Ghé thăm bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, cùng với các hiện vật khác, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được bảo quản cẩn thận trong lồng kính như một nhân chứng lịch sử của thời kì chiến tranh khốc liệt những năm 1972-1973.
Bước vào trận chiến, sự tra tấn bằng bom đạn của kẻ thù lên đôi vai những người chiến sĩ trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết, để rồi dự cảm kỳ lạ trong bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi cho gia đình đến nay vẫn luôn mang đến cho người đọc những cảm xúc khó tả.
Đi qua trận chiến 81 ngày đêm, mảnh đất Quảng Trị phải hứng chịu gần 328.000 tấn bom đạn (tương đương với 7 quả bom nguyên tử), bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê ở thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị với những dòng tâm sự gửi gia đình đến hiện tại vẫn là một nhân chứng lịch sử về trận chiến tàn khốc bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm ấy.
Thành cổ Quảng Trị hôm nay |
Bức thư viết bằng dự cảm kỳ lạ ấy đã khiến không ít người rung động về tình cảm trân quý thiêng liêng dành cho gia đình, tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ vì một đất nước hoà bình, thống nhất.
Toàn bức thư anh viết:
Quảng Trị 11/9/72
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay con ngồi đây bên vài dòng chữ cuối cùng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình, khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm, lòng mang nặng, đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.
Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, nay bao kỳ vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ hãy sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc nay con đã đến ngày khôn lớn thì…Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau.
Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương yêu trìu mến.
Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em chỉ mong em khoẻ yêu đời.
Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo những lời anh căn dặn. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh.Còn em khi nhận được lá thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ bước đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm. Theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống.
Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời em sẽ làm đúng nghi lễ của người con dâu của gia đình. Thôi nhé anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.
Di ảnh liệt sĩ Lê Văn Huỳnh cùng bức thư bất tử của người chiến sĩ cách mạng |
Nhưng em ơi hãy bình tĩnh làm theo lời anh dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày để ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đìnhnghe trong buổi truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.
Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hoà bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hoà bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan biều 1” nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy mộ ghi dòng chữ tên anh đực trên mảnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lẳm rồi.
Anh chị kính mến! Anh em liền từng khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khoẻ mạnh trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn.
Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên chăm sóc các cháu nuôi mẹ già sống lâu đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình. Đối với Xơ anh chị nên động viên nó và tìm đường tương lai vì đời em nó còn trẻ lắm. Hoà bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé chào anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị.
Thương cháu mến thương! Giờ đây còn bé song sau này cháu sẽ là trưởng gia, giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hoà bình hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hy sinh. Khi trưởng thành hằng năm cứ đến ngày này hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú là thích ăn thịt gà và chuối xôi lắm đấy. Thôi nhé, hãy làm tròn nghĩa vụ của người cháu đức tôn đối với chú.
Thầy mẹ kính mến! Trước lúc đi xa con có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn. Thầy mẹ ạ, con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khoẻ cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thầy mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu nay đã…
Chắc em nó buồn lắm, thầy mẹ động viên em nó thay con. Theo con đời em còn trẻ lắm, nếu ai người ta thông cảm thì mẹ động viên nó nên đi thêm bước nữa. Cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con. Thôi tất cả những gì đã qua là vào dĩ vãng. Ra đi con mong thầy mẹ sống lâu mãi mãi. Cho con gửi lời chào bà, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.
Em thương yêu! Nhận tin này em sẽ báo tin cho người bạn của anh mà ngày nào đã có dịp về ta chơi..."
Cũng như lớp lớp sinh viên năm ấy, chàng sinh viên năm 4 (khoá 13) Khoa Cầu hầm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Lê Văn Huỳnh gác lại chuyện học hành lên đường nhập ngũ trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Vì một đất nước thống nhất và hoà bình mai sau, anh cùng những người đồng đội đã sống và chiến đấu trong trận chiến ác liệt ấy với một tinh thần bất khuất, thể hiện hào khí anh hùng kiên cường của dân tộc, Tổ quốc.
Một góc Thành cổ bình yên, mướt xanh |
Trong trận chiến ấy, anh đã ngã xuống một cách đầy vinh quang, còn bức thư của anh thì đã nhờ người đồng đội quê Thanh Hoá gửi giúp. Nhưng trong chiến tranh, chẳng ai đoán trước được điều gì, người đồng đội ấy của anh cũng hy sinh sau đó và mãi đến tháng 3/1973, bức thư lịch sử này mới đến tay gia đình anh.
Được biết, vợ anh là chị Đặng Thị Xơ dù chỉ chung sống vỏn vẹn được 7 ngày nhưng đến nay vẫn chung thuỷ thờ chồng khi quyết định không đi thêm bước nữa. Nhờ sự chỉ dẫn theo bức thư liệt sỹ Lê Văn Huỳnh để lại, năm 2002, chị Xơ cùng các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Những dự cảm chính xác đến kỳ lạ khi anh hy sinh đúng ngày 2/1/1973 (đúng như trong bức thư được anh viết ngày 11/9/1972). Tuy nhiên, chỉ khác duy nhất là phần mộ của anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều I(hai thôn này nằm sát cạnh nhau).
Chiến tranh đã đi qua, nhưng bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh vẫn sẽ mãi mãi là niềm tự hào về tình cảm gia đình, ý chí và tinh thần bất khuất của con người Việt Nam. Đặc biệt, bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh sẽ mãi là câu chuyện khó rời tai đối với những du khách, cựu chiến binh đến tham quan và thăm lại thành cổ Quảng Trị tại thị xã Quảng Trị.
“Câu chuyện về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và bức thư dài 10 trang của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh tại bảo tàng được rất nhiều du khách đến tham quan tâm, chăm chú đón đọc. Bởi rằng, bức thư dường như trở thành một nhân chứng sống của những tháng ngày lịch sử hào hùng, của khí phách, tinh thần bất khuất của con người, dân tộc Việt Nam” chị Trần Thị Phương Lan, hướng dẫn viên Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị chia sẽ với cảm xúc tự hào.