Người bị bắt kêu oan
Theo hồ sơ công tố, năm 2011, Luật có sang nhượng cho ông Hữu một nửa trong tổng số 15.635m2 đất trên đường ĐT 746, thuộc xã Tân Lập, TX. Tân Uyên với số tiền 2.85 tỷ đồng. Nhiều lần ông Hữu yêu cầu sang tên nhưng Luật không chấp nhận. Đến năm 2013, ông Hữu có đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương về sự việc nói trên.
Qua điều tra, CQĐT công an tỉnh Bình Dương cho rằng Luật cung cấp thông tin sai sự thật, sử dụng đất đứng tên người khác để bán cho ông Hữu nhằm chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân nên tiến hành khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
VKSND tỉnh Bình Dương cáo buộc, khi giao dịch với ông Hữu, Luật cho rằng mảnh đất nói trên là của mình mua nhưng nhờ vợ chồng người khác Nguyễn Đình Hào và bà Phan Thị Nguyệt (hiện hai người này được xác định đã xuất cảnh đi nước ngoài chưa về Việt Nam) đứng tên giúp.
Ông Hào, bà Nguyệt sau đó có viết giấy ủy quyền cho Luật toàn quyền mua bán với người khác để kiếm lời. Tuy nhiên, Luật không nói điều này cho ông Hữu biết và số tiền mua bán với ông Hữu, Luật đã tiêu xài hết.
Luật kêu oan. Phía VKS cho rằng Luật có hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật và có thủ đoạn gian dối trong việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt số tiền 2.85 tỷ đồng của ông Hữu. Vì thế, việc truy tố Luật là đúng người, đúng tội.
Đến tháng 5/2015, VKS hoàn thành cáo trạng, truy tố Luật ra tòa. Mãi đến tháng 5/2016, vụ việc mới đưa ra xét xử. Trong hai lần mở phiên tòa xét xử, TAND tỉnh Bình Dương đều trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung những tình tiết chưa rõ. Tuy nhiên, cả hai lần, VKS đều không thực hiện việc điều tra làm rõ này mà khẳng định tội danh của Luật là chính xác.
Trong 2 lần ra tòa, Luật kêu oan và yêu cầu triệu tập nhân chứng, những người liên quan để làm rõ phần đất 15.635m2 là của ai và ai là người mua. Những người này không được triệu tập và không có lời khai trong hồ sơ vụ án. TAND tỉnh Bình Dương cũng chấp nhận yêu cầu của Luật.
Nhiều vấn đề chưa được làm rõ
Theo lời kêu oan của Luật và bản tường trình của gia đình Luật, vào năm 2011, Luật có tiến hành mua phần đất 15.635 m2 nói trên của vợ chồng bà Đỗ Thị Thanh và ông Nguyễn Bảo Chính. Việc giao dịch có giấy tờ viết tay số tiền đặt cọc là 700 triệu đồng.
Tiếp theo, nhân viên của Luật chuyển khoản cho ông Chính 1 tỷ đồng tại ngân hàng ViettinBank. Em vợ Luật hai lần chuyển 700 triệu đồng (1 lần 400 triệu đồng và 1 lần 300 triệu đồng). Luật tiếp tục giao dịch với bà Thanh và được bà Thanh viết lại giấy nợ là 290 triệu đồng tiền mua đất. Việc giao dịch mua đất này đều có nhân viên của Luật làm chứng.
Giữa Luật và vợ chồng ông Hào, bà Nguyệt có mối quan hệ làm ăn lâu nay. Trong tường trình, gia đình Luật khẳng định: “Ngoài lô đất nói trên, Luật còn thế chấp vay mượn của ông Hào, bà Nguyệt tới 17 giấy tờ các lô đất khác với lãi suất từ 18 – 24%/tháng”.
Theo đó, cho rằng khi kẹt vốn, không có tiền hoàn tất giao dịch mảnh đất với bà Thanh, ông Chính, Luật đã vay mượn của bà Nguyệt 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Nguyệt yêu cầu được đứng tên trong hợp đồng mua bán và sổ đỏ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Theo xác minh của CQĐT công an tỉnh Bình Dương, việc nộp thuế là do bà Nguyệt đứng tên.
Việc thỏa thuận giữa Luật với bà Nguyệt không được lập thành văn bản. Tuy nhiên, Luật cho rằng có thư điện tử (email) trao đổi qua lại. Trong sổ đỏ, cũng có ghi chép phần vay nợ này. Do bị giam lâu ngày, Luật không nhớ mật khẩu thư điện tử nên cung cấp tên cho CQĐT xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Đối với quan hệ giữa ông Hữu (người bị hại) với Luật, từ Cty Trần Quốc Luật, năm 2011, Luật thành lập chi nhánh tên là Cty TNHH Việt Tiệp. Cty này có tên của ông Hữu hùn vốn. Đồng thời điểm này, giữa ông Hữu và Luật tất toán số tiền quá trình làm ăn trước đó. Theo đó, Luật còn thiếu ông Hữu 2.85 tỷ đồng. Hai bên thống nhất cấn trừ số nợ đó bằng việc Luật cắt đôi mảnh đất mua của bà Thanh cho ông Hữu và hứa sẽ sang tên.
Theo Luật, ông Hữu biết về việc bà Nguyệt đứng tên sổ đỏ nhưng vẫn đồng ý. Trên mảnh đất, chia đôi bằng một con đường. Luật và ông Hữu cùng đầu tư xây dựng, trồng cây cọ dầu từ năm 2011 đến khi bị bà Nguyệt chuyển nhượng cho người khác.
Ông Hữu yêu cầu Luật sang tên một nửa mảnh đất cho mình. Tuy nhiên, Luật không thỏa thuận được với bà Nguyệt về việc trả nợ, không nhận và chuyển tên được trong sổ đỏ.
“Trước đây, ông Hữu biết và thông cảm cho chồng tôi về việc chậm sang tên. Chồng tôi không thương lượng được, không lấy sổ đỏ được từ bà Nguyệt thì làm sao sang tên cho ông Hữu. Từ đó, mới dẫn đến ông Hữu có đơn tố cáo”, tường trình của vợ Luật.
Ngoài ra, trong hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND tỉnh Bình Dương đều yêu cầu làm rõ người môi giới cho bà Thanh bán đất cho ai, Luật hay bà Nguyệt; xác định thời điểm Luật biết được mảnh đất đó và giá chuyển nhượng là bao nhiêu? Làm rõ nội dung thư điện tử trao đổi liên quan đến mảnh đất giữa bà Nguyệt và Luật.
Có hay không việc đứng tên giùm vì Luật còn nợ bà Nguyệt. Làm rõ ai là người làm các thủ tục, nộp thuế để làm sổ đỏ. Xác định thời vợ chồng bà Nguyệt, vợ chồng bà Thanh là những người liên quan trực tiếp đến vụ án hiện đang ở đâu để xác định mảnh đất ai mua, mua như thế nào, phương thức thanh toán.
Đến nay, CQĐT chỉ làm rõ được một phần trong yêu cầu của tòa án và kết luận những vấn đề khác không ảnh hưởng đến vụ án. Gia đình Luật cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa một vụ án dân sự, Luật bị oan. Ngoài ra, Luật bị bệnh gan nặng phải nhiều lần điều trị ở nước ngoài, gia đình có đơn bảo lãnh tại ngoại nhưng không được chấp nhận. Đến nay, Luật bị tạm giam hơn 2.5 năm.
Vợ Luật cho biết sau khi chồng bị tạm giam, công ty không hoạt động, tài sản bị nhiều người lợi dụng tẩu tán sạch. Chị phải lên tận Đắk Lắk làm thuê cho một người bạn để nuôi 3 đứa con và đi kêu oan cho chồng. Chị Linh khẳng định dù khổ đến mấy vẫn tiếp tục kêu oan.
Dự kiến, phiên tòa lần 3 sẽ được mở vào giữa tháng 1/2017.