Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

Cơ quan chức năng đang xem xét cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do nhiều công ty đòi nợ thuê hành xử kiểu xã hội đen trấn áp con nợ
Ảnh: Công Nguyên - Kim Quy - Nguyên Bảo
Cơ quan chức năng đang xem xét cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do nhiều công ty đòi nợ thuê hành xử kiểu xã hội đen trấn áp con nợ Ảnh: Công Nguyên - Kim Quy - Nguyên Bảo
(PLVN) - 'Kinh doanh dịch vụ đòi nợ' nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo luật Đầu tư sửa đổi.

Dịch vụ có nhiều biến tướng

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dự án luật Đầu tư sửa đổi lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.

Trong số này, ban soạn thảo bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Cơ quan soạn thảo giải thích, việc cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Trên thực tế, nhiều dịch vụ đòi nợ thuê đã hành xử theo kiểu trấn áp con nợ. Điển hình trong tháng 7 vừa qua, ông chủ quán phở Hòa tại TP.HCM nhiều lần trình báo công an nhờ can thiệp vì quán liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, nhớt, khủng bố tinh thần bắt ông phải trả nợ thay cho em rể là ông Trần Anh Tuấn.

Trong đó có nhóm người thuộc Công ty TNHH DV thu hồi nợ Đại Hải (ấp 6, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) đã có gửi thông báo, giấy giới thiệu đến địa chỉ quán phở Hòa tìm ông Tuấn đòi nợ theo giấy ủy quyền của người tên Võ Thanh Sang.

Trong điều tra sau đó, Công an TP.HCM nhận xét đa số các công ty đòi nợ thuê mặc dù được các cơ quan chức năng cấp phép, khi đi vào hoạt động thì không thực hiện đúng chức năng theo quy định, khi đi đòi nợ lại dùng những người không nằm trong danh sách đăng ký... Chính những người này chủ động đe dọa, uy hiếp người thân của người mượn nợ để ép trả nợ thay.

Trước đó, trong tháng 10.2018, bà L.T.T.H (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gửi đơn đến tòa soạn Báo Thanh Niên “cầu cứu” về việc nhân viên của Công ty TNHH thu hồi nợ T.H (Q.10, TP.HCM) kéo đến đòi nợ gây thiệt hại cho bà trong kinh doanh.

Công ty này theo ủy quyền đến đòi nợ em ruột chủ nhà (bà H. đang thuê nhà bán cà phê, rửa xe), và dù không có con nợ ở nhà nhưng nhóm người của công ty này nhiều lần ngang nhiên đến cúp nước, cúp điện, kéo rào không cho khách vào rửa xe, uống cà phê ở quán của bà H. Nhóm người này còn đe dọa rạch mặt, tạt a xít nữ quản lý của quán bà H. khiến cô này hoảng sợ, nghỉ việc. Quán cà phê của bà H. liên tục bị tạt sơn và mắm tôm...

UBND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Trong văn bản mới nhất gửi Bộ Tài chính cuối tuần qua, UBND TP.HCM nhận định việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vô tình là kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư qua hình thức cấu kết giữa công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương, gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Theo UBND TP.HCM, nếu không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.

Cấm là không bảo vệ người cho vay

TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trước khi bàn đến việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cơ quan soạn thảo luật phải công bố đánh giá được những điều được và chưa được cụ thể hơn. Bởi những hành vi như khủng bố, đe dọa, côn đồ... đều vi phạm hình sự.

Nếu xử lý đúng quy định thì cùng với việc tuyên án về hình sự, tòa cũng có thể xử kèm theo đề nghị rút giấy phép kinh doanh. “Trên thực tế nếu các hành vi vi phạm xảy ra mà không xử lý nghiêm thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Việc xử lý nghiêm sẽ giúp loại bỏ được các hoạt động sai phạm, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh nói chung. Nếu chưa xem xét tất cả những hoạt động liên quan mà đưa vào cấm hoạt động thì chưa ổn”, TS Trần Du Lịch nói.

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, đề xuất bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là cách làm “trám lỗ hổng pháp lý” trong quản lý.

Theo ông, hoạt động vay nợ tại VN trong cơ chế hội nhập, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của DN là rất lớn. Hoạt động vay nợ theo định chế chính thức không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả, nên mới phát sinh vay phi chính thức, tức là vay nợ ở bên ngoài các tổ chức tín dụng. Từ đó, phát sinh câu chuyện vay và không trả nợ được. Cá nhân, tổ chức cho vay, không đòi được nợ thường phải nhờ qua một đơn vị trung gian. Nếu hệ thống pháp lý VN đầy đủ và giải quyết vấn đề đòi nợ nhanh gọn, chi phí vừa phải, thời gian không kéo dài, không phát sinh gì nhiều… chắc chắn không cần thêm hoạt động đòi nợ thuê.

Thế nên, VN phát sinh thêm công ty đòi nợ thuê thực tế không có gì đáng ngạc nhiên, bởi bản chất của tài chính là phải “cậy nhờ” bên thứ 3 để bảo đảm lợi ích và quyền lợi cho bên cho vay và bên vay. Cấm hoạt động đòi nợ thuê là để bảo vệ con nợ chứ không bảo vệ người cho vay. Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thuê mới manh nha vài năm trở lại đây, có thể liên quan vấn đề pháp lý, đến những quy ước xã hội, nhưng nó có nhu cầu thực sự và bảo đảm yếu tố bình đẳng cho hai bên. Có bên thứ 3 đòi nợ thuê thì nền tài chính mới vận hành được.

"Không việc gì phải cấm mà cần thiết lập khung pháp lý cho mối quan hệ người cho vay và người đi vay. Hợp đồng và nghĩa vụ cả hai bên thế nào, nếu không trả nợ được thì vì lý do gì, cơ chế bảo vệ bên cho vay thế nào... Ngay chính công ty đòi nợ phải có khung pháp lý để họ vin vào đó làm công cụ thực thi nhiệm vụ của mình. Khung pháp lý này phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả và bảo vệ lợi ích hai bên và phù hợp quy ước quy chuẩn xã hội hiện nay". TS Vũ Đình Ánh đưa ý kiến.

Thúc đẩy đòi nợ qua tòa

Đưa ra ý kiến về đề xuất này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, nhận định nhu cầu của người dân về dịch vụ đòi nợ vẫn có. Vì vậy nếu cấm hoàn toàn cũng sẽ không phù hợp thực tế và làm nảy sinh những hoạt động chui. Thay vì cấm, nên đưa ra thêm các quy định khắt khe để siết chặt dịch vụ đòi nợ như nâng cao vốn pháp định khi thành lập DN so với quy định chỉ ở mức 2 tỉ đồng như hiện nay. Đồng thời quy định rõ về trách nhiệm giám sát, tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt. Đặc biệt đưa ra trách nhiệm cụ thể về tài chính, hành chính và cả hình sự với người đứng đầu DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM) nhận xét, nếu người dân đòi nợ thông qua việc kiện ra tòa thì thủ tục rất phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm. Thậm chí đến khi tòa xử xong, chủ nợ cầm bản án trong tay thì cũng không thu được nợ vì con nợ đã tẩu tán tài sản, thay đổi chỗ ở... Chính vì vậy, niềm tin của người dân về việc khởi kiện và thu hồi nợ thông qua tòa án hiện rất thấp. Điều này khiến họ tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê dù đôi khi chấp nhận phải chi trả đến 50% khoản nợ được thu hồi. Do đó luật sư Đức cho rằng cần tăng cường công tác xét xử, giảm thiểu các thủ tục đối với các vụ tranh chấp, đòi nợ nếu bằng chứng đã rõ để tăng niềm tin cho người dân vào tòa án. Từ đó người dân sẽ không chọn các dịch vụ bên ngoài với phí cao và dễ gặp rắc rối vì các hoạt động vi phạm...

“Nếu đưa dịch vụ đòi nợ vào cấm thì cần phải có lộ trình cho các DN đã có giấy phép hoạt động trước đây để từng bước tiến tới ngưng hoạt động, chuyển đổi mô hình. Các hệ lụy liên quan cần phải được xem xét cụ thể hơn”, luật sư Nguyễn Văn Đức nói.

Đọc thêm

Hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh dạy thêm

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.
(PLVN) - Bạn Hồng Ngọc (Hà Nội) hỏi: Tôi là giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở. Sắp tới tôi muốn mở lớp dạy thêm tại nhà riêng với sĩ số khoảng hơn 10 học sinh một lớp. Xin hỏi, theo quy định mới, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với ai? Báo cáo nội dung gì? Điều kiện, thủ tục đăng ký dạy thêm, học thêm như thế nào?

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?