Vội gửi trao để rồi nhận “trái đắng”
Đã bao đêm trôi qua trong tiếng nấc nghẹn một mình, Y Dung ở làng Chung Tam (xã Măng Ri) cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng sự đắng đót cứ dâng lên rồi rồi lại chìm xuống đáy lòng để nỗi buồn nặng hơn theo năm tháng. Những khi để tâm trí trôi vào khuya vắng, Y Dung như nghe rõ mồn một tiếng xào xạc của lá rừng, của những cơn gió luồn lách qua khe núi.
Cũng từ những đêm khuya vắng ấy cách đây tròn hai năm, Y Dung đã siêu lòng trước những lời đường mật của Nguyễn Văn Bắc, công nhân cầu đường thi công tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum).
Sau vài đêm hò hẹn, Y Dung đã trao gửi trọn vẹn cho Bắc. Ngay khi nhận được thông tin Y Dung có thai tháng thứ 4, Bắc đã lặng lẽ dời khỏi công trường, cắt mọi liên lạc. Y Dung bị làng phạt vạ, rồi vượt cạn trong nỗi nhọc nhằn, côi cút, nước mắt Dung rơi lã chã cùng những cảm giác pha trộn rằn nén.
Bà H’Mí thương con quặn lòng nhưng chỉ có thể nuốt nỗi niềm vào trong lòng. Khi đứa con cứng cáp, Y Dung một mực muốn khăn gói đi tìm “tác giả” của đứa con mình, nhưng biển người mênh mông, biết đâu mà tìm.
Nhắc đến những hạnh phúc ngắn ngủi, Y Dung nức nở: “các thiếu nữ ở vùng đất này thật thà lắm. Nghe các công nhân nói là tin thôi. Mà ai nói cũng hay cả. “Trái cấm” tưởng ngọt ngào giờ hóa thành “trái đắng”.
Cũng như Y Dung, đầu mùa hè năm 2016 này, dọc các bản làng của thung lũng Măng Ri kéo lan sang các xã Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu của huyện Tu Mơ Rông… hầu như nơi nào có công trường là ở đó có những bà mẹ vò võ ôm con đợi người trong mộng trở về.
Y H ở xã Tê Xăng, một sơn nữ đẹp như hoa rừng, khi vừa bước vào tuổi yêu cũng là lúc lán trại của công trình cầu đường dựng ngay cạnh nhà. Rạo rực trước những lời hứa về viễn cảnh tương lai tươi đẹp của công nhân Nguyễn Anh Hào. Cứ nghĩ lời nói của Hào cũng thật như cái bụng nên H đã lén vào rừng hẹn hò cùng người yêu.
Khi sờ tay vào bụng mình thấy những động cựa, H háo hức đi báo cho Hào chuẩn bị lễ cưới thì Hào cũng đã chuyển khỏi lán từ lúc nào không hay. Nhiều bạn của Hào cho biết anh đã có vợ con tận ngoài Bắc. Chẳng nỡ vứt bỏ giọt máu của mình nên đến nay con của H đã lên 5 tuổi, từng ngày ngóng cha.
Cũng bởi quá vội tin yêu, vội vàng trao gửi nên Y Ngin ở làng Ngọc La (xã Măng Ri) cũng hết lòng si mê một công nhân cầu đường tên Hải. Chẳng rõ nhà Hải, quê Hải ở đâu, chỉ biết những đêm trăng, rừng xào xạc gió, lời Hải tựa mật ong rừng, Y Ngin đã tuyệt đối tin tưởng và nghĩ đến một gia đình êm ấm, rộn tiếng trẻ thơ.
Ngày cái thai trong bụng Ngin lớn dần lên cũng là ngày Hải chuyển đi công trường khác. Y Ngin một mình sinh con trong nỗi buồn vô tận. Suốt ba năm nay, chẳng ngày nào Y Ngin thôi mong ngóng Hải sẽ tìm về. Càng ngóng càng buồn, càng vô vọng nên đành buông xuôi.
Hàng loạt đứa trẻ mang hai dòng máu Kinh-Xê Đăng chẳng biết bao giờ cha quay về. |
Cay đắng những niềm riêng
Cách nhà Y Ngin mấy chục bước chân đó là nhà Y Hoa. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là những căn lều dựng tạm, chỉ đủ đặt một chiếc giường và mấy thứ dụng cụ nấu ăn sơ sài và một số đồ trẻ con. Trước nhà Hoa là công trường, sau lưng là bạt ngàn rừng núi.
Hoa hướng cái nhìn vào phía rừng già như chất chứa nỗi buồn vô hạn và bộc bạch: “Em lỡ làng rồi, em gái em lại cũng đi theo vết xe đổ ấy. Giờ chỉ còn biết tìm niềm vui ở đứa con lên 4 tuổi này thôi. Không biết rồi tương lai sẽ ra sao nhưng hiện tại thì chật vật lắm, nhất là mỗi khi trái gió, trở trời, không có người đàn ông trong nhà”.
Lỡ làng, lầm lũi là vậy nhưng Hoa cũng chỉ biết cắn răng tự chịu bởi những người thân của Hoa đã bao lần cạn lời khuyên ngăn khi biết cô dốc trọn tình yêu cho một công nhân cầu đường. Hoa tâm sự: “Gia đình phân tích, khuyên nhủ nhưng em không sáng suốt nghe theo nên phải tự gánh chịu thôi, hối hận thì muộn quá rồi”.
Cũng giống như Hoa, những đêm mưa gió bời bời, một mình Y Ngin và nhiều thiếu phụ lỡ làng khác phải đánh vật với mái nhà lợp bằng tôn cũ, che chắn chỗ này lại dột phả chỗ kia. Một mình vừa chăm con vừa lo chuyện nương rẫy. Mỗi lần nhận sự đỡ đần của cha mẹ là mỗi lần trào dâng nỗi niềm tiếc nuối vì sự vội vàng của mình.
Nhiều phụ nữ Xê Đăng khác, chót lầm lỡ nên cũng âm thầm chịu đựng và xem đó như là bài học cay đắng. Nỗi cay đắng ấy chẳng biết đến bao giờ nguôi ngoai vì đi bước nữa với những người phụ nữ này là một giấc mơ xa xỉ.
Già làng A Bya, một trong những người có uy tín ở Măng Ri bảo: “Con em mình dại dột, mình cũng buồn lắm chứ. Ở làng Chung Tam, làng Ngọc Nà hay nhiều làng khác chúng tôi đều đến khuyên nhủ các thiếu nữ khi đến tuổi lập gia đình phải lựa chọn kỹ càng, biết rõ về những người đàn ông từ nơi khác đến rồi hãy yêu thương. Những lời dụ dỗ của các công nhân công trường có sức mạnh hơn. Mà, đã sinh con rồi, lo nuôi con, lo cho cuộc sống được no đủ là mệt lắm rồi, sao mà dám lấy chồng lần nữa”.
Cô đơn vừa lên rẫy vừa nuôi con và chờ người yêu trong vô vọng |
Hồi chuông róng riết
Cả già A Bya cũng như nhiều người già khác ở Măng Ri vẫn tiếp tục bền bỉ đi tuyên truyền cho các thiếu nữ Xê Đăng khác hãy tuân thủ Luật hôn nhân-Gia đình. Nếu có yêu công nhân nào thì hãy tổ chức cưới xong mới trọn vẹn trao gửi.
Già làng A Bya tâm sự:” Hy vọng, nỗi đắng cay, tủi phận của những người đã lầm lỡ sẽ như hồi chuông nhắc nhở cho những thiếu nữ Xê Đăng nói riêng, các thiếu nữ đến tuổi trưởng thành nói chung dọc dãy Trường Sơn này hãy cẩn trọng trước những lời đường mật.
Bởi mù quáng khi yêu không chỉ thiệt thòi cho mình mà còn thiệt thòi cho những đứa con sau này nữa, nỗi mặc cảm và cả những hạn chế vật chất sẽ đổ lên đầu các cháu. Chúng tôi có đến thăm hỏi, động viên cũng chỉ giúp ít được một phần nhỏ mà thôi”.
Ông A Tôn-Chủ tịch UBND xã Măng Ri buồn rầu cho biết: Riêng xã Măng Ri thôi đã có 23 phụ nữ có con với công nhân công trường và các công nhân ấy đều cao chạy xa bay, bặt vô âm tín.
Các xã có công trường đi qua đều kiểm soát rất chặt chẽ việc công nhân vào các làng tán tỉnh các thiếu nữ nhưng họ hẹn hò nhau lúc nửa đêm hoặc lén lút lúc mọi người không để ý nên bây giờ hàng loạt bi kịch đã diễn ra, chỉ dám mong hạn chế sự tiếp nối thôi chứ chưa chấm dứt ngay được.
Theo báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông thì: Dự án tuyến đường giao thông quan trọng Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh có chiều dài gần 60km, với tổng vốn đầu tư 1.364 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2009, nối liền 3 huyện Tu Mơ Rông- Đăk Glei và Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Đây là công trình trọng điểm nên từ khi khởi công đã có hàng ngàn công nhân từ khắp nơi đổ về đây để thi công các công đoạn, hạng mục của công trình. Cũng từ đó đến nay đã có trên 200 phụ nữ (phần lớn là người Xê Đăng) yêu và có quan hệ như vợ chồng với các công nhân cầu đường. Trong số đó, nhiều phụ nữ đã có con và bị người yêu phụ tình, chối bỏ trách nhiệm, âm thầm chuyển đi công trường khác.
Chính quyền các cấp đã liên tục có các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Ban quản lý dự án giao thông quan trọng này cũng cho biết:
Đã cảnh báo các công nhân không được gạ gẫm các thiếu nữ địa phương nhưng nhiều công nhân vẫn sẵn sàng lén lút quan hệ sau đó nghỉ việc đi nơi khác. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở tính cẩn trọng, cảnh giác của các thiếu nữ địa phương hãy tỉnh táo nếu không muốn cả đời gánh bi kịch.