ĐB Giàng A Chu nhận định sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là việc rất phức tạp trên thực tế. Góp ý cho Dự thảo này, ông cho biết: Khi quy định việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ ở Điều 32 và Điều 42, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra chưa nghiên cứu về việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vào mục đích văn hóa.
"Chúng ta mới quan niệm sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào nhiệm vụ thực hiện khi cần thiết, chúng ta chưa xét về mặt văn hóa. Vừa qua, nhân dân, cử tri nhiều địa phương chưa tán thành với quy định này. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, với Quốc hội nghiêm túc xem xét", ĐB đề nghị.
Dẫn chứng từ đời sống thực tế của đồng bào dân tộc vùng cao, ĐB cho biết: Thực tế hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số còn sử dụng tiếng nổ, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ trong phong tục tập quán.
ĐB nêu ví dụ về việc dùng tiếng súng ở địa phương: Người chết, đặc biệt là người có uy tín, nhất là các bác có chức sắc, khi có đám hiếu, có việc lớn người ta dùng tiếng súng để báo. Thậm chí lãnh đạo chính quyền đến thăm, người ta dùng tiếng súng để báo. Nay mai nếu già làng, trưởng dòng họ người ta yêu cầu phải dùng tiếng súng để báo trong đám hiếu, đám tang thì sau đám tang đó tất cả những người dùng tiếng súng, tiếng nổ gây ra đó sẽ vi phạm hết, có thể cả nhà sẵn sàng đi tù hết sau khi đã chôn cất cha mẹ, ông bà, chúng ta có nên quy định như vậy không?".
Đại biểu này cho biết thêm, tiếng súng còn giúp cho bà con vùng cao trấn áp những mối nguy hiểm từ tự nhiên, khi đi làm trên rừng núi hiểm trở.
Từ thực tế này, thay mặt cử tri Yên Bái, ĐB đề nghị Quốc hội nghiên cứu để lại một khoản trong vấn đề sử dụng vũ khí thô sơ và sử dụng vật liệu nổ vì mục đích văn hóa.
Theo đề nghị của ĐB, "chúng ta quy định điều này vào trong luật thì sau khi luật có hiệu lực thi hành sẽ dẫn đến tình huống "Tất cả anh em sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hóa này đều vi phạm pháp luật", vậy có nên không? Đề nghị các đồng chí nghiên cứu." - ĐB Giàng A Chu nói.