Hiệu quả, thực chất
Báo cáo với đoàn công tác Bộ Tư pháp, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận thông tin, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, công tác tư pháp được thực hiện đều và đạt trên các lĩnh vực.
Giám đốc sở Tư pháp Phạm Thị Minh Hiếu báo cáo với đoàn của Bộ Tư pháp |
Trong đó, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (văn bản QPPL) tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, ngành tư pháp đặc biệt coi trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã ban hành 61 văn bản QPPL. Công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp được thực hiện ngày càng nền nếp, tuân thủ trình tự, thủ tục luật định. Chất lượng văn bản QPPL ngày càng được nâng lên.
Trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong năm qua, Sở đã thực hiện tự kiểm tra 100% văn bản QPPL của UBND tỉnh ban hành và kiểm tra 100% văn bản do UBND cấp huyện gửi đến. Qua kiểm tra phát hiện một số văn bản của UBND cấp huyện chưa đảm bảo các yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, Sở Tư pháp đã có thông báo kết luận kiểm tra để các địa phương rút kinh nghiệm và thực hiện đính chính theo quy định.
Công tác rà soát văn bản QPPL được chú trọng thực hiện thường xuyên. Trong năm 2022 và quý I/2023, Sở Tư pháp đã phối hợp các sở, ngành rà soát 469 văn bản, gồm 109 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 347 Quyết định và 13 Chỉ thị của UBND tỉnh. Qua rà soát: đề nghị bãi bỏ toàn bộ là 16 văn bản; đề nghị sửa đổi, bổ sung 01 văn bản; đề nghị thay thế 29 văn bản. Cấp huyện trong năm 2022 đã rà soát 100 văn bản, qua rà soát đã kiến nghị xử lý 40 văn bản, đến nay cấp có thẩm quyền đã ban hành văn bản xử lý 36 văn bản.
Một nhiệm vụ quan trọng của Sở Tư pháp trong năm qua là công tác tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương, nhất là đối với các dự án đầu tư phát triển. Song song đó, công tác phòng, ngừa tranh chấp quốc tế, giải quyết khiếu kiện được Sở Tư pháp thực hiện tích cực, chặt chẽ, thận trọng gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Từ năm 2022 đến nay, đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều vụ việc liên quan đến các dự án đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, đấu giá, thuế... có vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay Giám đốc Sở Tư pháp đang là thành viên Ban chỉ đạo rà soát tháo gỡ vướng mắc, khó khăn Dự án sân bay Phan Thiết; 01 Phó Giám đốc Sở là thành viên Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai của tỉnh và tham gia thành viên Tổ tư vấn giải quyết một số vụ việc có tính chất phức tạp, vướng mắc về pháp lý trên địa bàn tỉnh.
”Gỡ” nhiều vướng mắc pháp lý
Bên cạnh công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, theo Sở Tư pháp Bình Thuận, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi thi hành pháp luật cũng được thực thi nghiêm túc.
Ông Bùi Danh Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ I sở Tư pháp Bình Thuận kiến nghị đến đoàn công tác của Bộ Tư pháp |
Lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, trong năm 2022, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiểm tra 06 đơn vị, tổ chức hội nghị tập huấn các quy định pháp luật về lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cho hơn 200 đại biểu thuộc các sở, ngành, địa phương. Đã thực hiện việc kiểm tra, rà soát, có ý kiến tham mưu xử lý đối với 37 hồ sơ vụ việc VPHC có tính pháp lý phức tạp được Chủ tịch UBND tỉnh giao. Tham gia góp ý hướng dẫn xử lý nhiều vụ việc cho các sở, ngành, địa phương liên quan đến vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Sở Tư pháp Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kế hoạch theo dõi tình hình thi hành lĩnh vực trọng tâm liên ngành trên địa bàn tỉnh. Đã tham mưu UBND tỉnh tổng kết và báo cáo gửi Bộ Tư pháp tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Tổng hợp, xây dựng báo cáo UBND tỉnh về tình hình, tiến độ thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các biện pháp tổ chức thực hiện tốt hơn công tác này.
Bên cạnh đó, Sở đã ban hành nhiều văn bản tham gia ý kiến theo đề nghị của các Sở, ngành, địa phương để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý của một số dự án, như: về phương án thu hồi, tạo quỹ đất đấu giá Dự án sử dụng quỹ đất 02 bên đường 706B; về kiến nghị của Công ty TNHH Delta-Valley liên quan đến đền bù giải tỏa đất của người dân; vụ việc xử lý chất thải chứa SARS-CoV-2; về dự án sân bay Phan Thiết, dự án du lịch nghỉ dưỡng MiMiSpa, dự án khu đô thị Tân Thiện - La Gi; các dự án điện gió; đấu giá các mỏ khoáng sản...
Nỗi lo thiếu người, thiếu chuyên môn
Bên cạnh những thuận lợi theo báo cáo của Giám đốc Sở Phạm Thị Minh Hiếu, hiện tại, hoạt động của ngành tư pháp gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý là công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát văn bản. Theo bà Minh Hiếu, một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, thời gian xây dựng văn bản QPPL theo quy định. Chất lượng hồ sơ một số đề nghị xây dựng nghị quyết đặc thù chưa cao, nhất là các báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Bên cạnh đó, nội dung một số dự thảo quyết định QPPL của UBND chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước ở địa phương hoặc nhiệm vụ được giao quy định chi tiết. Một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến dự thảo văn bản theo đề nghị của cơ quan soạn thảo.
Một tồn tại nữa là công tác rà soát văn bản ở một số sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Một số văn bản QPPL của HĐND, UBND có nội dung không còn phù hợp với quy định tại các văn bản QPPL mới của cơ quan nhà nước cấp trên nhưng việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế còn chưa kịp thời.
Một vướng mắc nhiều năm qua là công tác pháp chế. Theo bà Minh Hiếu, cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không còn cơ quan chuyên môn nào thuộc UBND tỉnh có phòng pháp chế, nhiệm vụ pháp chế được giao cho công chức tại Văn phòng hoặc Thanh tra Sở thực hiện. Hầu hết cơ quan chỉ bố trí công chức kiêm nhiệm công tác pháp chế; nhiều công chức không có chuyên môn luật.
Từ thực trạng thiếu người, thiếu chuyên môn dẫn đến chất lượng trong tham mưu, thực hiện công tác pháp chế ở các sở, ngành tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế; nhất là việc tham mưu xây dựng các dự thảo văn bản QPPL. Theo Sở Tư pháp Bình Thuận, chất lượng xây dựng dự thảo văn bản ở một số sở, ngành còn thấp, việc rà soát văn bản thường xuyên chưa được các ngành quan tâm đúng mức, dẫn đến một số văn bản QPPL mặc dù không còn phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế nhưng chưa được kịp thời kiến nghị xử lý. Mặt khác, trong thi hành pháp luật (phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; bồi thường nhà nước; việc tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng của các sở, ngành) chất lượng, hiệu quả chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào sự tham gia góp ý, hướng dẫn của Sở Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Một tồn tại nữa liên quan đến biên chế là bộ phận chuyên trách tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật của ngành tư pháp còn mỏng, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ. Phần lớn các vụ việc khó khăn, phức tạp, có vướng mắc về pháp lý của các sở, ngành, địa phương đã kéo dài nhiều năm nhưng cơ quan tư pháp không tham gia giải quyết ngay từ đầu nên gặp nhiều khó khăn trong thu thập thông tin, đánh giá và đề xuất hướng xử lý. Công tác phối hợp thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật của một số đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên, liên tục và thực sự hiệu quả.
Trong 09 nhóm kiến nghị tại buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Thành Long, Sở Tư pháp Bình Thuận đã đề nghị sớm xây dựng phần mềm và kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, cơ sở dữ liệu về các tổ chức hành nghề công chứng, con nuôi trong năm 2023 cho các địa phương để thuận lợi trong việc tra cứu, giải quyết hồ sơ.
Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế làm cơ sở xây dựng các chức danh chuyên trách làm công tác pháp chế tại các sở, ngành, địa phương.
Bên cạnh các kiến nghị liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp (hoạt động công chứng, thừa phát lại…), người đứng đầu Sở Tư pháp Bình Thuận cũng mong muốn Bộ Tư pháp có ý kiến với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm đến việc bổ sung biên chế, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để tăng cường đủ nguồn nhân lực thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện tại, Sở Tư pháp Bình Thuận đang xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trình UBND tỉnh kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy Trung tâm giai đoạn 2023-2026.
“Bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa”
Nhiều ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ trong đoàn công tác đã thẳng thắn, chân tình góp ý xây dựng trước những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Sở và phòng ban chuyên môn. Đó là các vướng mắc, tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, hoạt động pháp chế, xây dựng phần mềm và kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, lĩnh vực bổ trợ tư pháp…Những ý kiến, hướng dẫn mang tính nghiệp vụ của đoàn công tác với Sở Tư pháp Bình Thuận đã phần nào giải tỏa được những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa phương.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Sở Tư pháp với đoàn công tác. “Qua thời gian theo dõi, trao đổi công việc, tôi rất yên tâm với công tác tư pháp, ngành tư pháp tỉnh Bình Thuận”, Bộ trưởng nhận xét. Theo Bộ trưởng, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở luôn ổn định, đổi mới. Điều này đã được Bộ ghi nhận và cảm ơn sự cố gắng của Sở trong thời gian qua.
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn, Sở, ngành cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu chuyên môn của ngành, xử lý công việc bài bản, chuyên nghiệp. Một thực tế, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tính chất công việc ngày càng thách thức, rủi ro ngày càng cao. Vì vậy, mỗi cán bộ công chức của ngành tư pháp phải nhận thức rõ bối cảnh hiện tại để cẩn thận và chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo, bên cạnh việc bám sát chương trình công tác của Bộ, Sở cần rõ ràng, mạch lạc trong quá trình tham mưu cho UBND và các sở ngành khác. Bên cạnh đó, cần phát huy trí tuệ tập thể, cố gắng tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ mà ngành đang có để nâng cao uy tín của ngành tư pháp và để các ngành khác luôn đề cao việc tuân thủ pháp luật.
Một điểm nữa Bộ trưởng lưu ý là ngành tư pháp không thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi số, công nghệ thông tin. “Đây là công cụ để thực hiện tốt hơn việc quản lý, chứ không thay thế, xóa nhòa chức năng nhiệm vụ quyền hạn của luật pháp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long đã thăm và làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ông Dương Văn An, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và các Đại biểu đã tiếp đoàn. Hai bên đã có những trao đổi về hoạt động của ĐBQH tại các kỳ họp và địa phương, trong việc góp ý xây dựng luật, giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri.
Dự kiến buổi chiều, đoàn công tác sẽ làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Cục Thi hành án dân sự Bình Thuận.