Niềm tin trao nhầm chỗ
Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, những người dân mua đất nền tại dự Dự án Khu nhà ở thương mại Đường sắt (mở rộng) do Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An tại phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư cho biết, hiện tại họ đang rất lo lắng và hoang mang vì đã bỏ ra số tiền rất lớn từ tích cóp, vay mượn để mua đất tại dự án nhưng đến nay gần 3 năm trôi qua vẫn chưa thể xây được nhà.
Người dân cho biết, trước khi quyết định đặt tiền mua đất tại dự án, họ kiểm tra tính pháp lý của dự án và được chủ đầu tư cung cấp đầy đủ nên hết sức tin tưởng, không một chút nghi ngờ. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2018, khi đặt bút ký vào hợp đồng mua đất, họ được chủ đầu tư cung cấp các giấy tờ như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 163834, số vào sổ CT 00835 diện tích 117.332 m2 tọa lạc thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (nay là phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do UBND tỉnh Bình Dương cấp ngày 21/01/2011 cho Công ty Cổ phần Vật tư Đường sắt Sài Gòn.
Văn bản số 5026/UBND-BTCD ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh Bình Dương |
Công văn số 1657/UBND-KTN ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An được đầu tư Khu nhà ở thương mại đường sắt (phần mở rộng).
Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc cho phép Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng), điều chỉnh mục đích tại Khu nhà ở thương mại đường sắt (hiện hữu) phường Dĩ An, thị xã Dĩ An.
Tuy nhiên, người dân không hiểu vì lý do gì, đến ngày 28/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản số 2457/UBND-KTN về việc tạm dừng thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Đến ngày 19/8/2019, Bộ Giao thông Vận tải – UBND tỉnh Bình Dương ban hành Thông báo số 170/TB-BGTVT-UBND nêu: “Bộ GTVT nhất trí với UBND tỉnh Bình Dương thống nhất dừng thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt diện tích 47.8882,8m2 (mở rộng) của Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An trong thời gian chờ các cơ quan chức năng rà soát các nội dung có liên quan đến việc đầu tư dự án”.
Người dân rơi vào bế tắc
Bà Thái Thị Thu Huyền (sn 1976, ngụ khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An), một người mua đất tại dự án chia sẻ: “Thửa đất tôi mua gần 1,8 tỷ. Số tiền đó tôi phải vay mượn người thân, bạn bè cùng với vay ngân hàng thêm 400 triệu mới đủ để đóng 60% giá trị hợp đồng cho chủ đầu tư. Nhưng mấy năm nay lại không xây nhà được. Chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà ở. Chồng tôi thì công chức nhà nước lương không được bao nhiêu, tôi thì không có công ăn việc làm ở nhà trông trẻ thuê cũng không được mấy. Trong khi đó lãi ngân hàng mỗi tháng phải đóng đều đặn”.
Ông Trần Phụng (ngụ khu phố Nhị Đồng, Dĩ An) cũng hết sức hoàn cảnh. Hai vợ chồng buôn bán hủ tiếu vỉa hè cũng đã vay mượn người thân, ngân hàng để mua đất nhưng đến nay lâm vào tình cảnh không có nhà để ở, cũng phải đi thuê nhà trọ ở và đóng lãi ngân hàng mỗi tháng.
“Tôi không biết dự án vướng mắc chỗ nào, đơn vị nào sai. Nhưng chúng tôi là những người đã bỏ số tiền lớn mua đất tại đây chỉ mong sớm được xây nhà để ở. Nếu trước mắt không cho chúng tôi xây nhà kiên cố thì hi vọng tạo điều kiện cho chúng tôi dựng nhà tạm để ở, nhằm bớt chi phí thuê nhà hàng tháng, dành tiền cho con cái ăn học”.
Hàng trăm người dân mua đất tại dự án trong một cuộc họp tại UBND tỉnh Bình Dương |
Chị Quỳnh Nguyễn Thảo Nguyên (sn 1984, ngụ Bình Đường 2, Dĩ An) cho biết, bản thân chị là giáo viên hợp đồng, vừa mới lập gia đình. Cũng vì tin tưởng vào tính pháp lý của dự án nên đã vay, mượn 3 sổ đỏ của gia đình để đủ tiền mua.
“Thu nhập của tôi và chồng không được là bao, nhưng nay mỗi tháng vừa phải đóng tiền lãi ngân hàng, vừa phải đóng tiền thuê trọ. Tôi rất mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm sớm cho tiến hành dự án, để chúng tôi ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, cứ thế này không chỉ vợ chồng tôi mà nhiều vợ chồng khác đã mua đất tại dự án này lục đục, cải vả nhau, lâm vào hoàn cảnh bi đát”.
Một đại diện của gần 300 người dân mua đất tại dự án chia sẻ: “Số tiền mà chúng tôi đã thanh toán cho chủ đầu tư là cả đời tích góp vay thêm ngân hàng, anh em, người thân…để mong cho có chỗ ở ổn định, để con cái yên tâm học hành, chúng yên tâm làm ăn góp phần xây dựng đất nước phát triển. Nhưng bây giờ lại không thể xây nhà được, việc học hành của con cái cũng bị ảnh hưởng theo, ngân hàng có thể siết nợ lúc nào không biết, chúng tôi hết sức hoang mang, lo lắng. Chúng tôi tha thiết khẩn cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm, thẩm quyền sớm giải quyết để chúng tôi có thể xây nhà, an cư lạc nghiệp.