Càng gần Tết, số lượng xe tải ra vào ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai “ăn” hàng càng nhiều. Năm nào cũng vậy, ngay từ tháng 9 (Âm lịch), nông dân Bưng Cần đã lục đục lên kế hoạch sản xuất hàng hóa đón năm mới.
Huệ Bưng Cần được xuất đi khắp các tỉnh vào dịp Tết |
Làng chuyên canh hoa Tết
Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội nông dân xã Bảo Hòa cho biết, dân Bưng Cần chuẩn bị Tết ngày từ tháng 9 và tháng 10 Âm lịch. Đây là thời điểm người dân tập trung xuống giống các loại hoa, tăng nhanh đàn heo thịt và thúc đàn cá.
Bưng Cần là ấp có vùng chuyên canh hoa lớn nhất huyện Xuân Lộc. Hoa Bưng Cần hiện đã có mặt tại thị trường các tỉnh Miền Trung, TP.Hồ Chí Minh.
“Ngoài Huệ, nông dân Bưng Cần còn trồng: Lay-ơn , Cúc, Thọ…” - nông dân Nguyễn Chiến (tổ 2) cho hay. Mỗi sào hoa Huệ nếu nở rộ đúng vào dịp Tết có thể đem về cho chủ vườn vài chục triệu đồng tiền lãi. Riêng Lay-ơn, Thọ, Cúc…thời gian đầu tư ngắn (trong vòng 2 đến 3 tháng), nhưng nông dân vẫn lãi trên 20 triệu đồng/sào.
“Dịp Tết vui nhất là lúc thu hoạch hoa, người trồng hoa càng vui hơn khi hoa được giá”- nông dân Nguyễn Sĩ Tựu (tổ 1) bày tỏ.
Ông Nguyễn Thành Điển, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa ấp Bưng Cần cho biết thêm, ấp Bưng Cần có thế mạnh về hoa Huệ. Vào dịp Tết, hoa huệ ở địa phương ông mở rộng diện tích trồng gần 20 héc ta. “Chính vì vậy đến tối 30 Tết dân Bưng Cần mới được nghỉ giải lao để đón năm mới. Vì trong những ngày cận Tết, họ mải mê lo việc thu hoạch hoa và tìm chợ để bán hoa”- ông Điển vừa chỉ vườn hoa Huệ lác đác hé nụ nói.
Mỗi dịp Tết gia đình chị Hà Nhi (tổ 2) thu nhập từ vườn bông Thọ trên 15 triệu đồng. |
Bí thư chi bộ ấp Bưng Cần Bùi Huy Sinh cho hay, từ ngày nông dân trong ấp phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh hoa, chăn nuôi heo, nuôi cá nước ngọt, bắp lai…thì đời sống người dân khấm khá hẳn lên.
Do đó, lượng tiền mà dân Bưng Cần thu về cuối năm được nhìn thấy bằng mắt, thông qua lượng hàng hóa từ Bưng Cần xuất đi các chợ đầu mối hàng ngày. Ông Sinh nói: “Càng gần Tết, dân Bưng cần càng ít ngủ, nhà nào cũng sáng điện thu hoạch hoa và thức đêm chăm sóc đàn heo, cá bán Tết”.
Như bao vùng trồng hoa khác, trước kia nông dân Bưng Cần chủ yếu trồng mào gà, vạn thọ. Khoảng 5 năm lại đây, do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi nên nông dân Bưng Cần cũng chuyển một phần diện tích đất trồng mào gà, vạn thọ… sang trồng cúc Đà Lạt và Lay-ơn.
Cúc Đà Lạt còn được nhiều người gọi là cúc pha lê. Để đưa cúc Đà Lạt vào vườn, nông dân Bưng Cần đã không ít lần thất bại. Nông dân Hai Hớn chia sẻ, Cúc Đà Lạt tuy khó trồng. Bù lại đầu ra của nó ổn định và lợi nhuận cũng cao hơn gấp hai, ba lần so với trồng mào gà và vạn thọ.
Cũng theo nông dân Hai Hớn, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi để cho các loại hoa phát triển. Bên cạnh đó, giá các loại vật tư đầu vào cho trồng hoa vụ này chỉ tăng 5% so với năm 2011. Vì thế, giá hoa năm nay chỉ cần cao hơn năm trước một chút là người trồng có lời.
Bên vườn hoa Lay-ơn khoe sắc, chị Lê Trà Hương bày tỏ: trước đây, vùng này chủ yếu trồng huệ, loại hoa này giờ sâu bệnh nhiều, năng suất kém, lợi nhuận rất thấp nên đa số các hộ chuyển sang trồng hoa Lay-ơn. “Trồng lay-ơn dễ hơn trồng huệ trong khi lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần. Ngoài lợi nhuận cao, đầu ra của hoa Lay-ơn hút hàng, nông dân yên tâm đầu tư”- chị Hương tự tin nói.
Thêm một mùa xuân vui
Ông Trần Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Hòa cho biết, 20 năm về trước, Bưng Cần chỉ là cánh đồng lúa 2 vụ nên đời sống kinh tế khó khăn. Từ ngày địa phương xây dựng tuyến đường Mã Vôi, hoàn chỉnh hệ thống lưới điện vào ấp Bưng Cần và triển khai các dự án hỗ trợ vốn vay, khoa học kỹ thuật đời sống nhân dân phát triển rõ rệt.
Nghề trồng hoa đang làm thay đổi làng quê |
Những giáp Tết, các phương tiện giao thông lưu thông trên đường Mã Vôi ra Quốc lộ 1 “ngất ngưởng” rau củ, nông sản, thủy sản. Tiểu thương Nguyễn Thị Thơm cho biết, từ khi địa phương mở rộng đoạn đường này, xe tải của bà đã vào tận vườn để bốc hàng.
Càng gần Tết, nông dân Bưng Cần càng tất bật chạy đua với thời gian. Nông dân Lương Duy Ái (tổ 1) vừa đổ thức ăn vào máng, vừa động viên các chú “ỉn” gắng ăn khỏe để ông kịp xuất chuồng dịp Tết. Ông tâm sự, năm nào cũng vậy, gia đình ông cũng “canh” được 2 tấn heo thịt và 2 sào hoa Huệ bán Tết.
Trên đường ngược ra ấp Bưng Cần, Bí thư chi bộ ấp Sinh phải thắng gấp xe máy, tránh chiếc xe tải chở hàng cồng kềnh chạy ngược chiều. Khi dừng xe, ông hài hước nói vui với các nông dân đang đứng bên đường rằng: Xe tải cứ vào chở hết hàng của dân Bưng Cần, miễn sao đem tiền mặt về cho ấp ông là được. Có như vậy, ra năm bà con trong ấp mới mạnh dạn góp tiền làm đường rộng cho mà chạy. Nghe Bí thư ấp Sinh nói vậy, nhiều nông dân ngỏ ý đồng tình. Họ cho biết, ra giêng, nông dân sẽ nhiệt tình ủng hộ chủ trương trải nhựa nóng đường Bưng Cần để khách bộ hành nhìn thấy vườn hoa của họ đang khoe sắc mỗi khi xuân về, Tết đến.
Đoàn Phú