Cả xóm chịu ngập
Những ngày nước lên, đường vào nhà ông Hồ Văn Đạo thuộc tổ 2, ấp Tân Thái, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dù đã đắp bờ cao nhưng vẫn chìm ngập trong nước. Đường đi lại trong ấp nay đã mọc rêu, trơn trượt cho thấy tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên tại đây.
Ấp Tân Thái có gần 20.000 ha cây ăn trái chủ yếu là mít, sầu riêng, nhãn. Mùa khô, hạn mặn vừa qua, cây sầu riêng bị nhiễm mặn chết khô khiến nhiều hộ dân phải chặt bỏ; các loại cây ăn trái khác bị ảnh hưởng nặng tới năng suất, làm giảm thu nhập của bà con nông dân.
Để chuẩn bị ứng phó với mùa khô 2021, ngay từ tháng 2/2020 các hộ dân tại ấp Tân Thái đã chủ động họp bàn thực hiện đắp đập kín để ngăn nước mặn và đạt được sự đồng thuận của tất cả các hộ. Theo đó, UBND xã Tân Phong sẽ hỗ trợ ống bọng, sắt, lưới B40; các chi phí còn lại người dân sẽ tự nguyện đóng góp để hoàn thành con đập trữ nước ngọt phục vụ cho tưới tiêu chung; việc đắp đập sẽ được các hộ dân trong ấp cùng thực hiện sau 2 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên không lâu sau, hộ ông Trầm Văn Sanh bỗng dưng phản đối. Theo 12 hộ dân tại đây cho biết: Hộ ông Trầm Văn Sanh làm nghề sửa chữa ghe, máy, ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên hộ ông Sanh không đồng ý tiến hành đắp đập.
Theo tìm hiểu, hộ ông Sanh có nhà ở ổn định tại tổ 2, ấp Tân Thái. Để sớm thực hiện xây đập ngăn nước mặn và hỗ trợ hộ ông Sanh, bà Nguyễn Thị Điểm (là 1 trong 12 hộ dân còn lại) đã đồng ý cho hộ ông Sanh di dời cơ sở sửa chữa ghe, máy đến phần đất của bà Điểm nằm ngoài đập ngăn nước mặn và triều cường để kinh doanh trong 10 năm mà không phải trả bất kì chi phí nào. 12 hộ dân trong ấp Tân Thái cũng tự nguyện mỗi hộ hỗ trợ 2 ngày công để phụ giúp gia đình ông Sanh di dời cơ sở kinh doanh đến phần đất của bà Điểm, thế nhưng, hộ ông Sanh vẫn không đồng ý.
Sẽ kiên quyết xử lý
Ghi nhận tại xã Tân Phong, ông Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc thực hiện đắp đập ngăn mặn là đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hộ dân cần thống nhất việc thực hiện để bảo vệ vườn cây ăn trái trong thời gian sắp tới. Đối với địa phương hiện nay, đắp đập kín để ngăn mặn, trữ ngọt thì người dân có thể thực hiện, xây cống hở như mong muốn của hộ ông Sanh không khả thi do kinh phí quá lớn, các hộ dân không có khả năng để đóng góp.
Ông Mười cũng cho biết đã tích cực vận động hộ ông Sanh thực hiện đắp đập để phục vụ lợi ích chung của cả ấp nhưng chưa đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, xã sẽ cương quyết xử lý để con đập sớm được hoàn thành.
Thế nhưng gần 10 tháng đã trôi qua, 14 cuộc họp dân đã được UBND xã Tân Phong tổ chức nhưng thời gian thực hiện đắp đập vẫn bị hoãn hết lần này đến lần khác; các vật tư xây đập nằm chờ.
Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng thiệt hại về cây sầu riêng, toàn xã Tân Phong có 1.158 hộ với 243.453 ha chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn mặn, trong đó có 196,258 ha bị ảnh hưởng trên 70%. Nếu như việc xây đập ngăn mặn, trữ ngọt còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhiễm mặn, thậm chí chết khô của các vườn cây ăn trái tại đây là khó tránh khỏi.
Ông Trần Văn Lang – một trong các hộ dân tại ấp cho biết: Nguyện vọng của 12 hộ dân chúng tôi là mong muốn sớm được xây con đập kín để ngăn mặn và ngăn lũ, nhưng hộ ông Sanh lại xin hoãn hết lần này đến lần khác, không cho tiến hành. Kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của tất cả các hộ dân khác trong ấp. Nguồn thu nhập chính của chúng tôi phụ thuộc vào vườn cây ăn trái nhưng thiếu nước ngọt đã suy kiệt, khả năng cây chết, mất mùa rất cao”.
Nếu như trước đây, hạn mặn xảy ra trong chu kỳ 10 năm, 12 năm và gần đây nhất là 4 năm; thế nhưng tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng bất thường, mùa khô 2019 – 2020 trở thành năm lịch sử về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn, còn dự báo mùa khô 2020 – 2021 sẽ tiếp tục đến sớm và gay gắt.
Bên cạnh công tác quy hoạch dài hạn để ứng phó với hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36 về chống hạn mùa khô 2020 – 2021 tại ĐBSCL. Tại Tiền Giang, các ngành chức năng đã đề ra nhiều biện pháp nhằm ứng phó như thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nạo, vét kênh, mương trữ nước ngọt; củng cố hệ thống đê bao; đồng thời gia cố, nâng cấp, sửa chữa kịp thời các công trình ngăn mặn bị hư hỏng, xuống cấp và tổ chức đắp các đập tạm... UBND huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND xã Tân Phong sớm giải quyết vụ việc trên.