Bất an sau những chiếc xe bồn chở hóa chất
Chỉ cần gõ cụm từ “lật xe tải, hóa chất tràn ra đường”, con số mà Google cho kết quả không khỏi giật mình. Theo một thống kê, tính từ tháng 4/2014 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không dưới 5 vụ xe chở axit bị rò rỉ gây hại quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông.
Cụ thể, tháng 4/2014 trên đường ĐT743 đoạn qua phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương), một chiếc xe tải chở hàng nghìn lít axit bị vỡ đáy khiến hóa chất đổ tràn xuống đường. Cùng thời điểm trên, một chiếc xe khác mang biển số 60C - 038.54 chở 4 bồn nhựa lớn có chứa 6.000 lít axit clohydric (HCl) lịch trình từ Vũng Tàu về thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cũng bất ngờ gặp tai nạn tương tự. Tháng 6/2014, tại ngã tư Trâu Quỳ thuộc quốc lộ 5, đoạn chạy qua địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), chiếc xe tải biển số 29Y - 1740 chở theo một khối lượng axit lớn chạy với tốc độ cao cũng khiến bồn chứa bị rò rỉ. Trong lúc di chuyển, axit liên tục bắn ra, hắt văng vào người đi đường gây bỏng cho hàng chục người. Nhiều người bị axit từ trên xe hắt xuống bị bỏng nặng toàn thân, phải đưa đi cấp cứu.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, chiếc xe mang biển kiểm soát 60P-0128 chứa 5 thùng phuy lớn đựng hóa chất HCl khi đang lưu thông theo hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Đồng Nai bất ngờ gặp sự cố. Xe bị lật ngang trên đường khiến nhiều thùng axit đậm đặc đổ tràn ra ngoài khiến mặt đường bốc khói nghi ngút cùng mùi hôi nồng nặc. Số axit đổ ra quá lớn khiến nhiều phương tiện tham gia giao thông thời điểm đó phần lốp xe bị ăn mòn, cháy xém. Phải sau hơn 2 giờ đồng hồ tích cực khắc phục sự cố, lực lượng phòng cháy chữa cháy mới cơ bản tẩy loãng số hóa chất bám trên mặt đường.
Một chiếc xe chở hoá chất đổ tràn ra ruộng |
Ngoài chuyện gây ra hậu quả nghiêm trọng sau khi tràn ra đường, những vụ việc này đã dấy lên mối lo ngại trong dư luận bởi sự quản lý, chuyên chở thứ hàng hóa xếp trong danh mục “nguy hiểm” đang quá lỏng lẻo.
Cần siết chặt quản lý
Theo ghi nhận tại hiện trường những vụ việc có liên quan đến xe chở hóa chất bị rò rỉ, đa phần những phương tiện này đều không có dán biểu trưng “hàng nguy hiểm” để phân biệt với các phương tiện cùng tham gia giao thông. Trong khi đó, tại “Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông” của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP quy định rõ: “Phía ngoài mỗi kiện hàng, thùng chứa hàng nguy hiểm có dán biểu trưng nguy hiểm. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng nguy hiểm được quy định” (trích Khoản 2 Điều 9). Khoản 4 Điều 13 cũng quy định: “Phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng nguy hiểm của loại, nhóm loại đang vận chuyển…”.
Quy định là vậy nhưng phải mãi cho tới khi xảy ra sự cố, người ta mới vỡ lẽ trên những chiếc xe trọng tải lớn ấy chở theo hóa chất độc hại. Đơn cử như trong vụ việc chiếc xe chở axit gây bỏng cho hàng chục người ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, anh Trần Đức Mạnh (SN 1986), một trong những người cùng lực lượng giao thông truy đuổi chiếc xe, hiện tại vẫn tỏ ra khá bất ngờ vì không biết trên xe tải ấy có chứa đầy axit. Phải tới khi chiếc áo sơ mi đang mặc bị chất lỏng trên xe hắt vào cháy xém, thanh niên này mới nhận ra trên xe chở hóa chất nguy hiểm. Vụ việc này cũng làm ít nhất 10 người tham gia giao thông bị bỏng từ số axit văng ra.
Trên thực tế, các loại axit mạnh như HCl, HNO3 và H2SO4 được sử dụng khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực cuộc sống. Tuy nhiên, khi sự cố axit xảy ra, nếu không được quan tâm, xử lí đúng cách, hệ lụy nó gây ra sẽ vô cùng lớn. Ví dụ, riêng với trường hợp axit bị đổ trên mặt đường như loại axit clohiđric và axit nitric đặc cách đây ít lâu, khi bị tràn ra chúng lập tức phá hủy mặt đường và bề mặt các vật tiếp xúc. Mặt khác, trong không khí chúng nhanh chóng bốc khói, tạo thành các khói mù axit, phá hủy mô, gây tổn thương mắt và cơ quan hô hấp đối với những người tiếp xúc gần.
Ngoài việc người dân đòi hỏi những quyền lợi hợp pháp khi bị thiệt hại do xe chở hóa chất gây ra, thiết nghĩ, phía ban ngành chức năng cần sớm có biện pháp thắt chặt quản lý hơn nữa đối với những phương tiện chuyên chở loại hóa chất nguy hiểm, trong đó phải tuân thủ quy định dán nhãn mác phân biệt, đảm bảo an toàn khi vận chuyển.