Đó là chị Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) quận Tân Phú, TP.HCM – tách ra từ quận Tân Bình với ngổn ngang công việc án. Nhưng với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chị đã đưa quận đứng đầu về án tồn đọng trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành THADS TP.HCM.
• Vướng đâu gỡ đó
Chị Liên về nhận chức Trưởng THADS Tân Phú vào năm 2004. Thời điểm ấy, chị nhận bàn giao 1.881 vụ việc, đa số là án khó, phức tạp, tồn lâu năm, không có điều kiện thi hành án...
Nhân sự đơn vị thì chỉ 6 người, hầu hết là cán bộ trẻ từ các nơi khác về, trụ sở làm việc chưa có phải ở tạm với Tân Bình. Đó là “cái khó” lớn nhất mà chị đối mặt. Nhưng thuận lợi cơ bản mà chị có được đó là ý thức trách nhiệm cao đối với công việc, có tâm với nghề, đoàn kết một lòng của anh chị em trong đơn vị đã giúp chị nhanh chóng sửa chữa xong trụ sở tạm, ổn định tổ chức, đi vào hoạt động có nền nếp.
Mọi người vẫn yêu quý gọi chị là "bông hoa" gỡ án |
Đặc biệt, sau khi tìm hiểu tình hình địa phương, chị cùng mọi người trong cơ quan nghiên cứu cách “đánh án” đã tồn lâu chưa được thi hành với phương châm “vướng ở đâu gỡ ở đó”.
Thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc xác minh tài sản liên quan đến đất đai, nhà cửa để thi hành án. Những lúc đó, chị trực tiếp đến gặp Lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường quận để tìm hiểu lý do. Sau nhiều lần trao đổi, “cái rối” cũng được tháo gỡ. Đối với án nợ “án dây chuyền”, với các đường dây hụi, nợ chồng chéo lẫn nhau thì: “kinh nghiệm là đánh đúng gốc, đúng người trọng yếu, hàng chục án khác sẽ đổ theo”.
Rồi đến những án khó, phức tạp, toà tuyên không rõ, chị trực tiếp cứ “Toà án trước, Viện kiểm sát sau”, hỏi cho ra nhẽ thì thôi. Ngay cả đến UBND quận cũng “quen mặt” chị, bởi có gì khó khăn, vướng mắc chị trực tiếp gặp lãnh đạo các Phòng ban liên quan trao đổi và cùng giải quyết tận ngọn.
Kết quả, đến năm 2007, án tồn đọng chỉ còn 326 vụ việc và đến năm 2009 chỉ còn lại còn 154 vụ việc (trong đó có 112 vụ không có địa chỉ cư trú chờ đủ thời gian để xét miễn giảm theo Luật).
Ngoài việc giải quyết án tồn cũ, hàng năm, đơn vị của chị Liên còn phải giải quyết số việc thụ lý mới, tổng cộng là 9.335 vụ việc, cho đến nay số án này chuyển năm sau của THA Tân Phú là 607 vụ việc, năm nào án “đầu ra” cũng nhiều hơn số án “đầu vào”. Tỷ lệ án giải quyết xong đạt 93% trên tổng số án thụ lý thi hành.
• “Con người ai cũng có tình”
Có thể khẳng định, tài thuyết phục của chị Liên thể hiện ở kết quả công việc: Sáu năm làm việc tại Tân Phú, những án tồn gần như được chị tổ chức thi hành xong, như án bồi thường tính mạng sức khỏe, án trợ cấp nuôi con, án xử lý tang tài vật…
Chị chia sẻ: “Thực ra loại án này khó mà không khó. Với những người thiếu trách nhiệm với con cái sau li hôn thì mình thuyết phục, gợi tình cảm phụ tử với họ… Con người ai cũng có tình, “đánh” vào cái tình của họ, thì mọi việc sẽ ổn”.
Chị Liên nói đùa: “Nếu anh Lực - Cục trưởng có bí quyết “ba sĩ” (CHV phải vừa có sức khoẻ như “lực sĩ”, vừa có chất giọng như “ca sĩ”, vừa bản lĩnh như “chiến sĩ”) thì Tân Phú tôi có “ba thuật”: “Kĩ thuật”, tuyệt đối vận dụng đúng pháp luật cho mọi công việc; “Nghệ thuật”, chính là khả năng thuyết phục các bên thi hành án và… “Thủ thuật”, tức là đôi khi phải dùng cả “chiêu”, miễn là đúng luật, nhằm giúp các bên cùng thoả thuận thi hành án”.
Với ba “thuật” này, chị đã gỡ được nhiều vụ tưởng chừng bất khả thi. Đặc biệt, đến nay, đơn vị chị không còn đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài.
Đối với chị Liên, thủ trưởng cơ quan phải hết lòng yêu thương, sống chân tình với anh em, gần gũi anh em, sẽ biết rõ cái hay, cái dở, ưu, khuyết của từng người mà phân công việc phù hợp. Mặc dù vậy, chị vẫn tốn cho rằng, thành quả đơn vị hoàn toàn là công sức của tập thể, chị may mắn được lãnh đạo một tập thể đoàn kết và “tốt tính”..!
Ngọc Mai
Cụ thể, 5 năm qua, toàn Cục có 257 sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến Cục THADS TP.HCM xem xét, phân tích đánh giá và công nhận 186 sáng kiến, giải pháp hữu ích có giá trị đối với công tác THADS cần nhân rộng ra các đơn vị cơ sở. Ông Lực cũng không quên nói với chúng tôi rằng, có được kết quả trên, không thể không nhắc đến “Nữ tướng Liên” - đó là người tâm huyết với công việc, có khả năng thu phục, và sử dụng người một cách hiệu quả nhất. Trong những đợt Cục tổ chức “đánh án” cao điểm, chị Liên chính là người nêu “quyết sách” động viên anh em: “Ngày “đánh án”, chiều tối làm hồ sơ, quyết giải quyết “xử lý” cho bằng được những vụ, việc tồn đọng”. Phong Trần |