Trụ cổng bằng gạch nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn
Về sự cố sập cổng trường làm chết học sinh, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố đổ trụ cổng trường học, đặc biệt là các công trình sử dụng trụ cổng độc lập.
Bộ Xây dựng cho biết, những ngày qua đoàn công tác của Bộ và cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng xây dựng cổng trường bị đổ sập.
Kết quả cho thấy cột trụ đỡ cổng được xây bằng gạch, tiết diện 50x50cm, móng trụ cổng nông, không có tường rào, không được thiết kế để chịu tác động đu bám.
Ghi nhận của Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho thấy, các đơn vị tư vấn khi thiết kế các trụ cổng xây gạch độc lập làm trụ đỡ cánh cổng bản lề quay, thường coi hạng mục này là một kết cấu “công xôn” ngàm vào đất, chịu tác động trọng lượng của trụ và của cánh cổng, bỏ qua thành phần lực lệch tâm tác dụng lên trụ và hoạt động bất thường.
“Trong khi đó, thành phần lệch tâm là yếu tố chủ yếu gây ra sự mất an toàn cho trụ cổng. Đặc biệt, với các công trình trường học sử dụng trụ cổng bằng gạch nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn do tính hiếu động của học sinh. Vì vậy, việc rà soát, kiểm tra, tính toán cấu tạo các trụ cổng xây gạch để đảm bảo an toàn chịu lực và khai thác, sử dụng là cần thiết”, Bộ Xây dựng nêu rõ.
Từ thực tế và ghi nhận đánh giá trên, Bộ Xây dựng đề nghị tất cả các địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra, tính toán cấu tạo của các trụ cổng bằng gạch, bảo đảm an toàn trong sử dụng.
Với các trụ cổng trường học xây bằng gạch, tiến hành kiểm tra trụ cổng, trường hợp phát hiện dấu hiệu nguy hiểm phải gia cố ngay, cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.
Kiểm tra bằng trực quan địa hình xung quanh, khảo sát bề mặt bên ngoài các trụ cổng để xác định các dấu hiệu mất an toàn như nghiêng, lún, nứt, vỡ phần thân trụ; có hiện tượng ẩm, mủn gạch vữa; bản lề cửa không liên kết chắc chắn với trụ gạch.
Để đảm bảo an toàn cho các công trình cổng trường học, Bộ Xây dựng khuyến cáo nếu tiết diện cột chỉ 450 x 450mm, cánh cổng có bề rộng tối đa 2m, nặng dưới 85kg là phù hợp; cột cổng tiết diện 500 x 500mm, cánh cổng hẹp hơn 2,5m, nhẹ hơn 100kg là phù hợp. Các cột cổng bằng gạch có cánh rộng hơn 2,5m, hoặc nặng hơn 100kg phải tính toán lại độ an toàn.
Áp dụng kiểm tra bằng các biện pháp rung, lắc, đẩy nhẹ để xác định tình trạng trụ cổng khi chịu tải trọng bất thường.
Đối với những cổng trường dự kiến xây mới, phải tăng cường giám sát năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng. Các đơn vị thiết kế trường học phải sử dụng giải pháp nền móng và kết cấu phù hợp như móng bê tông cốt thép, trụ bê tông cốt thép kết hợp xây gạch để bảo đảm an toàn.
Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo các địa phương thiết kế cổng có cánh dạng đẩy ngang hoặc bản lề quay có bánh xe.
Các trường học lưu ý công tác quản lý, giám sát học sinh trong và ngoài giờ học, ngăn chặn hiện tượng đu, bám lên cánh cổng, tường rào hoặc lại gần công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Các điểm trường tạm, các phân hiệu đều như thế”
Trước đó, như PLVN phản ánh, chiều 7/9, trước giờ bắt đầu vào học, các học sinh đang chơi ngoài cổng trường điểm trường Bản Phung thì bất ngờ cổng đổ sập khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ, 3 học sinh bị thương.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết cổng trường này được xây dựng từ nguồn tiền xã hội hóa, chứ không phải từ nguồn ngân sách nhà nước.
“Khi làm tuyến đường Quý Xa - Tằng Loỏng, đơn vị thi công phải dỡ đi một phòng học bằng gỗ của trường do người dân trong xã đóng góp xây dựng và một số cây trồng. Sau đó đơn vị này có đền bù cho nhà trường một ít tiền”.
“Phòng GD&ĐT nói rằng đó là số tiền xã hội hóa nên chuyển vào tài khoản của UBND xã để xã đứng ra làm chủ đầu tư xây dựng giúp trường”, ông Hạnh nói.
“Lúc đó các trường chuyển tiền sang cho xã làm chủ đầu tư giúp. Sau khi báo cáo với Phòng, tập thể UBND xã họp bàn và thống nhất nhận giúp trường số tiền đó để thực hiện xây dựng cổng. Số tiền và quy trình thực hiện thì theo hồ sơ không có gì sai. Song giờ mọi việc như thế nào sẽ do bên cơ quan công an điều tra kết luận”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, khi đó, hồ sơ, bản vẽ thiết kế “đều thuê tư vấn làm chứ không phải mình tự làm được. Đơn vị thi công như thế nào, quyết toán ra làm sao đầy đủ theo quy định”.
Ông Hạnh cho hay, theo bản vẽ thiết kế ban đầu cổng trường cũng không có phần giằng sắt mà hiểu nôm na như 2 trụ đỡ phần biển bằng sắt bên trên. “Có thể hình dung là 2 cái cột đứng để giữ biển “Điểm trường Bản Phung”, ông Hạnh nói.
Theo thiết kế, việc xây dựng bằng cách đào hai hố và xây gạch và vữa lên. “Theo bản vẽ chung như thế nào thì chúng tôi không biết nhưng tư vấn họ khảo sát như thế thì phải dựa theo quy định chung. Các điểm trường tạm, các phân hiệu thì đều như thế chứ không chỉ mỗi điểm trường này”, ông Hạnh nói.
“Họ tư vấn, khảo sát, thiết kế cho mình chứ có phải chúng tôi tự làm được đâu. Chúng tôi chỉ đứng ra làm hộ trường. Nhiều người không hiểu, nói chúng tôi ăn bớt vật liệu. Trước đây khi chưa có điều kiện thì có thể các trường đặt rồi chôn hai cây gỗ và đặt biển lên trên, chứ cũng có phải bê tông cốt thép gì đâu”, vị Chủ tịch xã cho biết, đơn vị tư vấn, khảo sát và thiết kế khi đó là Cty CP Tư vấn xây dựng Hùng Mạnh ở TP Lào Cai.