“Lấy tiền dâng… bầu có đòi được không?”
Hầu hết các trung tâm hay còn gọi là “lò” đào tạo ca sĩ có mặt ở khắp TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đều của các ca sĩ, nhạc sĩ hay “bầu” đứng ra thành lập. Để chiêu sinh với giá 20-50 triệu đồng/học viên, các “lò” đưa ra nội dung hứa hẹn khá hấp dẫn. Nào là: Với đội ngũ giảng viên là những nhạc sỹ, ca sỹ, vũ công có tên tuổi trong lĩnh vực showbiz trong cả nước. Lớp học khang trang, hiện đại và chuyên nghiệp. Sau khóa học, học viên sẽ được thu âm và quay video clip phát hành online trên zing, nhaccuatui, nhac.vui.vn...
Nào là: Hàng tuần, được biểu diễn trên sân khấu lớn chuyên nghiệp và các phòng trà nhằm tạo điều kiện tối đa cho học viên phát huy khả năng và cọ sát thực tế. Được thu hình phát sóng hàng tuần trên kênh truyền hình Yan TV, M4ME online (VCTV4), Kênh Yeah1. Và để “chốt hạ”, các “lò” thòng thêm lời hứa hẹn: “Nếu xét thấy đủ tố chất, công ty đào tạo sẽ lựa chọn và ký hợp đồng quản lý và lăng xê với công nghệ lăng xê hiệu quả nhất, mức độ PR rộng rãi nhất”...
Không ít bạn trẻ đã bị “hớp hồn” bởi những lời đường mật ấy và nuôi mộng trở thành nổi tiếng với cát-xê hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, ước mơ ngắn chẳng tày gang, rất nhiều bạn trẻ bỏ ra số tiền lớn để “tầm “bầu” học đạo” và kết quả thì… không như là mơ.
Mai Anh (Đống Đa, Hà Nội)- một “gà” ấm ức kể: Sau khi kết thúc khóa học cũng là lúc “lò” của bầu M.T thực hiện lời hứa đẩy Mai Anh thành... “người của công chúng”. Cách mà “ông bầu” T bày cho để cô được mọi người biết tới là, cô sẽ xuất hiện trên một vài tờ báo mạng với chủ đề... “Ca sĩ 18 tuổi và những cuộc tình một đêm với các đại gia”. Rồi các báo khác “ùa” tới để hỏi han, phỏng vấn cô.
Theo như “ông bầu” ấy, thì đảm bảo, tên tuổi của cô sẽ nổi như cồn bất kể giọng hát có... chìm cỡ nào. Nghe xong lời “chỉ bảo” ấy, Mai Anh không khỏi choáng váng. Vốn là cô gái tự trọng, Mai Anh thẳng thừng dẹp ngay ý định thành “sao” trong chớp mắt này.
Còn các bạn cùng “lò” của cô thì lại được “ông bầu” gợi ý phải “hát thật dở” hay “phải cởi đồ thật nhiều” thì... công chúng mới biết đến mình. Người nghe theo “chỉ bảo” của “bầu” tung ra các sản phẩm âm nhạc... quái đản khiến công chúng... nổi đóa. Người không nghe theo thì lặng lẽ với kiếp cầm ca ở một vài đám cưới, tiệc sinh nhật nho nhỏ.
Có học viên than: “Thần đồng chả thấy đâu, chỉ thấy thần chì!”. Tất nhiên, số tiền hàng chục triệu đồng để thành “sao” cũng lặn mất hơi theo các “ông bầu”. Học viên chỉ còn biết ngửa cổ kêu trời: “Lấy tiền dâng… bầu có đòi được không?”
Bẽ bàng vì… “Đại học lò”
Hiện tượng người người làm ca sĩ, nhà nhà sản xuất CD, ắt dẫn tới chuyện “ông bầu” trẻ ra đời với nhiều chiến lược táo bạo, lăng xê ca sĩ, nhưng lại hết sức “cò con”, chụp giật. Hiện tượng này phản ánh mặt trái của thị trường ca nhạc đang khó kiểm soát.
Không ít “lò” có mặt tại những con ngõ, con phố quanh Nhạc viện Hà Nội. Chị T. Hồng, trợ lý cho một “bầu” cho hay: “Quy trình nhận học viên khá đơn giản. Nếu như ở trường Nhạc viện, hay trường Cao đẳng Âm nhạc đòi hỏi học viên phải có chất giọng, có năng khiếu âm nhạc thì ở đây đó chỉ là việc… nhỏ, quan trọng là phải có thể hình, khuôn mặt dễ thương, càng giống…Hàn Quốc càng tốt và hơn hết phải… “chịu chơi”! “Chịu chơi” ở đây là phải nhiều tiền, phải có “máu liều” để đáp ứng những “ý tưởng âm nhạc táo bạo” của “bầu”.
Phòng được gọi là “lò” chỉ rộng khoảng 40 m2 được xây 3 tầng, chia ra 3 lớp luyện thanh. Các lớp luyện thanh này không có một giáo trình cụ thể và thống nhất. Có lớp đào tạo khá bài bản về một số kĩ thuật luyện thanh cơ bản như mở thanh quản, luyện khẩu hình, luyện hát với đàn…, nhưng cũng có lớp dạy theo kiểu giáo viên hát “mẫu” bài “tủ” để học viên hát theo sao cho “giống” nhất, hoặc hát càng giống các ca sĩ nổi tiếng càng dễ “nổi”.
Mỗi buổi học là một bài “tủ”, việc luyện vũ đạo cũng theo bài “tủ”. Sau 4-5 tháng “tu luyện”, vốn “tốt nghiệp” của các học viên là 10-15 bài “tủ” được thu vào CD để đi kiếm… cơm! Với “vốn liếng” ấy của học viên với sự dạy dỗ “chụp giật” của các ông bầu, có không ít bạn trẻ mang danh ca sĩ đi hát bị nhiều phen bẽ bàng.
Thu Hương, 20 tuổi, quê Nghệ An, sau khi “tốt nghiệp” ở trường “Đại học… lò” hồ hởi tham gia vào showbiz. Hương may mắn có một vài buổi diễn trên sân khấu… huyện. Hương ngỡ rằng, từ sân khấu huyện đến thành phố không còn bao xa. Trong một lần biểu diễn ở huyện, vội đi, Hương quên không mang theo “vũ khí” là chiếc CD ghi những bản phối “tủ” của mình. Đến giờ diễn, vì không có CD, Hương định cáo lui. Nhưng đâu có được, lời đề nghị của ban tổ chức là Hương sẽ hát bài hát đó với bản phối không phải là… “tủ” của cô. Cô đành phải nhận lời với khuôn mặt biến sắc.
Và điều gì phải tới đã tới, giọng hát “vịt đực” của cô “được dịp” “tung” ra khiến cả khán phòng la lối, om sòm. Vài người còn đưa clip buổi biểu diễn lên facebook khiến cái tên Thu Hương chìm theo giọng hát. Còn ban tổ chức đòi tiền phạt cô và phạt “bầu” vì ca sĩ giọng… “lởm”!. Đây là một thực tế mà rất nhiều học viên ở “lò” gặp phải bởi… giọng ảo, không có thực lực của mình. Chưa kể tới chuyện, họ dở khóc dở cười khi bị các “bầu” bắt mặc nội y biểu diễn hoặc phải “cặp” với một số người thế lực để có suất diễn ở các sân khấu lớn…
Việc sản sinh ra những “thợ hát” mang danh ca sĩ ấy với đủ chiêu trò để giành thị phần, để nổi tiếng đã khiến âm nhạc Việt ngày càng bát nháo, khó kiểm soát.