Dọc con sông Cái chảy qua địa bàn xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam, đất đai bị đào xới nham nhở để tìm vàng. Lội tiếp vào bãi vàng, cảnh tượng đập vào mắt là những cánh đồng hoa màu biến thành bãi vàng tan hoang…
Mua đất ruộng để đào vàng
Bà Nở, người dân làng Pà Lanh bức xúc: "Xe rút hết khỏi bãi nên tôi vào xem thế nào, thấy họ đào khoét sạt lở lấn sâu hơn vào đất của tôi hàng chục mét. Trước đó, tôi đã yêu cầu chủ bãi tên Năm bồi thường vì múc đất làm vàng ảnh hưởng đến đất của tôi, thì ông Năm nói từ từ rồi bồi thường cho. Nhưng nay ổng rút đi rồi, biết đâu mà đòi được nữa".
Bà Nở cho biết, khu vực này vốn được người dân trồng lúa, tuy nhiên việc khai thác vàng trái phép dưới sông Cái làm dòng chảy bị ảnh hưởng nên nước không đưa lên được. Để cải tạo lại diện tích lúa nước cho người dân, huyện đã có đề án xây dựng hồ chứa nước. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, một số người từ nơi khác đến liên hệ với người dân mua lại đất để làm vàng. Người này thấy người khác bán nên cũng bắt chước bán theo. Mỗi hộ dân bán được ít nhất cũng trên 10 triệu đồng, còn người nhiều có khi bán được 40-50 triệu đồng... Đã có gần 90 hộ dân bán đất cho các chủ bãi khai thác vàng trái phép. Việc này xã đều biết, vì thỉnh thoảng vẫn có đoàn xuống kiểm tra. Song đâu vào lại đó, "vàng tặc" vẫn tiếp tục cày nát đoạn sông...
Khu vực "vàng tặc" đào vàng rộng gần 10ha. Có hàng chục hố sâu trên chục mét, rộng hàng trăm mét kéo dài dọc con sông Cái từ Pà Lanh đến giáp thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ngoài phía bờ sông, những ụ, hố cũng bị đào bới lên đầy sỏi đá. Để tạo nên "công trình" như trên, người dân cho biết hàng chục xe múc cùng các loại máy nổ, máy hút công suất lớn... đã thay phiên nhau ngày đêm cày xới, băm nát cánh đồng triền sông trù phú này.
Cạnh đó, một lán trại kiên cố được dựng lên để làm nơi ăn ở cho hàng chục người đã bị dỡ bạt, trơ lại khung gỗ. Con đường phía trước cũng bị các loại xe cơ giới, bánh xích cày xới, quần thảo để chở đồ đạc, máy móc đi... Điểm khai thác vàng trái phép này chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 200 mét.
Nam Giang là huyện miền núi cao, do vậy diện tích đất để trồng lúa nước và hoa màu rất khan hiếm. Nhiều nơi, để có được mảnh đất bằng phẳng, người dân và chính quyền phải đổ biết bao công sức, tiền của để khai hoang, tạo nên đồng ruộng. Thế nhưng, do người dân vì quyền lợi nhất thời và chính quyền sở tại buông lỏng, lơ là đã khiến hàng chục héc-ta đất màu mỡ bị tàn phá nghiêm trọng. Những cánh đồng giờ trở thành những hố sâu, vực thẳm không thể phục hồi sản xuất được.
Ruộng của dân bị "vàng tặc" ngoạm sạt lở gần hết |
Cũng nằm sát bên đường Hồ Chí Minh hướng về "thánh địa vàng" Phước Sơn, cảnh đào bới tan hoang cả đoạn sông ở làng Ngói (xã Cà Dy) tạo nên những ụ đất cao như núi. Bên dưới các miệng hố, 4 phụ nữ người địa phương bất chấp cái nắng như đổ lửa vẫn đào mót trong những ụ đất để đãi lấy quặng bán. Chị Plong Lợi cho biết: "Xe múc làm xong rồi đến máy hút. Họ làm cả ngày cả đêm. Gần đường thế này nhưng không thấy ai nói chi. Lúc đó chúng tôi vào xin mót nhưng họ không cho. Giờ họ đi rồi, chúng tôi mới được vào mót lại. Mỗi ngày làm chỉ được 20-30 nghìn đồng thôi. Mót không có vàng nhiều nhưng bữa nay hết mùa nương rẫy rồi, ở nhà không biết làm chi".
Trước sự việc trên, ông Hôih Ưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết: "Tôi có nghe nói ở khu vực thôn Pà Lanh có một số đơn vị vô thỏa thuận với người dân rồi mua đất làm vàng. Nghe đâu đã có gần 90 hộ bán đất cho họ. Đây là khu vực trồng lúa nước của người dân. Nhiều lần tôi thấy xã có cử lực lượng xuống nhưng rồi về lại, còn việc họ làm thì vẫn thấy làm. Nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của các hộ dân khác rất lớn".
Trong khi đó, ông Chờ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang thẳng thắn: "Thực tế là UBND xã Cà Dy có hợp đồng với các đơn vị đến khai thác vàng tại địa phương. Mỗi tháng các đơn vị trên chỉ đóng góp cho ngân sách xã vài triệu đồng thôi, ít lắm. Mấy ông xã làm vậy mang tiếng… Trước tình trạng đó, huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng xuống đẩy đuổi rồi".
Đất ruộng của dân bán cho "vàng tặc" đào xới nát bươm |