Brazil trước cuộc đấu “một mất, một còn”...

Chính trường Brazil đang trong thế “một mất một còn”
Chính trường Brazil đang trong thế “một mất một còn”
(PLO) - Ngày 27/8, trong phiên tòa luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, người bị đình chỉ chức vụ vì cáo buộc vi phạm luật ngân sách, cựu Bộ trưởng Kinh tế Nelson Barbosa đã làm chứng rằng bà Rousseff không hề vi phạm luật pháp để phải bị luận tội. 

Bà Rousseff, 68 tuổi, bị cáo buộc sử dụng các khoản vay nhà nước bất hợp pháp để bù vào sự thiếu hụt ngân sách và che giấu thực trạng nền kinh tế trong chiến dịch tái cử của bà năm 2014. Là người thuộc đảng Lao động cánh tả, bà Rousseff cho rằng những cáo buộc này là sự vu cáo và thực chất là cuộc đảo chính của phe cánh hữu. 

Căng thẳng

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Barbosa và Giáo sư luật Ricardo Lodi thuộc Đại học Rio là những nhân chứng biện hộ cuối cùng đã làm chứng rằng, bà Rousseff không vi phạm luật hay gây tổn hại tới nền kinh tế Brazil - hiện đang lún sâu vào suy thoái. Lập luận tương tự cũng được tốp nhân chứng đầu tiên đưa ra hôm 26/8, cho rằng những thủ đoạn ngân sách như vậy đã có từ lâu và sự suy thoái kinh tế của Brazil hoàn toàn chẳng liên quan gì. 

Phe buộc tội trước đó đã cáo buộc bà Rousseff thiếu trách nhiệm nên đẩy Brazil- nước đã từng rất phát triển, vào tình trạng đi xuống. Căng thẳng càng lên cao khi bà Rousseff sẽ phải lần đầu tiên đứng trước tòa trình bày quan điểm của mình và đối mặt với phe luận tội.

Bà Rousseff cùng với người tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva - người đã từng là một trong những tổng thống được lòng dân nhất ở Brazil - đang bị phe cánh hữu đổ lỗi cho những trục trặc của nền kinh tế Brazil và bị cho là có dính líu tới một hệ thống tham nhũng khổng lồ vừa bị phát giác tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Sự có mặt của ông Lula- người sáng lập đảng Lao động- và những cáo buộc của bà Rousseff về một âm mưu phá hoại sự cầm quyền 13 năm qua của đảng Lao động sẽ làm bầu không khí tại Thượng viện đang bị chia rẽ sâu sắc càng thêm căng thẳng khi mà trước đó, ngày 26/8 đã nổ ra một cuộc biểu tình khiến cho phiên tòa phải tạm hoãn cho đến khi mọi việc lắng xuống. 

Luật sư biện hộ của ông Lula, ông Cristiano Zanin Martins, nói rằng ông Lula vô tội và chỉ là mục tiêu của một vụ có động cơ chính trị. Tại một cuộc họp báo ở Sao Paulo, vị luật sư này nói: “Một lần nữa vụ việc xảy ra với một sự trùng hợp kỳ lạ ngay tại thời điểm quan trọng về mặt chính trị của đất nước. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng vở kịch này ngoài việc là một sự bịa đặt còn có ý nghĩa về mặt chính trị rất rõ ràng”. 

Các tranh luận cuối cùng sẽ tiếp nối sau phần lời khai của bà Rousseff, sau đó các thượng nghị sĩ sẽ phát biểu và bỏ phiếu. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 30 hoặc 31/8. Để buộc được bà Rousseff rời khỏi chức vụ ngay lập tức, cần phải có 2/3, hay 54 trong tổng số 81 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ. Theo dự đoán của các thượng nghị sĩ phe đối lập và các tờ báo lớn ở Brazil, phe ủng hộ luận tội có xu hướng sẽ giành phần thắng. 

Phe ủng hộ bà cho rằng họ có thể vẫn có ảnh hưởng tới một số thượng nghị sĩ để ngăn chặn điều này xảy ra, song giới phân tích cho rằng không có khả năng bà Rousseff sẽ quay trở lại nắm quyền được. Thượng nghị sĩ Raimundo Lira, một người ủng hộ mạnh mẽ việc luận tội Tổng thống, cho biết các nghị sĩ “đã xác định rõ quan điểm của mình, và tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi về kết quả bỏ phiếu”. 

Tình nghi cựu Tổng thống

Ngày 26/8, cảnh sát liên bang Brazil cho biết cựu Tổng thống Lula da Silva cùng vợ Marisa Letícia Rocco đang bị tình nghi có liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. 

Theo đó, cảnh sát tình nghi Cty xây dựng OAS đã cải tạo căn hộ hạng sang mà ông Lula đã mua ở thành phố Guarujá, ven biển bang Sao Paulo, để “trả ơn” ông này giúp OAS trong các hợp đồng làm ăn với Petrobras. Các cơ quan chức năng cũng nghi ngờ ông Lula đã mua bất động sản này bằng tiền tham ô. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Lula khẳng định căn hộ này không thuộc sở hữu của vợ chồng ông. 

Hiện vợ chồng ông Lula cùng Chủ tịch Quỹ Lula Paulo Okamotto và nguyên Chủ tịch OAS Aldemario Pinheiro bị cảnh sát cáo buộc tội tham ô và rửa tiền. Theo cảnh sát, số tiền mà ông Lula được hưởng lợi bất hợp pháp từ OAS lên tới 750.000 USD. Cảnh sát đã gửi lên Viện kiểm sát những bằng chứng liên quan tới cáo buộc trên. Trong vòng 3 tháng tới, cơ quan này sẽ phải đưa ra quyết định có tiến hành xét xử ông Lula và những người có liên quan hay không. 

Trước đó, hồi tháng 3, Tòa án bang Sao Paulo đã ra lệnh tạm giam ông Lula vì cáo buộc liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ. Bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí hàng đầu Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3/2014, không những làm “vấy bẩn” hình ảnh đảng Lao động (PT) và Tập đoàn Petrobras, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff.

Ông Lula là người sáng lập PT và cũng là người đỡ đầu bà Rousseff. Việc cảnh sát gửi Viện kiểm sát những bằng chứng về khả năng ông Lula tham ô và rửa tiền chỉ diễn ra 1 ngày sau khi Thượng viện bắt đầu phiên tòa chính trị xét xử bà Rousseff. 

Sẽ có “thay máu”?

Vụ bê bối Petrobras đã gây chấn động chính trường Brazil. Hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. Vụ bê bối Petrobras cùng với tình trạng suy thoái của nền kinh tế Brazil đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.

Nếu bà Rousseff ra đi, Tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ lên nắm quyền cho tới kỳ bầu cử năm 2018. Kể từ khi trở thành tổng thống lâm thời sau khi bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ hồi tháng 5/2016, ông này đã nhanh chóng đưa Brazil rời xa phe cánh tả, thành lập một nội các trung hữu mới với một thông điệp thân thiện với thị trường rất được các nhà đầu tư hoan nghênh.

Ông nói rằng đất nước này cần cải cách để tái xây dựng nền kinh tế khổng lồ đang bị sụp đổ. Kinh tế Brazil đã sụt giảm 3,8% trong năm 2015 và dự kiến sẽ giảm tiếp 3,3% trong năm nay. Lạm phát đang ở mức 9% và tỷ lệ thất nghiệp là 11%. 

Tuy nhiên, ông Temer khó có thể được lòng dân hơn bà Rousseff. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, chỉ khoảng 14% người dân Brazil cho rằng ông đang làm việc tốt. Một nhân viên điều khiển thang máy ở Thượng viện, nơi người này thường gặp mặt những người quyền lực nhất đất nước, nhận xét: “Thay bà Dilma bằng ông Temer chẳng phải là giải pháp. Nếu có một cuộc bầu cử thực sự, ông ta sẽ chẳng bao giờ thắng”.

Đề cập tới phiên luận tội bà Rousseff đang diễn ra, nhân viên này còn nói: “Cái tôi thấy là nhiều người xấu xa đang xét xử một người phụ nữ cũng xấu xa. Giờ chẳng có lựa chọn nào tử tế cả”. Cảm nhận của những người lao động ở Thượng viện cũng rất cay đắng. Một người nói: “Luận tội là để thay người khác song mọi thứ sẽ vẫn như cũ. Chúng tôi cần môt sự khởi đầu khác, hoàn toàn mới”. 

Ý tưởng về một cuộc bầu cử mới để “thay máu” chính quyền đang được nhiều người nghĩ tới ở Brazil. Cuộc điều tra của hãng Carta Capital và Vox Populi trong tháng 8 này cho thấy 61% người dân ủng hộ sự ra đi của cả bà Rousseff và ông Temer và sau đó tổ chức bầu cử sớm. Bà Rousseff nói bà sẽ ủng hộ ý tưởng này nếu không bị luận tội. Song chẳng mấy người đang nắm quyền, trong đó có cả ông Temer, hứng thú với sự thay đổi đó.

Bên cạnh đó, còn có một vấn đề nữa, như lời một nhân viên ở Thượng viện nói, đó là ai sẽ là người thay thế mới tốt đẹp hơn. Nhân viên này nói: “Để đi xa được như thế trong chính trị, anh sẽ phải vấy bẩn. Một người 100% trong sạch sẽ chẳng bao giờ làm được thế”...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.