Rắc rối bỏ con – nhận con
Tháng 10 vừa qua, dư luận sôi sục vì câu chuyện liên quan đến "người mẹ chôn sống con" ở Cần Thơ. Một người đàn ông đi mua thuốc lá ngang lùm cây ở xóm Ngã Cái nghe tiếng khóc trẻ thơ, liền soi đèn vào và phát hiện đứa bé bị "chôn sống" dưới lớp đất mỏng, chỉ còn nhô ra khuôn mặt. Ông này gọi gia đình ra tìm cách cứu cháu bé. Gia đình người tìm thấy đứa bé đã cứu sống cháu, đặt tên cho cháu và có nguyện vọng nhận cháu làm con nuôi. Nhiều gia đình hiếm muộn chung quanh cũng đánh tiếng xin cháu về nuôi.
Trung tá Phan Thanh Hồng, Trưởng công an phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho biết đã xác định được cha mẹ bé gái sơ sinh được cho là bị "chôn sống" trong lùm cây là vợ chồng chị Cẩm Tr., 39 tuổi.
Chị Tr. đã thừa nhận do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị không nghề nghiệp, còn chồng phụ hồ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng mỗi ngày, gia đình chị đang nợ nần chồng chất và không có khả năng trả nợ, nên không đủ lo cho hai đứa con ăn học.
Nghĩ đến tương lai sau này chị vô cùng hoảng sợ và đi đến quyết định bỏ con. Tối hôm ấy, lúc nhà không có người, chị Tr một mình vượt cạn, sinh con thứ ba rồi bỏ bé gái vào túi ni lông, quấn bên ngoài một lớp bao loại đựng gạo mang ra lùm cây cách nhà hơn 10m bỏ.
Sau khi sự việc bị phát giác, chồng chị mới hoảng hốt biết được hành động của vợ. Chị Tr. cũng vô cùng day dứt, hối hận, và cả gia đình đã quyết định nhận lại đứa trẻ về nuôi. Tuy nhiên, nhiều điều không hay đã phát sinh chung quanh việc người mẹ vứt bỏ con.
Ngày 10/10, UBND quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã họp bàn và quyết định bác đơn xin nhận lại con của anh Nguyễn Quang D., chồng chị Tr. Lý do là người mẹ đã có hành vi quá nhẫn tâm, thêm vào đó, hiện hoàn cảnh gia đình chị Tr. cũng quá khó khăn, không đảm bảo việc nuôi dưỡng cháu bé.
UBND TP đã chọn phương án gửi cháu bé vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi rồi sẽ cân nhắc tiếp dựa vào tình hình thực tế.
Quyết định của UBND TP Cần Thơ khiến dư luận chia ra hai luồng: Đồng tình với phương án của TP vì hành vi của người mẹ là “không thể chấp nhận” và không đồng tình với lý do cháu bé phải giao cho cha mẹ ruột nuôi sẽ tốt hơn...
Một câu chuyện khác, chị Trần Thị Kim B. (Hậu Giang), đến văn phòng luật sư để xin tư vấn về việc nhận lại con đẻ sau 13 năm. Chị B. kể trong nước mắt: Năm 18 tuổi, chị yêu một người công nhân xây dựng từ Sài Gòn về gần nhà chị thi công công trình. Do được hứa hẹn đủ điều và với sự ngây thơ của một cô gái mới lớn, chị đã "trao hết" cho người tình.
Đến khi biết chị có thai, anh ta cao chạy xa bay, tìm hiểu thì chỉ biết anh ta đã có vợ con ở Sài Gòn, còn nhà ở đâu không rõ. Lo sợ bị đàm tiếu, bị gia đình hắt hủi, chị xin cha mẹ đi An Giang làm thêm, thực chất vừa làm vừa chờ đến ngày sinh.
Sau khi sinh ra một bé gái, quá cùng quẫn, gia đình người chủ nơi chị làm muốn nhận con chị làm con nuôi với điều kiện chị phải làm cam kết từ bỏ quyền làm mẹ, từ nay không bao giờ được tìm cách gặp con, chị đã đồng ý viết vào cam kết.
12 năm trôi qua, chị đã làm lại cuộc đời, lấy chồng, sinh một đứa con trai nhưng luôn đau đáu nhớ về đứa con gái đầu của mình. Tìm hiểu, chị được biết con chị vẫn được cha mẹ nuôi nuôi nấng đàng hoàng nhưng về tình thương thì không bằng con ruột họ.
Sau khi thú nhận với chồng và được chồng đồng ý, chị tìm cách tiếp cận gia đình trên, xin nhận lại con thì bị họ quyết liệt xua đuổi, đòi kiện nếu chị còn xuất hiện trước mặt họ.
Chị B. rất đau khổ, muốn nhận lại con, nhưng vừa day dứt giữa lời hứa, vừa sợ pháp luật không cho phép nên không biết phải làm sao.
Chị Trần Linh Th. ở Quận 4 TP. HCM cũng gặp phải trường hợp khó nghĩ không kém. Do hoàn cảnh nghèo túng, có hai đứa con, chị phải đồng ý giao đứa con út mới hai tuổi cho gia đình người anh họ ở Nha Trang nhận làm con nuôi.
8 năm sau, gia cảnh đã ổn thì đứa con trai đầu bị tai nạn giao thông mất. Còn lại hai vợ chồng trơ trọi, chị đến xin với vợ chồng người anh họ cho nhận con mình về nuôi nấng nhưng anh họ tỏ ý không cho và trả lời: "Nếu muốn lui tới thăm nom thì được, nhưng nhận về thì không cho, vì trên danh nghĩa và pháp luật nó đã là con của nhà này”.
Thế là anh chị đành bấm bụng bỏ công ăn việc làm chuyển hẳn nhà ra Nha Trang để sống gần con. Tuy nhiên, quyền được chăm nom con cũng bị hạn chế, nên anh chị quyết tâm muốn đi kiện để giành lại quyền làm cha mẹ cho mình...
Cân nhắc pháp lý và tình người
Một Luật sư thuộc Đoàn LS TP.HCM cho rằng, chị Tr., người mẹ trong câu chuyện còn có thể bị truy tố về tội “Giết con mới đẻ”, thuộc Điều 94 Bộ luật Hình sự: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Và chính vì thế, việc người mẹ bị tạm thời tước đi quyền nuôi nấng đứa con mới đẻ là một giải pháp có thể chấp nhận được. Cùng ý kiến với quyết định được đưa ra từ chính quyền TP Cần Thơ trong vụ việc “chôn sống con đẻ”, Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng, trong trường hợp cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái thì tùy trường hợp tòa án có thể hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, tức có thể không cho cha mẹ trông nom, chăm sóc con từ 1-5 năm.
Về vấn đề nhận lại con sau khi cho đi của chị Kim B., thạc sĩ Hoàng Kim Chiến, Phó Cục trưởng cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp có ý kiến: Việc người mẹ muốn nhận lại con và ghi tên là mẹ ruột trong khai sinh có thể thực hiện được vì pháp luật đã có quy định, nhưng việc giải quyết nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình huống cụ thể.
Tình huống thứ nhất, không có tranh chấp và bản thân người con cũng tự nguyện thì căn cứ vào hồ sơ nộp tại UBND cấp xã - gồm: Tờ khai (theo mẫu), giấy khai sinh của người con (bản chính hoặc sao), các giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác để chứng minh quan hệ mẹ, con của chị (nếu có) - nơi người mẹ hoặc người con cư trú, trong thời hạn năm ngày (kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm nhưng cũng không quá năm ngày nữa), UBND cấp xã sẽ đăng ký việc nhận mẹ, con; chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho chị bản chính Quyết định công nhận việc nhận mẹ, con.
Tình huống thứ hai, vợ chồng người đã nuôi nấng đứa trẻ không chấp nhận mong muốn của người mẹ, hoặc bản thân cháu không muốn nhận lại mẹ, hoặc các chứng cứ thiếu thuyết phục…, thì người mẹ phải đưa yêu cầu nhận con của mình ra tòa án để được giải quyết.
Thời gian để tòa thụ lý và giải quyết sẽ kéo dài hơn rất nhiều.Việc bổ sung, cải chính, hoặc có thể cấp lại bản chính giấy khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật tại các điều 35, 62, 63 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở quyết định công nhận của chủ tịch UBND cấp xã hoặc quyết định công nhận của tòa án.
Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng cần bàn đến được Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP.HCM đưa ra, đó là vấn đề liên quan đến pháp lý- tình người: Trong trường hợp chị Kim B., đã có cam kết từ bỏ con vĩnh viễn, ở khía cạnh pháp lý thì cam kết này không có giá trị, vì con người không phải là đối tượng được cho phép trong các văn bản tặng , cho…
Tuy nhiên người mẹ phải nghĩ đến công sức người cha, mẹ nuôi đã nuôi nấng đứa trẻ từ khi bị cha mẹ ruột từ bỏ, biết bao là vất vả về tiền bạc, tinh thần.
Tiền bạc thì có thể bồi hoàn được, nhưng vất vả về tinh thần thì lấy gì đong đếm?. Thế nên, kiện ra tòa chỉ là trường hợp “bất đắc dĩ”. Cả hai bên đều thương, đều lo cho cháu bé, thì có thể ngồi lại tìm tiếng nói chung trong việc nuôi nấng cháu. Hòa giải, thương lượng luôn là cách hay nhất trong những trường hợp như trên.