Vị Bộ trưởng và nỗi day dứt hồ sơ liệt sĩ tồn đọng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
(PLO) - “Kết quả giải quyết được gần 80 trường hợp liệt sĩ, mấy chục thương binh mà bao năm rồi đóng cửa “nhốt” trong ngăn kéo. Chúng ta thử đặt tình huống đó là bố, là mẹ chúng ta thì chúng ta có chấp nhận được không. Day dứt là day dứt chỗ đó, đau là đau chỗ đó”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Cục Người có công.

“Phải tận tâm hết mình”

Theo báo cáo của Cục Người có công (NCC), số liệu rà soát số người chưa được xác nhận là NCC còn trên 71.687 trường hợp. Đến tháng 6/2016, thống kê chưa đầy đủ cho thấy con số trên giảm xuống còn trên 33.000 trường hợp. 

Theo Phó Cục trưởng Đào Ngọc Lợi, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là nhiệm vụ khá nặng nề và phức tạp. Bộ Lao động nhiều lần “mở ra” xem xét nhưng mỗi lần như vậy lại xuất hiện hồ sơ giả làm ảnh hưởng đến ý nghĩa chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. 

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh để rút kinh nghiệm triển khai rộng. Bộ giao Cục NCC xây dựng kế hoạch và là cơ quan trực tiếp thẩm định, kiểm tra xác lập hồ sơ tồn đọng. Kết quả giải quyết thí điểm tại 5 tỉnh và một số địa phương đã xác nhận được 77 liệt sĩ và 20 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian qua bản thân ông “thật sự đắm đuối” với lĩnh vực giải quyết chính sách NCC: “Trước đây vấn đề thương binh, liệt sĩ thuộc về một Bộ riêng, nói như thế để thấy rằng công việc của chúng ta không đơn thuần quản lý nhà nước mà còn hàm ý rất nhiều, đằng sau đó là sự tri ân với những người đã ngã xuống. Nói như thế để từ Bộ trưởng đến hộ lý, người giúp việc trong lĩnh vực này đều phải tận tâm hết mình”.

Bộ trưởng Bộ Lao động chia sẻ, mô hình thí điểm xác nhận hồ sơ NCC tại 5 tỉnh được Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Con số đạt được tuy không lớn nhưng bao năm rồi những tệp hồ sơ ấy đóng cửa nhốt trong ngăn kéo: “Lĩnh vực chăm sóc người có công không đơn thuần là quản lý nhà nước mà đằng sau đó là sự tri ân với những người đã ngã xuống. Nói như thế để từ Bộ trưởng đến hộ lý, người giúp việc trong lĩnh vực này đều phải tận tâm hết mình. Vừa qua chúng ta đã triển khai thí điểm giải quyết các hồ sơ liệt sĩ tồn đọng tại 5 địa phương. 

Chúng ta thử đặt tình huống đó là bố mẹ chúng ta thì chúng ta có chấp nhận không mà đòi hỏi người dân. Day dứt là day dứt chỗ đó, đau là đau chỗ đó. Có người nằm 60 năm trong nghĩa trang chưa được xem xét, có ba người cùng hy sinh thì hai người được công nhận liệt sĩ, một người phải chờ. Trường hợp như vậy giờ lại đòi hỏi thủ tục, hồ sơ. Vì nếu có hồ sơ đầy đủ giấy tờ, đủ căn cứ thì chúng ta đã giải quyết cả rồi. Đây là trường hợp thất lạc hồ sơ, không có hồ sơ, không có nhân chứng. Nếu không linh hoạt thì mãi mãi không giải quyết được 5 ngàn hồ sơ đang tồn đọng”.

Bộ trưởng “truy” từng cán bộ  

Điểm nhấn tại hội nghị tổng kết hoạt động của Cục NCC đó là lắng nghe nhiều ý kiến phản hồi bất cập trong chính sách chăm sóc NCC. Điển hình, ông Vũ Văn Như - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) nêu ý kiến gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư cơ sở vật chất; Bất cập trong chi trả chế độ, ví dụ bao tay đối với thương binh cụt hai tay theo quy định chỉ được trả 120 ngàn đồng, trong khi chính cơ sở sản xuất bao tay của Bộ lại bán 200 ngàn đồng. Hay như quy định về chế độ chăn gấp trước đây cấp bằng hiện vật nhưng từ năm 2006 cấp bằng tiền (1 triệu đồng) và giữ nguyên từ đó đến nay.

Đáng chú ý, trong năm 2016 Trung tâm Thuận Thành chi tiết kiệm được 91 triệu đồng, xin ý kiến cấp trên mua bếp từ, bếp điện cho thương bệnh binh. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận. Những bất cập trên, theo ông Dư, đã phản ánh lên Cục NCC từ nhiều năm trước. Đến năm 2015, đích thân Thứ trưởng Bộ Lao động có văn bản trả lời nhưng từ đó đến nay Cục NCC chưa giải quyết: “Nhiều thương binh thắc mắc về tiêu chuẩn hưởng chế độ thương binh loại A, loại B liên quan đến thương tật do nhiễm chất độc hóa học. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo Bộ, Cục về thăm và trả lời rõ ràng với các thương, bệnh binh”, ông Như nói.

Sau khi nghe những kiến nghị trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tỏ thái độ không hài lòng với cách làm việc của Cục NCC. Ông hỏi ngay: “Hồ sơ tiếp nhận từ năm 2015 mà sao các anh vẫn để đấy”. Tiếp đó, Bộ trưởng hỏi về quy trình trả lời đơn thư tại Cục NCC, bộ phận tiếp nhận, trả lời đơn thư có bao nhiêu người, quy trình như thế nào. 

Trưởng phòng Chính sách 1, Cục NCC đã nhận lỗi với Bộ trưởng, Lãnh đạo Cục về những chậm trễ trên. Song trưởng phòng chính sách cũng trình bày khó khăn khi trong phòng chỉ có 5 cán bộ (2 cán bộ hợp đồng) nên khối lượng công việc chưa quán xuyến hết. Bên cạnh đó nhiều vụ việc công dân gửi thư nhiều lần, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Bộ chưa thống nhất gây khó khăn cho bộ phận trả lời đơn thư.

Tiếp đó, Bộ trưởng quay sang hỏi bộ phận tài chính và được trả lời Cục bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách với thương, bệnh binh đang được chăm sóc tại 6 trung tâm trực thuộc Cục. Vị này cũng đề cập tới việc trung tâm Thuận Thành tiết kiệm chi được 91 triệu đồng xin mua sắm bếp điện, bếp từ phục vụ nhưng sau khi trình Bộ Tài chính không được chấp thuận. Theo quy định, số tiền này phải nộp lại ngân sách nhà nước.

Đến cuối hội nghị, Bộ trưởng Dung trả lời giám đốc trung tâm Thuận Thành: “Mấy kiến nghị của đồng chí, Bộ trưởng đồng ý giải quyết tất cả. Tôi giao vụ kế hoạch và Cục NCC trong tuần tham mưu lại cho Bộ trưởng giải quyết”.

“Chuyện bếp từ, bếp điện, tôi trả lời luôn không phải bàn, mai trung tâm mua luôn, Bộ sẽ chuyển tiền”, Bộ trưởng Dung chỉ đạo và hứa với Giám đốc Trung tâm Thuận Thành đến thăm hỏi trung tâm, nói chuyện với các thương, bệnh binh, giải đáp những khúc mắc.

Một người làm sai, mất uy tín cả ngành

Tiếp tục góp ý chỉ đạo tập thể cán bộ Cục NCC triển khai nhiệm vụ 2017, người đứng đầu Bộ Lao động căn dặn tất cả đồng nghiệp phải tận tâm với công việc. Bởi chỉ cần một người làm sai sẽ mất uy tín cả ngành. Ông ví dụ như hiện nay có khoảng 8,8 triệu NCC thì dịp Tết ít nhất phải có 8,8 triệu hộp bánh. Nhưng chỉ cần một hộp bánh bị mốc thì Bộ trưởng phải nhận lỗi ngay.

Bộ trưởng Dung cũng nhấn mạnh bản thân rất quan tâm tới vấn đề khiếu nại, tố cáo. Ông đề nghị Cục NCC cần sớm kiện toàn bộ máy, không thể để thực tế một số trung tâm rất nhiều cán bộ nhưng một Cục lại chỉ có 5 cán bộ chuyên trả lời đơn thư.

Chỉ đạo Cục NCC, Bộ trưởng lưu ý một số công việc trong năm 2017 như: Tập trung rà soát văn bản vướng mắc để vận dụng, tham mưu Bộ trưởng xem xét giải quyết.

Mỗi cán bộ lưu ý đến công tác chi trả chính sách, mấy chục ngàn tỷ đồng mỗi năm không hề đơn giản. Số tiền chi trả không chỉ là tiền mà còn là xương máu, đóng góp của nhân dân. Có hai luồng ý kiến xử lý: Chuyển cho bưu điện chi trả giảm cán bộ, giảm chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng như thế chưa ổn vì đem tiền đến còn hỏi thăm đồng chí sức khỏe thế nào, có nhận đầy đủ quà không? Phải nhìn hai vế.

Chỉ đạo nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh với Cục NCC, với lãnh đạo các Trung tâm chăm sóc NCC rằng Bộ ghi nhận tất cả ý kiến. Bộ sẽ tập trung đầu tư các trung tâm, còn nơi nào đầu tư trước, nơi nào đầu tư sau Bộ sẽ cân nhắc.

Người đứng đầu ngành Lao động cho biết trong năm 2017 tập trung vào hoạt động kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chủ đề dự kiến năm nay là “đền ơn đáp nghĩa”: “Làm sao để tất cả người trong ngành mà không đóng góp một việc gì đó thì là có khuyết điểm”, Bộ trưởng nói.

Cuối cùng, ông Dung nhấn mạnh Cục NCC tập trung rà soát tổng thể các đối tượng thanh niên xung phong, đối tượng nhiễm chất độc hóa học đến cuối tháng 3/2017 báo cáo Bộ. Tập trung giải quyết cơ bản hồ sơ thương binh, liệt sĩ, người được hưởng chính sách như thương binh đang tồn đọng. Đồng thời Cục NCC  nhanh chóng rà soát lại chính sách, tập hợp tất cả bất cập trong lĩnh vực người có công báo cáo Bộ trưởng. “Năm 2017 ngành Lao động có hai mũi nhọn là người có công, bảo trợ xã hội và dạy nghề - việc làm, đây là hai mũi nhọn của ngành”, Bộ trưởng Bộ Lao động nhấn mạnh.

Tại Văn bản số 37/TB-VPCP ban hành mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) đã biểu dương, khen ngợi tinh thần chủ động, tích cực của các Bộ, ngành liên quan, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237, Ban Chỉ đạo và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 các cấp; đặc biệt biểu dương, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ các Đội chuyên trách, các lực lượng lâm thời trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, có ý chí, quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

 Năm 2016, đã tìm kiếm, quy tập được 2.223 hài cốt liệt sĩ và 03 khu vực mộ tập thể. Kết quả đó đã và đang đáp ứng một phần nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ và nhân dân trong cả nước; góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) nhằm tôn vinh và tri ân người có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác “Đền ơn đáp nghĩa” phải làm tốt hơn. Phấn đấu tổ chức tìm kiếm, quy tập khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. 

Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Triển khai thí điểm lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ 3 cấp (cấp xã, huyện, tỉnh) ở một số địa phương trọng điểm.

Khai thác, sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; kết nối các nguồn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Hoàn thiện, ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Triệu Quang Huy phát biểu tại phiên họp.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các dự án

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Đọc thêm

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'
(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, doanh nghiệp có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu...

Cần các biện pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…, một số ý kiến đại biểu đề cập đến những hậu quả nặng nề do thiên tai thời gian qua và đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ứng phó.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu Quốc hội cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp ý kiến góp ý.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên: Cần rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vừa qua, một số đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá thêm về chi phí bỏ ra và tính hiệu quả xã hội của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định cho phù hợp.

Để pháp luật là 'điểm tựa' cho phát triển

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật. (Ảnh: Quochoi.vn).
(PLVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật là hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng, định hướng thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới; bảo đảm các văn bản luật khi được ban hành vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa giúp khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.