Những y, bác sĩ nơi tuyến đầu hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19, không ít người bị lây nhiễm. Ví như, đoàn 50 cán bộ y bác sỹ của tỉnh Phú Thọ hỗ trợ TP HCM chống dịch từ ngày 14/7 - 22/9. Khi về đến Phú Thọ đã được cách ly theo quy định sau 1 tuần thì phát hiện 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hay tại Quảng Ninh, 16/70 nhân viên y tế hỗ trợ TP HCM cũng mắc COVID-19.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, ngày 19/6 có 28 trường hợp dương tính với COVID-19 là các cán bộ y tế làm việc trong Khu điều trị bệnh nhân F0 Fuji thông qua lấy mẫu định kỳ tại Khu điều trị.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, Tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch là gần 24.000 người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi.
Mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất tại dự thảo Thông tư bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH và dự thảo Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp.
Dự thảo định nghĩa bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Yếu tố gây bệnh là có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
Dự thảo cũng nêu rõ các nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc gồm:
- Người lao động làm việc tại các cơ sở y tế;
- Người lao động làm việc phòng thí nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu;
- Người lao động làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà.
- Người lao động tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ: người nhiễm COVID-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do COVID-19.
- Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi hài người mất do COVID-19.
- Người lao động tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng quân đội; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người lao động làm các nghề/ công việc khác tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về chẩn đoán và giám định trường hợp bệnh COVID-19 nghề nghiệp.
Căn cứ Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sử dụng để chi trả các khoản sau:
- Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
- Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
- Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
- Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
- Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.