước đám cưới cổ, được tái hiện lại bởi các nghệ nhân văn hóa. Các tiết mục tôn vinh những sản vật địa phương như múa Hoa sen, múa Hoa đào, múa Lụa Vạn Phúc, múa Hoa làng hoa Mê Linh, múa nón làng Chuông Thanh Oai… cũng được nhiều dịp “bung lụa”.
Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết, tại “36 phố phường”, người dân và du khách được chiêm ngưỡng thưởng thức sự thay đổi của trang phục người Hà Nội xưa đến nay. Từ chiếc yếm đào duyên dáng của phụ nữ Tràng An khi trước, chiếc áo dài cổ truyền tinh xảo, đến tà áo trắng tinh khiết biểu trưng của thiếu nữ Hà Nội ngày nay, tà áo dài cách tân hiện đại.
Những tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc: chầu văn, ca trù, hát xẩm... thay nhau biểu diễn ở các đình, đền; không gian nghệ thuật phố cổ được các nghệ sỹ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, Xẩm Hà thành, Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam, CLB ca trù Thăng Long, CLB XB của Nhạc viện Hà Nội… biểu diễn bằng giọng hát mộc, tiếng đàn mộc đã say đắm lòng người.
Cách đền Bạch Mã không xa, ngay trước cửa Ngôi nhà di sản ở 87 Mã Mây hay góc phố Hàng Giày - Lương Ngọc Quyến, trước cửa chợ Đồng Xuân... là những “sân khấu quần chúng” rất hấp dẫn khi khán giả, khách du lịch có thể cùng lên sân khấu nhảy, đàn, hát với ban nhạc, tạo nên một không gian nghệ thuật vô cùng ấm cúng. Những nét văn hóa phi vật thể trở thành điểm nhấn tạo nên ấn tượng đẹp cho phố cổ Hà Nội.
Trong những ngày mùa thu tháng 10 này, BQL Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa tại nhiều điểm đến di sản của khu phố cổ Hà Nội. Đây là những hoạt động chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Tại khu vực vỉa hè hồ Hoàn Kiếm trưng bày giới thiệu hình ảnh “Hà Nội ngày ấy”, ôn lại sự kiện lịch sử ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Tại không gian nghệ thuật Phùng Hưng, khu vực tranh bích họa, diễn ra sự kiện trình diễn thời trang “Sắc 20”.
Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” chủ đề “Thu hứng” - ca - nhạc - kịch truyền thống Việt Nam, được dàn dựng và thể hiện bởi các thầy nghề mẫu mực trong làng nhạc cổ truyền Việt. Chương trình giới thiệu những tinh hoa cổ nhạc Việt Nam trong không gian đặc trưng của Phố cổ Hà Nội, hoàn toàn hát mộc.
Ước mơ trở thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo
Cũng trong dịp này, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long – Hà Nội”.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó BQL Phố cổ Hà Nội chia sẻ, phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị kiến trúc độc đáo, có vị trí đặc biệt ở Thủ đô, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của Thủ đô qua mỗi thời kỳ lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền. Vì vậy, khu phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2004.
Những năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm, BQL Phố cổ Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị như: tu bổ các di tích, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản, chỉnh trang 44 tuyến phố…
Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền. Đồng thời, khu Phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng hơn 82 ha với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố; đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể gồm 121 di tích, trong đó có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Các di tích cho thấy, tại đây có đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am…
PGS-TS Đặng Văn Bài - nguyên Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đưa ra đề xuất: “Chúng ta cần nâng cấp các danh hiệu cho phố cổ. Từ đó có thể truyền thông về di sản tốt hơn. Phố cổ rất xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt…”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng khẳng định rằng, các giá trị của khu phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử, mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng con người thông qua nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội…
“Hiện nay, “Tham quan phố cổ Hà Nội” là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô. Chính việc khai thác những giá trị này đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa kiến trúc Phố cổ Hà Nội. Các cơ quan quản lý cần quy hoạch khu Phố cổ Hà Nội thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo”, PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh khẳng định.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, quy hoạch phố cổ không thể tách rời với quy hoạch quận Hoàn Kiếm và quy hoạch không gian phố cổ, khu trung tâm Thủ đô phải thống nhất với các di sản khác như Cầu Long Biên, di sản Hoàng thành Thăng Long, khu vực bờ đê Sông Hồng.