Bộ giao thông muốn “đẻ” luật riêng cho phi công?

Bộ giao thông muốn “đẻ” luật riêng cho phi công?
(PLO) -Phi công muốn thôi việc sẽ phải: Báo trước 180 ngày; Bồi thường thêm chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo; Phải làm việc thêm từ 1 đến 2 tháng sau thời điểm hết hạn hợp đồng. Đây là 3 quy định mới của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT, đang  gây ra tranh luận trái chiều.
Đã trái lý lại không hợp tình!
Phi công cũng là người lao động. Quyền và nghĩa vụ của phi công về lao động được điều chỉnh cao nhất bởi 2 đạo luật. Luật chung có Bộ luật Lao động (BLLĐ). Luật chuyên ngành có Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Luật Hàng không).
BLLĐ đã quy định đối tượng áp dụng chung cho mọi người lao động. Nếu nói phi công là lao động đặc thù, nên ra áp dụng quy định riêng thì phải xem luật chuyên ngành có cho phép hay không? Khoản 3 Điều 68 Luật Hàng không quy định: “Nhân viên hàng không được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng lao động và pháp luật về lao động”. Như vậy, các đạo luật hiện hành đều không cho phép ban hành quy định riêng về chế độ lao động dành cho phi công hay nhân viên hàng không trái với quy định của BLLĐ.
Theo quy định tại Điều 37 BLLĐ thì thời hạn báo trước của phi công khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
- Đối với phi công làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày (Đối với lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì thời hạn báo trước tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định).
- Đối với phi công làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ đủ 12 - 36 tháng) thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước như sau:
+ Báo trước ít nhất 3 ngày làm việc trong các trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; Bản thân bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục mà khả năng lao động chưa được hồi phục;
+ Báo trước ít nhất 30 ngày trong trường hợp: Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động; Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
+ Báo trước theo thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định trong trường hợp lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điểm quan trọng ở đây phải có cách tiếp cận đúng về quy định này. Thời hạn báo trước nằm trong quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động tại Điều 37 BLLĐ. Cụ thể, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất số ngày cụ thể đã được luật định.
Như vậy, người lao động chỉ có nghĩa vụ báo trước đúng thời hạn tối thiểu (ít nhất). Còn báo trước một khoảng thời gian dài hơn thì là quyền của người lao động. Đã là quyền thì có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Người sử dụng lao động không được phép ép buộc người lao động phải báo trước thời hạn dài hơn luật định.
Nếu hiểu theo lý giải của Bộ GTVT thì sẽ giải thích ra sao khi phi công cũng đòi quyền hãng hàng không phải báo trước 3 năm trước khi hãng hàng không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vì BLLĐ cũng chỉ quy định: Người sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn?
Có thể thấy, dự thảo đã đưa ra những quy định trái lý và cũng chẳng hợp tình bởi không nên và cũng không thể giải quyết vấn đề chảy máu chất xám bằng những quy định cứng nhắc, thậm chí mang màu sắc phân biệt đối xử.
Phi công của Vietnam Airlines Ảnh: Nhật Mai - nld.com.vn
Phi công của Vietnam Airlines Ảnh: Nhật Mai - nld.com.vn
Bộ trưởng không được ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết trái với luật.
Đại diện Vụ pháp chế (Bộ GTVT) lý giải: việc nâng thời hạn báo trước lên 180 ngày là đúng thẩm quyền vì Điều 70 Luật hàng không đã quy định: Bộ trưởng BGTVT có quyền “quy định chi tiết vềchế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không”.  
Đúng là Bộ trưởng được quyền quy định chi tiết nhưng không được trái luật. Xin được nhắc lại Khoản 4 Điều 98 Hiến pháp đã quy định: Văn bản của Bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ khi trái Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định: “ Văn bản được ban hành theo thẩm quyền phải phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…”.
Như vậy, pháp luật không cho phép Bộ trưởng được ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết trái với luật.
Có hai lý do chính. Thứ nhất, theo cách hành văn tại dự thảo thì nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì phải bồi thường chi phí đào tạo. Quy định như vậy là trái BLLĐ. Người lao động chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm những điều kiện sau: Không thuộc lý do được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; Vi phạm thời hạn báo trước. Như vậy, nếu phi công đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc các lý do và tuân thủ đúng thời hạn báo trước thì không phải bồi thường chi phí đào tạo.
Thứ hai, dự thảo Thông tư quy định ngoài việc bồi thường chi phí đào tạo, phi công phải bồi thương thêm chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo là trái luật. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 BLLĐ chỉ quy định người lao động phải “hoàn trả chi phí đào tạo” khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật chứ không có quy định phải trả thêm chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo.
Chi phí đào tạo được quy định bao gồm: “các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài”.
Bên cạnh đó, việc dự thảo quy định: “Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng vào tháng 6 thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó cũng là quy định trái BLLĐ.
Theo quy định tại Khoản Điều 36 BLLĐ thì hợp đồng lao động sẽ chấm dứt khi hết hạn hợp đồng. Chỉ có trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
Quy định tại dự thảo đồng nghĩa với việc ép buộc trái luật người lao động phải làm thêm đến 2 tháng kể từ thời điểm hết hạn hợp đồng. Muốn người lao động làm thêm kể cả một vài ngày sau thời điểm hết hạn hợp đồng thì phải thoả thuận và được người lao động đồng ý chứ không thể dùng mệnh lệnh bằng cách ra văn bản ép buộc.

Đọc thêm

Kỳ vọng taxi bay

Ảnh minh họa
(PLVN) -  UBND một tỉnh tại miền Trung vừa có một đề xuất gây chú ý dư luận, khi có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh này xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn.

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024
(PLVN) - Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa ban hành quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, theo quy định về xây dựng công trình khẩn cấp.

Cục Đăng kiểm yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống tiêu cực tại các Trung tâm Đăng kiểm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua nhận được một số phản ánh về việc một số đăng kiểm viên (ĐKV), nhân viên nghiệp vụ một số TTĐK gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm, hoặc gợi ý mua nối tiếp thời gian không đúng quy định. Nếu chủ xe không mua thì gây khó dễ bằng cách kéo dài thời gian trả kết quả kiểm định.