Tuần trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo đó, có đến 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện vốn được áp dụng cho doanh nghiệp được cắt giảm (tăng hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện) và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Quyết định này được giới chuyên môn cũng như dư luận cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là “quyết định lịch sử”, “lớn chưa từng có trong ngành Công Thương”…
Gần đây nhất, quyết tâm của Bộ Công Thương được cụ thể bằng việc ngày 26/9, Bộ trưởng Công Thương ra tiếp quyết định lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Công Thương và giữ vị trí Tổ trưởng Tổ công tác này chính là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Theo quyết định, Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ liên quan đến quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ rồi đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Chưa hết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ký ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều kiện liên quan tới quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; đưa ra dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà.
Dự thảo thiết kế quy định các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí, điều chỉnh thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 5 năm lên 10 năm và giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày.
Chưa dừng lại ở đó, trước một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm, Bộ Công Thương cũng phát đi thông cáo khẳng định quyết tâm cắt giảm các điều kiện này theo các nguyên tắc đã được nêu rất rõ ràng tại điều 2 của Quyết định 3610a. Đó là, việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh được thực hiện trên nguyên tắc: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Bộ Công thương cũng yêu cầu phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện; gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Rõ ràng, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Công việc trước mắt của Bộ Công thương còn rất lớn, trong đó có việc chuẩn bị nguồn lực và nguồn ngân sách để đảm bảo việc giám sát, thực hiện có hiệu quả.
Tuy vậy, dư luận đánh giá rất cao quyết tâm của Bộ Công thương trong việc “cởi trói” để cộng đồng doanh nghiệp được thoải mái phát huy tối đa sức mạnh của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước; cũng là thể hiện cụ thể quyết tâm lớn của một Chính phủ kiến tạo, vì dân…/.