BeeGroup lấy tiền của học viên như thế nào ?
Chị N.A ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ,việc đăng ký khóa học dường như chỉ đưa ra để “che mắt” việc kinh doanh khóa học theo kiểu đa cấp đa tầng, nghĩa là giới thiệu càng nhiều người tham gia sẽ càng có nhiều thu nhập.
“Để bán được khóa học thì tôi sẽ phải chuyển tiền mua khóa học với mức giá cao bởi như thế thì tôi mới có quyền bán bằng gói tôi tham gia vào hệ thống hoặc thấp hơn. Thông thường khi giới thiệu, họ hướng khách hàng tham gia gói 1.100 USD”, chị N.A cho biết.
Các khóa học của BeeGroup được giới thiệu sẽ giúp các học viên gia tăng khả năng tạo nguồn thu nhập thụ động bền vững đã đánh vào “lòng tham” và thuyết phục được nhiều người tham gia.
Trên thực tế, khi mới tham gia hệ thống học viên sẽ bỏ ra 55 USD để mua gói thấp nhất, bán được sẽ kích thích học viên đầu tư tiếp và mua lần lượt thêm 5 gói còn lại. Chưa nói đến khoản lợi nhuận thu được thì học viên sẽ phải bỏ ra 8.470 USD (tương đương 203.280.000 đồng – BeeGroup tự quy định tỷ giá quy đổi 1 USD = 24.000 đồng).
Ví điện tử của một học viên BeeGroup |
Nếu như học viên mời được một người mua hết các gói đang sở hữu thì lợi nhuận của học viên đó thu lại sẽ là 182.952.000 đồng (tương đương lợi nhuận tới 90% theo như giới thiệu), đồng nghĩa với việc người đó vẫn bị lỗ 20.328.000 đồng và người đó muốn hòa vốn hoặc kiếm được nhiều tiền thì phải ra sức kêu gọi hoặc mời chào người khác tham gia vào hệ thống kinh doanh kiểu “đa cấp” này.
Các học viên càng phát triển hệ thống lớn mạnh thì số tiền thu lợi của BeeGroup lại càng cao và cho đến khi không thể giới thiệu thêm được nữa thì BeeGroup cũng sẽ “đóng cửa”?
Học viên có thực sự được hưởng lợi ?
Điểm đáng quan tâm nhất ở đây chính là dòng tiền của hệ thống BeeGroup sẽ “chảy” như thế nào và ai sẽ là người hưởng lợi ?
Qua tìm hiểu, sau khi đăng ký thành viên tại trang www.beegroup.pro, học viên nếu muốn tham gia khóa học sẽ chọn gói khóa học rồi ấn vào nút “thanh toán ngay”.
Khi đó sẽ có hóa đơn mua hàng ghi rõ tổng tiền, bao gồm số tiền gói khóa học và 10% thuế phí dịch vụ hệ thống. Với học viên đã từng giới thiệu người tham gia thì sẽ có thêm tiền ở số dư ví, còn học viên mới thì số dư ví sẽ bằng 0.
Sau khi ấn nút “nạp tiền ngay”, hệ thống sẽ hiện ra dòng chữ “Xin vui lòng yêu cầu địa chỉ nhận tiền mới” với nút bấm “yêu cầu”.
Thực hiện xong thao tác này, địa chỉ nạp tiền sẽ hiện lên với đầy đủ thông tin như ngân hàng, số tài khoản, tên người hưởng và nội dung chuyển khoản. Trong đó, nội dung chuyển khoản được “mã hóa” bằng một dãy ký tự gồm cả số và chữ cái.
Mặc dù được giới thiệu là công ty nước ngoài nhưng BeeGroup đang hoạt động rất rầm rộ tại Việt Nam |
Cùng một tên đăng nhập và các thao tác như nhau nhưng địa chỉ nạp tiền trên máy tính sẽ khác với trên điện thoại. Đáng nói, khi phóng viên đăng nhập thành viên từ nhiều tài khoản khác nhau thì địa chỉ nạp tiền cũng chỉ xoay quanh 4 số tài khoản cá nhân là người Việt Nam tại Ngân hàng Vietcombank.
Hoạt động của BeeGroup là kinh doanh và thu nhiều lợi nhuận nhưng các giao dịch chuyển khoản tiền lại sử dụng tài khoản cá nhân với nội dung chuyển khoản đã được “mã hóa”. Dường như nó sẽ giúp các lãnh đạo của BeeGroup “lách” được thuế cho dù có lợi nhuận “khủng”.
Lạ là, trong quá trình thanh toán, BeeGroup cũng ghi thêm việc thu 10% thuế phí dịch vụ hệ thống. Vậy 10% thuế phí mà BeeGroup đang thu của các học viên có được đóng vào Ngân sách Nhà nước (NSNN) không?
Trên thực tế, dù được giới thiệu xuất phát từ nước ngoài nhưng BeeGroup hiện đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam nên sẽ vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra hiện nay: Sau khi các học viên chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân trên thì dòng tiền sẽ tiếp tục chảy đi đâu? Có hay không dấu hiệu “lách thuế” của các lãnh đạo BeeGroup?
Chiêu trò “Lách luật”
“Chương trình đào tạo trực tuyến của công ty Beegroup rất giống các chương trình kiểu “lừa đảo ponzzi” trước đây, công ty thành lập thì chính là người Việt Nam tạo ra nhưng đăng ký mở công ty hoặc trang web thì mở ở một nước khác với mục đích tạo niềm tin cho khách hàng rằng đây là công ty của nước ngoài.
Điều đặc biệt đối với những công ty này chủ yếu thành lập ở nước ngoài là mục đích trốn thuế và thường là hoạt đồng phi pháp hoặc khi phạm pháp thì tránh được các cơ quan chức năng Việt Nam sờ gáy”, chị T.H tại quận Thanh Xuân chia sẻ.
Hệ thống của BeeGroup có sự tham gia của nhiều Leader nổi tiếng và cả “tai tiếng” trong giới kinh doanh đa cấp, trong đó có V.H.L (là cổ đông của Công ty cổ phần Modern Tech). Người này đã từng được báo chí nhắc đến nhiều trong vụ vỡ đường dây tiền ảo iFan với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng hồi năm 2018.
Được biết, cuối năm 2017, công ty cổ phần Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để huy động vốn kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu lôi kéo thêm nhà đầu tư mới, sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.
Sau khi các học viên chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân trên thì dòng tiền sẽ tiếp tục chảy đi đâu? Có hay không dấu hiệu “lách thuế” của các lãnh đạo BeeGroup? |
Sau khi thu được số tiền lớn, iFan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. IFan quy định giá công bố là 5 USD/đồng tiền số. Trong khi giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường thời điểm đó chỉ là 0,01 USD/đồng.
Vậy nhưng khát vọng làm giàu “siêu tốc” đã khiến hơn 32 nghìn người tham gia vào hệ thống của iFan. Số tiền vốn mà iFan đã huy động được lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư từng được iFan hứa hẹn lợi nhuận “khủng” sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.