Chiến tranh đã để lại bao tàn tích, đau thương cho con người. Nhiều người lính từng xông pha trên chiến trường không may bị nhiễm chất độc da cam lại phải gánh thêm nỗi đau khi con cái họ sinh ra không được nguyên lành. Một trong những gia đình cùng chịu nỗi đau đó là vợ chồng ông Trần Văn Mạnh (SN 1948) và bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1950, ngụ TDP 6, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Ngôi nhà luôn khóa cổng
Nhà ông Mạnh và bà Huệ luôn luôn khóa kín cổng. Ai không biết lại tưởng cả nhà đi vắng. Nhưng ông Mạnh giải thích: “Phải luôn luôn khóa cổng thế này bởi nếu mở ra, thằng út nhà tôi sẽ chạy loạn xạ thì khổ cho tôi, cho nó, cho cả mọi người”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bao lớp thanh niên sôi trào dũng khí ra trận, quyết tâm tiêu diệt giặc để giải phóng quê hương. Ông Mạnh và bà Huệ cũng là những người đầy nhuệ khí khi chiến trường hai miền đang sục sôi bom đạn. Ông là lính bộ binh chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Bà là thanh niên xung phong, làm đường, tải đạn ở chiến trường Nam Lào.
Năm 1970, khi đơn vị di chuyển sang Nam Lào để chuẩn bị tham gia chiến dịch, tình cờ ông gặp bà. Tình quê hương, tình bạn chiến trường đã dính kết họ lại với nhau, để rồi sau đó càng se sắt trong năm tháng khi ngọn lửa tình yêu bùng lên.
Chiến tranh kết thúc, bà Huệ công tác trong cơ quan Nhà nước. Ông Mạnh vẫn là sĩ quan quân đội cho đến ngày nghỉ chế độ. Họ lập gia đình và định cư tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới.
Hạnh phúc tràn đầy khi họ lần lượt sinh con trai đầu lòng, rồi đến con gái mạnh khỏe. Nhưng bất hạnh đến với người con trai út ra đời năm 1987, tên Mi Sao. Ông Mạnh cho biết đã lấy tên một nhân vật trong một tiểu thuyết phương Tây ông từng đọc, với ước mơ gửi gắm về vẻ đẹp tráng kiện của cơ thể và khí phách kiên cường như nhân vật ấy. Nhưng vợ chồng và con cái ông lại phải gặp bao điều đắng cay.
Mi Sao ngoan, hiền, mạnh khỏe. Nhưng đến năm 17 tuổi đang học lớp 11 thì bắt đầu chểnh mảng. “Nó hay ôm đầu van đau. Tôi đưa cháu đi khám, các thầy thuốc cứ tưởng cháu bị chèn ép thần kinh nên cho thuốc bổ thần kinh và giảm đau. Nhưng một đêm, nó không ngủ, dậy mở tất cả cửa sổ, cửa chính. Rồi nó hú lên mấy tiếng thật não lòng. Tiếng nói cũng không thành lời”, ông tâm sự.
Bà Huệ xót xa thương con trai út bất hạnh |
Ông chia sẻ tiếp: “Với mẫn cảm về bệnh tình của những đứa con có cha mẹ chiến đấu ở chiến trường B mà tôi đã gặp, đã đọc trên báo chí, tôi biết con trai mình đang bị ảnh hưởng di hại chất độc da cam, mà bấy lâu tôi cứ tưởng hậu quả của chiến tranh đã không ghi sổ tên của vợ chồng tôi trong đó”.
Chàng trai chỉ ăn ngọt
Mi Sao bỏ ăn mấy ngày. Vợ chồng ông Mạnh, bà Huệ dỗ dành, đưa cơm, đưa cháo cho con nhưng Mi Sao đều lắc đầu, lấy tay gạt đi. Để duy trì sự sống cho con, vợ chồng ông Mạnh khuấy sữa cho con uống. Sang đến ngày thứ 5, sau cái đêm cất tiếng hú não nề ấy, Mi Sao uống hết cốc sữa.
“Thấy nó uống hết cốc sữa, tôi mừng đến trào nước mắt”, bà Huệ thổ lộ. Bà nói tiếp: “Kể từ đó, nó bỏ học. Tôi thấy bao nhiêu sách vở của nó, nó đưa ra sân, xòe lửa đốt sạch. Thầy giáo chủ nhiệm lớp 11 nó đang học tìm đến nhà, vợ chồng tôi thuật chuyện, thầy đành lắc đầu. Cũng như vợ chồng tôi, thầy giáo khẳng định cháu Mi Sao đã mắc một chứng bệnh nghiệt ngã do di hại của chất độc da cam, truyền từ bố mẹ”.
Những ngày tháng tiếp theo, Mi Sao đêm không ngủ, ngày thẫn thờ. Có khi Mi Sao lần ra đường, lấy thanh gỗ đánh vào hàng rào, vào bờ tường hàng xóm ầm ĩ. Vợ chồng ông Mạnh mất ăn, mất ngủ để theo con, dỗ dành đưa con về nhà kẻo gây mất trật tự trong khu dân cư. Những người trong khu dân cư, trước lạ lẫm, sau biết được và rất thông cảm với gia đình họ.
Đã 12 năm, từ khi phát bệnh, Mi Sao chỉ uống sữa để sống. Ông Mạnh cho biết Mi Sao chỉ uống sữa đặc có đường (sữa Ông Thọ) nhưng không nhiều. Sáng một cốc, chiều một cốc. Có khi khuấy xong, Mi Sao không uống, đành bỏ tủ lạnh, mấy ngày sau uống tiếp.
Biết con chỉ thích đồ ngọt, vợ chồng ông Mạnh nấu chè đậu đen cho con ăn. Mi Sao chỉ ăn độ nửa bát là bỏ đi. Đã ăn chè thì không uống sữa, còn cơm cháo không bao giờ cho vào miệng.
Giữa cuộc chuyện trò của người cha, Mi Sao mình trần, trong giường ngồi dậy cất tiếng hú dài não nề. Thấy khách lạ, chàng trai cố cười để chào khách nhưng tiếng cười như tiếng khóc mếu máo của một đứa trẻ. Đã 29 tuổi nhưng thân hình Mi Sao chẳng khác cậu bé lên 10.
Hết lên cơn, Mi Sao bước ra sân, đến chỗ người cha đang ngồi, lí nhí cất giọng nói. Người mẹ “phiên dịch” con trai đang xin bố thuốc lá để hút và cho biết Mi Sao nghiện thuốc lá. Một ngày hút hết gần hai gói thuốc. Ông Mạnh phải quản lý chặt chẽ, khi nào con xin thì cho, tránh hỏa hoạn có thể xảy ra.
“Có lẽ bệnh tình của nó cần phải có thuốc lá mới giảm cơn đau nên gia đình phải chiều nó”, ông Mạnh cho hay.
Mi Sao hiện được hưởng chế độ phụ cấp cho người nhiễm chất độc dioxin của Nhà nước. Hội chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh trong khu dân cư cũng luôn quan tâm đến gia đình ông Mạnh, bà Huệ, hàng năm vào các ngày lễ lớn và tết Nguyên Đán đều cử đại diện đến thăm và tặng quà. Những điều đó phần nào làm vơi đi nỗi đau của thân phận xấu số, nạn nhân của chiến tranh.
Bạn đọc hảo tâm chia sẻ với nỗi đau của gia đình ông Mạnh xin liên lạc: ông Trần Văn Mạnh, tổ 2, TDP 6, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.