Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm, Giám đốc Nguyễn Khắc Dư cho biết Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất. Trung tâm được thành lập ngày 3/4/1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ác liệt. Sau hơn 50 năm tồn tại và phát triển, đơn vị đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng từ các chiến trường trở về.
Hiện nay, đơn vị quản lý, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 97 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%), trong đó 90% là bị thương vào cột sống, liệt nửa người, phải di chuyển sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc, 10% bị thương tổng hợp như cụt tay, chân, hỏng mắt.
Đến với Trung tâm, Đoàn Bộ Tư pháp đã trao tặng món quà nhỏ thể hiện tấm lòng, tình cảm của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ đối với các thương binh thay cho lời tri ân chân thành nhất về những mất mát, hy sinh mà các bác, các chú, các anh chị đã cống hiến cho bình yên của đất nước. Qua đó, hy vọng góp phần giảm đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống cùng những đau đớn của vết thương để mỗi đồng chí thương, bệnh binh nặng tiếp tục giữ gìn và phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện tốt lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Đáp lại những tình cảm của Đoàn công tác, bác Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Hội đồng thương bệnh binh của Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi và cảm động đón nhận tình cảm đặc biệt của Bộ Tư pháp. Mặc dù bị thương tật nặng nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội còn nằm lại ở chiến trường. Sự quan tâm, thăm hỏi của mọi người chính là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho chúng tôi vượt lên chính mình để tiếp tục cống hiến, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước hiện nay”.
Trong không khí xúc động ấy, bác Lê Đức Luân, 64 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc nghẹn ngào tâm sự mình từng là lính phòng không không quân, bị thương do bom mìn nổ nên năm 1974 bác được đưa vào Trung tâm điều trị, an dưỡng cho đến nay. Với tỷ lệ thương tật 92%, bị liệt nửa người từ lưng trở xuống nên mọi sinh hoạt của bác rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự chăm sóc vô cùng tận tình và chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ ở đây, mỗi khi trong người cảm thấy bất thường, các bác có thể ấn chuông gọi bất cứ lúc nào, kể cả đêm khuya, vì vậy Trung tâm thật sự đã trở thành mái nhà thứ hai của những người như bác.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng bác Nguyễn Văn Bình, 56 tuổi vẫn phải chịu đựng di chứng của mảnh đạn ở trong đầu, đó là hậu quả bác phải gánh chịu do chiến tranh biên giới Tây Nam để lại. Mảnh đạn ấy đã cướp đi của bác con mắt bên phải và khiến bác bị liệt nửa người, mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương cũ lại gây ra những cơn đau đớn, tê buốt tận xương tủy, ảnh hưởng không nhỏ tới bữa ăn, giấc ngủ. Hiện nay, khi cuộc sống trở về bình yên, khi mà mọi người tiếp tục lao động sản xuất thì bác cùng người vợ của mình vẫn phải tiếp tục chiến đấu một cách ngoan cường để có thể chiến thắng được bệnh tật.
Giờ đây, khi đất nước thống nhất, nhà nhà đoàn tụ, niềm hạnh phúc sẽ thật sự trở nên trọn vẹn nếu người lính được trở về với gia đình của mình. Tuy nhiên, họ không hề cô đơn bởi họ đã có một mái ấm thứ hai, mái ấm thật giản dị, song luôn tràn ngập tình yêu thương. Chính sự gắn bó, sẻ chia tình đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, tri ân của cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng như của các thể hệ đi sau đã tiếp thêm động lực giúp các bác, các anh thêm lạc quan trong cuộc sống.