Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu đặt ra đối với ngành Tài chính là đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ, bảo hiểm 49 giờ); cải thiện vị trí xếp hạng về thuế và bảo hiểm theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới từ 167 lên 82.
Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới từ 93 lên 60.
Bộ cũng đặt mục tiêu cải thiện điểm số và chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chỉ số về nợ công và thị trường chứng khoán để đảm bảo ổn định thị trường tài chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân. Phấn đấu đến hết 2017, các dịch vụ công của Bộ Tài chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3-4.
Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Kế hoạch hành động đã được cụ thể hóa bằng 47 nhóm nhiệm vụ, 87 giải pháp và 175 sản phẩm đầu ra.
Trong lĩnh vực hải quan có 13 nhóm nhiệm vụ với 36 giải pháp gắn với 57 sản phẩm đầu ra, cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN;...
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng; phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng thanh toán điện tử theo Thông tư 184/2015/TT-BTC…
Trong lĩnh vực thuế có 7 nhóm nhiệm vụ với 20 giải pháp và 31 sản phẩm đầu ra, gồm: Thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, giải quyết khiếu nại theo mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; thí điểm về khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế…
Trong năm 2017, 95% doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt cấp độ 4; 95% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử đạt cấp độ 4; đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra…
Trong lĩnh vực quản lý nợ công, Bộ tiếp tục thực hiện các Đề án, chương trình, chiến lược về quản lý nợ công đã được phê duyệt, đảm bảo nợ công không quá 65 % GDP, dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP; tiếp tục tái cấu trúc lại nợ công; cải thiện chỉ số xếp hạng về nợ công của Việt Nam.
Liên quan đến thị trường tài chính, trọng tâm là lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, Bộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường chứng khoán, bảo hiểm; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đa dạng hóa các loại hình nhà đầu tư, phát triển hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu…