Hành vi kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng, rất nguy hại cho sức khỏe con người đang ngày càng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ trầm trọng. Đáng cảnh báo, những hành vi trên hầu như mới chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền khá “nương tay” nên vi phạm vẫn tràn lan…
Thực phẩm “ba siêu”
Nói thực phẩm “ba siêu” là: Siêu bẩn, siêu rẻ và siêu hại” xảy ra đối với người tiêu dùng hiện nay. Mới đây, người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam không khỏi lo sợ và kinh hãi khi các cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ thực phẩm hôi thối bị bắt giữ trên đường đi tiêu thụ ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Chỉ riêng tại TP.HCM, vào sáng 9/5/2012, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với đội Cảnh sát Giao thông Rạch Chiếc đã phát hiện ôtô đông lạnh do tài xế Trần Văn Chính (29 tuổi, quê Nam Định) lưu thông trên quốc lộ 1A hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, trong thùng xe đông lạnh chứa 3,2 tấn vú lợn hôi thối.
Cùng xe này, có gần chục tấn chân gà tuy có ghi nguồn gốc xuất xứ nhưng chủ hàng chưa đưa ra được các giấy tờ hợp lệ, lực lượng chức năng vẫn tạm giữ để mở rộng điều tra làm rõ. Trước đó, tại Bình Dương, cơ quan chức năng phát hiện 2 container đông lạnh chứa 3,4 tấn chân trâu, bò và hơn 4,9 tấn lòng lợn đã bốc mùi hôi thối. Đáng kinh hãi cho người tiêu dùng là trong quá trình tiêu hủy, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 2 tấn chân bò thối trong container trên đã bị “rút ruột” do chủ hàng đem đi tiêu thụ.
Vào những ngày đầu hè, người tiêu dùng tại TP.Hà Nội thì hoảng hồn trước thông tin mới phát hiện một khu vực chợ bán thịt gà siêu rẻ thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai) và phường Khương Đình (quận Thanh Xuân). Sở dĩ gọi là gà siêu rẻ vì giá gà thịt ở đây chỉ bằng ¼ giá gà thành phẩm hiện bán trên thị trường, giá chỉ 30 ngàn đồng/kg. Theo một số người dân thì đây là loại gà thải có nguồn gốc từ Trung Quốc, không qua kiểm dịch, được các thương lái mua ở cửa khẩu với giá 5 ngàn đồng/con rồi vận chuyển lậu về nội địa, đem tiêu thụ ở chợ đầu mối, chợ lao động.
Sau khi giết mổ, thương lái đem bán ở các chợ ven đô với giá 30 ngàn đồng/kg, dù rẻ gấp nhiều lần so với gà nội địa nhưng cũng đã lãi gấp cả chục lần tiền gốc. Thậm chí, ở nhiều nơi, loại gà thải siêu rẻ này còn được thương lái trà trộn với gà thịt đã qua kiểm dịch để qua mặt người tiêu dùng với giá cả trăm ngàn một kg. Người tiêu dùng rất khó phát hiện sự gian lận, trà trộn này, vì nhìn chung loại gà này thịt cũng dai, thơm ngon, xương cứng nên được các quán ăn và nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vì là gà lậu không qua kiểm dịch nên không ai biết trước ăn vào có nguy hại gì hay không?.
Có luật, sao không xử?
Theo một cán bộ kiểm dịch, chủ những lô hàng nội tạng gia súc, chân gia súc ôi, thiu, hôi thối đó cho biết phần lớn số thực phẩm siêu bẩn này được sơ chế và đem bán cho các nhà hàng từ sang trọng đến các quán cơm bình dân để chế biến thành những món ăn từ hảo hạng như nầm dê, đến các món bình dân như vó bò, lòng lợn...
Theo họ, chỉ cần nhúng vào một thứ dung dịch hóa chất dùng trong công nghiệp không màu, không mùi, không nhãn mác do Trung Quốc sản xuất thì những thực phẩm dù mốc xanh mốc vàng, bốc mùi hôi thối nồng nặc cũng sẽ trở lên trắng phau, tươi ngon, thu hút thực khách. Và như vậy, người tiêu dùng đã bị đầu độc một cách tinh vi mà không hay biết.
Có thể nói, trước thực trạng các vụ kinh doanh, chế biến thực phẩm siêu bẩn, ô nhiễm độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người đặt ra vấn đề nghi vấn về biểu hiện “nhờn” luật. Đó là các quy định của pháp luật đã bị “treo” trước những vi phạm trắng trợn, tràn lan ngày một phổ biến. Thực tế, đã có nhiều Luật và các văn bản dưới luật điều chỉnh về dạng hành vi trên, như Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của các bộ ngành liên quan.
Đặc biệt, Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có hẳn một điều luật quy định về tội: “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” gồm 3 khoản với 3 khung hình phạt khác nhau tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nhiều luật điều chỉnh nhưng vi phạm vẫn gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng, phải chăng là chúng ta vẫn còn quá “nương tay” khi hầu như mới chỉ xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm?
Luật sư Đặng Văn Luân - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thái Bình: Hầu hết các vụ kinh doanh, chế biến thực phẩm siêu nguy hại như trên hiện mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, điểm g khoản 5 điều 15 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì mức phạt đối với loại hành vi này chỉ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. So với khối lợi nhuận khổng lồ hàng trăm triệu, thậm chí hàng nhiều tỷ đồng thu được thì mức phạt này quá thấp, không đủ sức răn đe. Chính vì vậy, các chủ hàng sẵn sàng nộp mức phạt trên để tiếp tục kinh doanh, thu lời bất chính, bất chấp tất cả dù biết những việc làm của họ đang đầu độc người tiêu dùng, thậm chí đầu độc cả thế hệ người tiêu dùng sau này. Luật sư Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định: Tôi cho rằng sở dĩ hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm “ba siêu” vẫn diễn ra, thậm chí với mức độ ngày càng trầm trọng hơn là do các luật của chúng ta đang bị “treo” chờ hướng dẫn, các chế tài xử phạt thì chưa đủ nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Đơn cử Luật an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực từ 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào cuộc sống vì vẫn phải “chờ” hướng dẫn của Chính phủ và của các cơ quan hữu quan. Còn chế tài trong Bộ luật Hình sự 1999 thì cũng “bó tay”, do từ trước đến nay hầu như rất hiếm trường hợp bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” do không chứng minh được hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Việc xác định, chứng minh nguyên nhân gây ra thiệt hại từ các nguồn thực phẩm nguy hại là vô cùng khó khăn. Vì rằng tác hại của thực phẩm nguy hại phải qua quá trình tích lũy lâu dài mới gây hậu quả chứ rất ít xảy ra ngay lập tức. Chưa kể, dù có xác định được nguyên nhân nhưng vẫn khó có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Lụât sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Nên chăng các nhà làm luật cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời điều 244 BLHS theo hướng nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì phải xử lý hình sự. Đồng thời quy định tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” là tội có cấu thành hình thức để xử lý nghiêm minh. Theo đó, người nào có hành vi mua bán, sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng “có khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng” là bị xử lý hình sự, mà không cần xét hậu quả đã xảy ra hay chưa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người tiêu dùng, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái kiên quyết nói không với thực phẩm không an toàn, kém chất lượng. |
Lê Nguyễn