Vì vậy, tại Hội thảo “Pháp luật về thuế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tổ chức sáng qua (11/5), các chuyên gia pháp lý và tài chính đều nhận thấy, Việt Nam cần xác định hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đang bộc lộ tồn tại, hạn chế hiện nay.
Doanh nghiệp dành 39,4% lợi nhuận để nộp thuế
Đánh giá thực trạng pháp luật về thuế của Việt Nam, ông Đinh Xuân Thảo — Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhận thấy, chính sách thuế chưa bao quát hết các đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế và các nguồn thu đang và sẽ phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế; cơ cấu nguồn thu thuế trong hệ thống pháp luật thuế hiện nay mất cân đối theo loại thuế và sắc thuế. Tính công bằng, hiệu quả của pháp luật về thuế hiện hành còn chưa cao.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thu thuế phí vẫn ở mức cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Doing Bussiness 2016) cũng chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng 39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Tỷ lệ này rất cao so với các mức 18,4% của Singgapore, 27,5% của Thái Lan và 29,7% của Indonesia.
ThS. NCS. Nguyễn Thanh Lý (Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Học viện Khoa học xã hội) cho rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào thì hệ thống pháp luật thuế vẫn thực hiện ba vai trò chính là tạo lập nguồn thu cho ngân sách; điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.
Các vai trò này của hệ thống pháp luật thuế có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời với nhau. Vấn đề nằm ở chỗ, cách thức sử dụng linh hoạt công cụ pháp luật thuế để khai thác hiệu quả nhất vai trò của nó nhằm tận dụng tốt cơ hội và giảm bớt thách thức mà quá trình hội nhập mang lại ở Việt Nam, nhất là việc trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế lớn như ASEAN, ASEM, APEC, WTO, TPP...
Do đó, PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy cho rằng, cạnh tranh về thuế là vấn đề cốt lõi cần được xem xét, nghiên cứu và thể hiện trong chính sách thuế, làm sao để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, từ đó có các đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước và đảm bảo hệ thống thuế minh bạch, đảm bảo sự bình đẳng của các đối tượng nộp thuế.
Xử lý hệ thống thuế nội địa để giành cơ hội lớn
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách thuế của Việt Nam thời hội nhập, PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh đến chiến lược phát triển kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh. Vì vậy, chính sách thuế cần phải hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nguồn lực hữu ích từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam giúp cho Việt Nam phát triển.
Nhưng, chính sách thuế cũng cần bảo đảm ngăn ngừa và xử lý các hành vi tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia dày dạn kinh nghiệm đến từ các nước phát triển. Hai nội dung có vẻ mâu thuẫn đó cần phải được tồn tại song song trong chính sách thuế của Việt Nam.
“Nói một cách khác, những chính sách quan trọng này ảnh hưởng đến việc ban hành, sửa đổi hoặc thay thế các qui định pháp luật và chính sách thuế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) một cách bền vững” - PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy lưu ý.
Vì vậy, trong giai đoạn 2011-2020, theo GS.Đặng Văn Thanh, các chính sách thuế cần cải cách và luật hóa hướng tới đảm bảo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước, nhưng giảm dần tỷ lệ động viên từ nền kinh tế vào Nhà nước. Giảm dần tỷ trọng thuế gián thu, tăng dần tỷ trọng thuế trực thu, đảm bảo đúng bản chất của thuế là phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh.
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý phí và lệ phí, cần hoàn thiện các chế độ, chính sách thu ngân sách nhà nước từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia như: thu tiền sử dụng đất,, thu tiền thuê đất, thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản từ thu dầu khí.
Để Việt Nam có thể giành được những cơ hội lớn khi tham gia “sân chơi” TPP, dựa trên những cam kết của Việt Nam trong TPP về lĩnh vực thuế, TS. Trần Vũ Hải (Trường Đại học Luật Hà Nội) thấy cần tiếp tục xử lý hệ thống thuế nội địa để bổ sung cho việc thực hiện giảm thuế theo lộ trình, đặc biệt là đối với những mặt hàng nhạy cảm sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu như ô tô, xe máy.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng mức thu từ thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường và danh mục các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường cũng là một hướng cần nghiên cứu nhằm đảm bảo nguồn thu từ thuế… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch của chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng như cả hệ thống thuế và quản lý thuế…