Tự nuôi mình cùng em gái học Đại học
Hình ảnh một chàng thanh niên quần áo chỉnh tề lịch sự, lưng đeo ba lô, tay cầm tờ rơi, túi áo dắt sim điện thoại đủ loại, chân đi dép quai hậu thoăn thoắt khắp các ngả đường đã trở thành quen thuộc với những ai hay ngồi các quán cà phê ở TP Huế. Khi mời khách, anh khom người khiêm nhường và miệng luôn nở nụ cười thân thiện.
Mỹ là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em (2 trai, 4 gái). Ba mẹ đều là nông dân, tuổi thơ anh nhiều vất vả, cứ sau buổi đến lớp, khi về nhà đều tranh thủ làm thuê kiếm tiền nên việc học có gián đoạn. Năm 2007, học hết cấp 3, Mỹ không đậu tốt nghiệp THPT. Không từ bỏ giấc mơ, anh tiếp tục ôn thi lại.
Một năm sau, Mỹ có bằng THPT rồi thi đậu vào hệ Cao đẳng ngành Quản lý đất đai. Do nhà xa trường nên Mỹ phải thuê trọ để thuận tiện cho việc học tập. Để tự trang trải cho bản thân, anh làm đủ việc từ bán cà phê, gia sư cho đến bán vé số.
Vừa làm, Mỹ vừa ôn thi Đại học. Một năm sau, Mỹ đậu vào ĐH Nông lâm Huế ngành Bảo vệ thực vật, càng vui hơn khi cô em gái kém mình 2 tuổi cũng đỗ vào ngành Hán - Nôm trường Đại học Khoa học Huế. Vậy là ước nguyện của 2 anh em Mỹ đã trở thành hiện thực. Vừa mừng nhưng vừa lo, nhà quá nghèo anh em này lấy đâu tiền để học? Để có tiền trang trải các chi phí như nhà trọ, tiền ăn, học phí… Mỹ vẫn duy trì công việc bán vé số.
Mỗi ngày, sau khi rời giảng đường, anh lại cùng chiếc xe đạp len lỏi mọi ngóc ngách bán từng tấm vé số, đến tận khuya mới trở về dãy trọ. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Mỹ tâm sự: “Nhà mình ở vùng trũng, anh chị em đều khó khăn, không có công việc ổn định. Ba mẹ thì quá nghèo vì sức khỏe yếu, bệnh tật liên tục.
Gạo chưa đủ ăn, lấy tiền đâu mà nuôi 2 anh em học. Thế là mình đi bán vé số. Ban đầu mình ngại lắm, không dám gặp người quen, rồi còn bị bạn bè trêu chọc nhưng dần cũng quen và nghĩ rằng bán vé số là việc mưu sinh chân chính nên vui vẻ đi làm. Hằng ngày, em gái nấu nướng, giặt áo quần còn mình đi bán, đến tối muộn mới học bài”.
Trong 4 năm học, Mỹ nuôi em gái và không hề lấy tiền từ gia đình dù chỉ 1 đồng, ngoài ra anh còn dư tiền mua được chiếc xe máy Wave α. Đến năm 2013, Mỹ cùng cô em gái đều tốt nghiệp. “Bán vé số có cái vui, đó là thi thoảng được người trúng số tìm cho mình tiền.
Cứ mỗi ngày đi bán, mình đều ghi lại số, tối về xem kết quả. Hồi hộp, chờ đợi coi mình có đem may mắn được cho ai không? Nhưng thú thật, 5 năm mình bán vé số chưa hề bán cho ai trúng giải nhất hay giải đặc biệt”, Mỹ nở nụ cười.
Hằng ngày Mỹ đi bộ 30km, phát khoảng 1000 tờ rơi |
Bỏ việc đúng chuyên ngành về bán sim dạo
Sau khi tốt nghiệp, Mỹ vào TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để làm cho một công ty Bảo vệ thực vật. “Việc làm ở đây khá nhàn, được ăn ngủ tại công ty, lương tháng 8 triệu đồng. Nhưng vì nhớ nhà, đặc biệt nhớ đến những ngày đi bộ khắp xứ Huế, ung dung tự tại, nên quyết định về quê sau 1 năm”.
Về Huế, Mỹ không bán vé số mà chuyển sang bán sim điện thoại. Để công việc được tốt, anh phát kèm tờ rơi về các chương trình khuyến mãi. Nói về cách trình bày “không giống ai” của những tờ rơi, Mỹ cho biết: “Mình cố ý trình bày như vậy đấy. Đọc lên thấy vui để thu hút mọi người. Mình muốn khách vừa đọc rờ rơi vừa có thêm tiếng cười. Người ta vẫn trêu, đó là những tờ rơi “bá đạo”, hài hước bậc nhất xứ Huế”.
Hằng ngày, với chiếc ba lô đựng đủ loại giấy tờ, sim số, từ 7h sáng, Mỹ lại chạy xe máy từ nhà lên phố, gửi ở các quán cà phê, rồi bắt đầu công việc. Đến trưa Mỹ về nhà nghỉ ngơi rồi lại lên TP bán đến 10h đêm mới về. Mỗi ngày Mỹ luôn lên kế hoạch, đánh dấu hôm nay đi khu vực nào tránh ngày hôm sau lặp lại. Nhờ những tính toán, siêng năng mà hàng tháng Mỹ thu nhập hơn 10 triệu.
Mỹ chia sẻ bí kíp: “Mình luôn đi bộ để bán sim, như vậy sẽ dễ dàng tiếp cận được khách cũng như tiết kiệm xăng xe. Trung bình mỗi ngày dù nắng hay mưa mình đi chừng 30km. Vì đi nhiều nên có người cho mình biệt danh “Thánh đi bộ”.
Để bán được sim, mình phải mời chào vui vẻ, thân thiện, ăn mặc lịch sự. Tới quán cà phê, mình chưa vội mời khách mà phát tờ rơi đã. Đến lúc khách đọc xong mình mới đi tới thuyết phục. Hiện tại, do bán tốt nên VNPT Thừa Thiên Huế trả lương cứng cho mình 4,9 triệu/1 tháng”. Anh nói thêm: “Tôi luôn chấp hành quy định bán sim chính chủ mà nhà nước mới ban hành”.
Kể về Mỹ, chủ quán cà phê Fafilm ở 25 Hai Bà Trưng Huế cho biết: “Mỹ thường gửi xe ở quán tôi rồi đi bán. Thường mấy người phát tờ rơi, bán dạo như thế hay làm phiền khách nên tôi không cho vào quán. Nhưng với Mỹ là trường hợp đặc biệt, tôi không nỡ lòng. Bởi cậu ấy mời lịch sự, khách ai cũng vui vẻ nên chẳng vấn đề gì. Công việc của Mỹ trông vất vả, có người nhìn vào có thể dè bỉu vì phải mời mọc thiên hạ này nọ, nhưng đó là đồng tiền sạch, lương thiện, kiếm bằng mồ hôi công sức”.
Hiện tại, không chỉ bán sim, “Thánh đi bộ” Xuân Mỹ còn bán cả quýt, bánh lọc, bánh nậm, bánh ít. “Bố mình mất hơn 3 năm rồi. Mẹ ở quê không có việc làm, mình mới nói mẹ gói bánh để con đi bán cho. Việc này, mình chỉ muốn mẹ được vui, kiếm thêm chút thu nhập”, anh tươi cười.
Ngoài việc bán sim dạo, thời gian rảnh, Xuân Mỹ còn tham gia hoạt động ở Câu lạc bộ từ thiện Thiện Tâm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Huế). Anh vẫn thường theo các thành viên trong Câu lạc bộ về vùng sâu, vùng xa phát quà, phát gạo của các nhà hảo tâm, đến những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ.
Chủ nhiệm CLB Thiện Tâm cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm 40 người. Mỹ là thành viên nhỏ tuổi nhất. Tôi thấy cháu năng nổ, nhiệt tình cũng như có đóng góp tiền để giúp đỡ người khó khăn. Có hoạt động nào của CLB cháu đều tham gia”.
Chia tay với chàng kỹ sư nông nghiệp khi trời tờ mờ tối, anh tiếp tục vào TP để bán sim, Mỹ cười tươi rồi nói về dự định của mình: “Hiện tại mình yêu, đam mê công việc này. Mình cố gắng đi bán sim dạo thêm vài năm nữa, rồi gom góp một số tiền, mở một đại lý bán sim card kinh doanh. Nếu thành công, mình sẽ thành lập qũy từ thiện giúp những em có hoàn cảnh khó khăn phải đi bán vé số tại TP Huế”.
Vui vẻ yêu đời là quan trọng
Bà Dương Thị Lý (63 tuổi, mẹ Mỹ) xoa đầu con trai tâm sự: “Trước đây khi Mỹ bán vé số tôi rất lo, vì sợ nó bỏ bê việc học. Thời gian đó, vợ chồng tôi từng có ý định bán nhà để có tiền cho con học chứ thấy con bán vé số là ứa nước mắt. Thế nhưng Mỹ vẫn vui vẻ, yêu đời, yêu công việc, học tập tốt nên dần yên tâm.
Đến bây giờ, Mỹ đã có vốn để làm ăn, tôi rất tự hào. Vừa rồi, Mỹ còn xây được cho ba nó cái lăng to, tôi mừng lắm. Hiện tại anh chị em của Mỹ đều đã lập gia đình và có công ăn việc làm cả, đứa thì tài xế, đứa tiểu thương, đứa làm ở HTX nông nghiệp”.
Ở làng Hương Cần quê mình, Mỹ hay tổ chức cho các em nhỏ đá bóng. Đội thắng hay thua đều được Mỹ phát ít kẹo liên hoan. Ngoài ra, ở xóm có người nào đó đau ốm phải đi nằm viện, anh đều đến tận nơi để thăm hỏi động viên.
Một hàng xóm của Mỹ cho biết: “Cháu Mỹ rất hiền lành, lễ phép với mọi người. Từ người già đến trẻ nhỏ đều thương yêu, quý trọng cậu ta. Gần đây, tôi bị sốt phải nằm ở BV Đa khoa Hương Trà, rất bất ngờ khi được Mỹ lên thăm hỏi, động viên. Quả thật, với một người chưa lập gia đình, tuổi chưa đầy 30 mà chín chắn như Mỹ thật là điều hiếm thấy”.