Báo cáo một số vấn đề góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, hiện nay trong tự nhiên có rất nhiều loại cây có chứa các chất ma túy nằm trong danh mục của Chính phủ nhưng có cây chứa hàm lượng nhiều, có cây chứa hàm lượng rất nhỏ nên hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt nhiều loại cây này không bị xử lý hình sự (ví dụ cây Cát đằng, cây Cacao, cây Ma hoàng, nho Nam Mỹ, Xương rồng Peru, Hoa Khổ ngải, Cỏ mơ, Nấm Amanita…).
Ngoài ra không phải toàn bộ rễ, thân, lá, hoa, quả của nhiều loại cây đều có chứa các chất ma túy này mà có loại chỉ có lá, có loại chỉ có quả mới chứa nhiều chất ma túy, còn những bộ phận khác của cây có thể không có chất ma túy hoặc có nhưng hàm lượng ít (ví dụ, cây Cô ca chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt lá cây; cây Thuốc phiện chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt quả…).
Lo luật bị lợi dụng để buôn bán ma túy
Phó Chánh án Nguyễn Sơn đặt vấn đề: “Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp 2013 quy định, đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và tránh việc xử lý hình sự tràn lan, thì việc bổ sung quy định lá rễ, thân, cành, hoa, quả hoặc bộ phận khác của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định” có hợp lý không, hay chỉ nên bổ sung những loại cây hoặc bộ phận của cây đã được quy định trong danh mục các chất ma túy của Chính phủ và những loại mà có kết luận rõ ràng của các cơ quan có thẩm quyền đó là chất ma túy và chỉ đối với thành phần của cây có chứa ma túy chứ không xử lý đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt tất cả bộ phận của loại cây này”.
Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền đề nghị quy định bổ sung phụ lục của BLHS những loại cây hoặc bộ phận của cây có chứa chất ma túy mà không quy định viện dẫn. Ông Tiền cũng đề nghị không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt tất cả bộ phận của loại cây này mà trong thành phần không có chất ma túy. Cần thêm yêu cầu có kết luận giám định về hàm lượng ma túy có trong các loại cây đó vì điều luật ban hành ra có nguy cơ bị lợi dụng bằng cách tẩm ướp chất ma túy vào các loại cây đó để sau đó chiết xuất trở lại ma túy.
Cần những quy định mang tính dự báo
Lo ngại việc xử lý sẽ tràn lan, ông Bùi Văn Giang, Tòa án Quân sự T.Ư cho rằng quy định như Dự thảo là quá rộng. “Nhiều loại cây có hàm lượng ma túy thấp như Cát đằng, Ca cao… thì bị xử lý còn thân cây Thuốc phiện lại không bị xử lý là không hợp lý”. Do đó, ông Giang đề nghị cân nhắc thận trọng quy định này.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với việc bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào các điều luật trên; đồng thời, sửa đổi khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung cụm từ “thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào sau cụm từ “cây khác có chứa chất ma túy” để bảo đảm tính đồng bộ và tránh việc xử lý hình sự quá rộng.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; các loại ma túy và cây có chứa chất ma túy xuất hiện ở nước ta ngày càng đa dạng, nhiều quan điểm cho rằng, nếu không có biện pháp đấu tranh, xử lý mạnh mẽ, linh hoạt, kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy hoặc các loại cây có chứa chất ma túy này thì sẽ hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội ma túy.
Vì vậy, để góp phần tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, tạo thuận lợi và chủ động hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thì việc sử dụng quy định mang tính dự báo đối với các chất ma túy và cây có chứa chất ma túy là cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh tùy tiện trong áp dụng.