Những tình ca cho người tình son sắt
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Khi được 6 tuổi, cả gia đình ông chuyển vào Sài Gòn định cư.Hiệu sách Thanh Bình của người cha đã khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với ông.
Sau một thời gian theo học nhạc với nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt và nhạc sĩ Hùng Lân, chàng trai Ngô Quang Bình dùng bút danh Đông Quân để tập tành sáng tác. Sau một thời gian, bút danh Đông Quân được đổi thành bút danh Ngô Thụy Miên.
Ngô Thụy Miên tự nhận sự nghiệp âm nhạc của mình tất cả chỉ là tình ca.Trả lời câu hỏi tại sao không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, ông cho biết:“Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề tình yêu, thân phận và quê hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niênvới bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi”.
Vậy cơ duyên nào để Ngô Thụy Miên viết tình ca? Đó là bóng hồng Đoàn Thanh Vân mà ông hạnh ngộ ở Trường Âm nhạc Sài Gòn. Người đẹp Đoàn Thanh Vân là con gái của tài tử Đoàn Thanh Mậu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thập niên 1960.
Vợ chồng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. |
Hình ảnh Đoàn Thanh Vân đã khiến trái tim Ngô Thụy Miên rung động. Và chàng trai 17 tuổi đã viết ca khúc đầu tay “Chiều nay không có em” thay cho lời tỏ tình: “Không có em đời mình sao vắng vui/ Cuộc tình như lá khô mộng mơ cơn mê chiều/ Không có em đôi mắt buồn nào đợi chờ/Xin cho nhau lời vỗ về, sao đành quên đi ngày tháng đó”.
Bắt đầu hẹn hò với Đoàn Thanh Vân, Ngô Thụy Miên viết tiếp ca khúc “Mùa thu cho em” rạo rực: “Nắng úa dệt mi em/ Và mây xanh thay tóc rối/ Nhạt đôi môi em thơm nồng/ Tình yêu vương vương má hồng/ Sẽ hát bài cho em và ru em yên giấc tối/ Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi/ Chờ em, anh nghe mùa thu tới”.
Cuộc tình với Đoàn Thanh Vân là mối duyên đời -nhạc của Ngô Thụy Miên. Những xao xuyến lứa đôi đã làm thăng hoa âm nhạc ông mà ca khúc “Mắt biếc” ông viết tặng người yêu được đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi ra đời.
Năm 1973, Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân đính hôn. Đám cưới của họ dự định sẽ tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, do nhiều đổi thay, Đoàn Thanh Vân theo cha mẹ di cư sang Mỹ, mà không kịp nói lời giã biệt vị hôn thê.
“Một sáng tác mà tôi rất yêu quý,đó là bài “Em còn nhớ mùa xuân”.Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sài Gòn sau tháng 4/1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã ra đi. Bản nhạc nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của một thời thơ mộng”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thổ lộ.
Ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân” được nhiều ca sĩ trình diễn ở hải ngoại, rồi sau đó lại tiếp tục chinh phục người yêu nhạc trong nước: “Những thành phố em sẽ đi qua/ Đây Paris, đây Luân Đôn, đây Vienne/ Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua/ Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau”.
Thời gian sau đó, Ngô Thụy Miên đã vượt đại dương để đi tìm người phụ nữ đã cùng mình ước thề. Ở nước Mỹ mênh mông, họ cũng đã tìm được nhau.Năm 1979, Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân tổ chức lễ cưới tại bang California.
Trùng phùng hạnh phúc sau cách biệt, Ngô Thụy Miên đã viết ca khúc “Em về mùa thu” đánh dấu ngày nên duyên chồng vợ: “Ô hay mùa thu lại về cho mình giăng hẹn hò/ Gọi tên nhau khi chiều đến/ Mây thu vấn vương đan ngập lối đi/ Ái ân theo hồn vút cao/ Vết mơ tình xõa tay mềm”.
Hạnh phúc “Riêng một góc trời”
“Riêng một góc trời” là bản tình ca hay xuất sắc từ giai điệu lẫn ca từcủa Ngô Thụy Miên, được sáng tác khi tác giả đã tròn 50 tuổi. Khi đó, ông đang có cuộc hôn nhân viên vãn với người bạn gái thuở hàn vi sau những năm tháng thăng trầm của cuộc đời.
Trong chương trình “Chân dung cuộc tình”, biên tập Minh Đức tiết lộ về người con gái khiến Ngô Thụy Miên yêu say đắm và quyết định kết hôn, cũng là hình mẫu để ông viết “Riêng một góc trời”: “Ông có một mối tình với người con gái tên Đoàn Thanh Vân, con một tài tử nổi tiếng lúc đó. Hai người rất yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Sau này khi gặp lại nhau ở xứ người, 2 người mới thành đôi. Sau khi cưới nhau, cả 2 quyết định ở một nơi rất xa xôi, nhiều mưa, có thể điều này khiến ông nảy sinh cảm xúc viết ca khúc “Riêng một góc trời”, tức chọn riêng một góc trời để sinh sống”.
Dù đang hạnh phúc bên người vợ hiền nhưng như thường lệ, tình ca của Ngô Thụy Miên thường buồn, cái buồn man mác không vương sầu lụy. Tình yêu trong tuyệt phẩm “Riêng một góc trời” mỏng manh như sương khói nhưng mãi vấn vương nuối tiếc, nặng tình về những ngày tháng cũ.
“Riêng một góc trời” giống như một bài thơ 4 chữ nhẹ nhàng sâu lắng, với cách ví von thật tuyệt: “Tình yêu như nắng/ Nắng đưa em về/ Bên dòng suối mơ/ Nhẹ vương theo gió/ Gió mang câu thề/ Xa rời chốn xưa”.
Và, khi nhắc đến bản tình ca này thì không thể không nhắc đến tiếng hát Tuấn Ngọc. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã từng thốt lên: “Bài “Riêng một góc trời” tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát hay như vậy đâu. Thế mà ông ấy hát nó lại thành công. Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm!”.
Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ rằng, như một định mệnh, một sự may mắn trong sự nghiệp ca hát khi được biết và có duyên trình bày nhạc phẩm này. Bởi ông từng hát nhiều ca khúc của Ngô Thụy Miên nhưng chưa có ca khúc nào được công chúng yêu mến dài lâu, bền bỉ như “Riêng một góc trời”.
Gần như “Riêng một góc trời” đã trở thành “thương hiệu” của riêng Tuấn Ngọc mà ai dự tính thể hiện đều e dè. Đây cũng là ca khúc ghi dấu tên tuổi Tuấn Ngọc khi ông bắt đầu hát những ca khúc Việt Nam, góp phần đưa ông trở thành giọng ca nam hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam.
Văn là người, âm nhạc cũng là người. Ngô Thụy Miên có cuộc sống khá kín đáo, ông gọi đó là góc trời riêng. Cũng như âm nhạc, ông có đời sống thanh sạch không gợn chút thị phi, nhẹ nhàng như dòng suối âm thầm chảy, rất ít tiếp xúc với giới showbiz hải ngoại.
Ông chia sẻ rằng, ông đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề có tham vọng gì. Những sáng tác của ông đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc.Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây phương đã giúp ông rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc.
“Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý. Còn nói về lời ca thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở, tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bộc bạch.
Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ thật sự tài hoa đã tạo cho mình một dòng nhạc mang dấu ấn riêng trên từng nốt nhạc, ca từ. Tình ca của ông mãi mãi là những viên ngọc lấp lánh dưới bầu trời âm nhạc Việt. Đóng góp đó luôn được tri ân không chỉ hôm qua, hôm nay, mà sẽ là vô tận.