Bình Định: Người dân khóc ròng vì những hậu quả môi trường của việc khai thác titan

Một điểm phục vụ việc khai thác titan ở xã Mỹ Thành.
Một điểm phục vụ việc khai thác titan ở xã Mỹ Thành.
(PLO) -Dù cơn sốt titan đã hạ nhiệt từ 3 năm nay nhưng những cánh rừng phi lao hơn 50 năm tuổi ở vùng cát ven biển bị đốn chặt. Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão cho làng quê từ bao đời nay bị phá bỏ. Nguồn nước ngầm cạn kiệt, những núi cát được hình thành tạo ra những vết sẹo lồi lõm, bệnh tật, nghèo đói, chết chóc hoành hành đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Chuyện đang xảy ra ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. 

Phá nát rừng lá chắn

Với trữ lượng 2,5 triệu tấn titan, Bình Định là 1 trong bốn 4 tỉnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận có trữ lượng titan cao nhất nước.

Theo tìm hiểu, hầu hết các mỏ titan ở Bình Định tập trung ở các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát và một phần TP.Quy Nhơn.

Chỉ tính riêng hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ đã từng có đến hơn 30 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác titan, sản lượng đăng ký lên tới 650 tấn quặng titan/năm. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Mỹ Thành từng có hơn 10 doanh nghiệp khai thác titan cùng lúc và cũng là địa phương có lượng titan lớn nhất tỉnh Bình Định. Từ một xã ven biển trù phú, người dân vừa đánh cá vừa làm nông, đến nay Mỹ Thành trở nên xơ xác, tiêu điều.

Ở đây, những cánh rừng phi lao chắn gió, chắn cát hơn 50 năm tuổi đã bị đốn hạ để khai thác titan. Nạn cát bay, cát nhảy và mạch nước ngầm xuống thấp khiến cuộc sống người dân trong thôn đảo lộn.

Bà Lê Thị Mận (52 tuổi, ngụ thôn Hưng Lạc), bức xúc: “Rừng phi lao hơn 50 năm tuổi làm lá chắn bảo vệ thôn bị phá bỏ để khai thác titan tạo ra những núi cát khô khốc, rát bỏng.

Cát từ các mỏ titan bay mù trời, bồi lấp cả các kênh dẫn nước thủy lợi. Chỉ vì titan mà phải chặt phá hết rừng, phá hủy môi trường thì sợ rằng con cháu mình sau này ắt phải nhận hậu họa của thiên tai”.

Đưa tay chỉ quanh những trảng cát chưa được san gạt, nhấp nhô lồi lõm khắp nơi ở khu vực giáp ranh giữa thôn Hưng Lạc với Hòa Hội Nam, ông Võ Tư Lệnh (64 tuổi, ngụ thôn Hưng Lạc) chua xót:

“Vùng này trong chiến tranh là nơi che chắn đạn bom cho lực lượng kháng chiến. Sau giải phóng, những cánh rừng dương chắn gió vẫn còn xanh tốt ngút ngàn. Mọi thứ chỉ bị xới tung lên khi xuất hiện doanh nghiệp khai thác titan. Hết titan rồi họ đi biệt dạng”.

Trước mắt chúng tôi, những trảng cát trắng chằng chịt hào ngang rãnh dọc, hầm hố nhấp nhô lồi lõm sâu cả hàng chục mét chạy tận ra tới bờ biển. Ông Lệnh đứng ngay sát mép một hố cát sâu, lắc đầu: “Nay mai, mưa vài trận nước đầy hố, chết người như chơi. Chỉ sợ có mấy đứa nhỏ đi chăn bò nghịch dại leo xuống đó hoặc sảy chân thì chẳng biết đường nào”. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số công ty khai thác titan đã hoàn thổ, trồng lại phi lao sau khi khai thác nhưng do mạch nước ngầm bị cạn kiệt nên hơn nửa diện tích cây trồng chết khô, số còn sống thì còi cọc.

“Sau khi họ khai thác, phải mất mấy tháng họ mới trồng lại cây. Trong thời gian ấy, người dân phải gánh chịu cát bụi mịt trời. Sau khi trồng cây xong thì họ đi, không quan tâm cây sống hay chết, mà còn nước ngầm đâu để cây sống và kết quả là cây lần lượt chết, còn trơ lại những mảnh đất khô cằn”, bà Mận cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, việc khai thác titan không giúp ích gì cho kinh tế địa phương phát triển mà nhiều công ty dùng nước biển để tuyển quặng làm hàng chục hecta đất trồng lúa của bà con bị ảnh hưởng. Hàng trăm hecta đất ở giờ đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa.

Thủ phạm là những bè hút cát, hút nước của các mỏ titan cách đó chừng vài trăm mét đã hoạt động hết công suất suốt nhiều năm liên tiếp.

Ống hút cát hoạt động liên tục.
Ống hút cát hoạt động liên tục.

Nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời vàng son của khai thác titan, xã Mỹ Thành là đại công trường với 16 doanh khai thác tại đây. Nay, titan xuất không được, doanh thoái lui, nơi này sót lại chỉ dây chuyền tuyển quặng rutin đang hoạt động, nhưng hậu quả thì vẫn còn dài. Những mỏ titan chen chúc nhau khai thác ròng rã suốt nhiều năm đã làm nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, cạn kiệt. 

Ông Nguyễn Mục (68 tuổi, ngụ thôn Hưng Lạc) dẫn chúng tôi ra xem giếng nước trước nhà bỏ không từ mấy năm nay. Dưới lòng giếng là lổn nhổn đất đá, lá khô, cành cây mục nát. Ông Mục cho biết: “Giếng đào 15 năm nay rồi, trước dùng vẫn tốt nhưng từ khi người ta khai thác titan giếng bắt đầu nhiễm mặn, nhiễm phèn. 5 năm nay thì đứt tiệt. Trơ đáy!”. 

Nhà 8 người lớn bé không thể không có nước dùng, gia đình ông đành sang nhà hàng xóm đối diện nhờ xin đào giếng khoan phía bên đó rồi dẫn nước về nhà mình. Dẫu là nước phèn, nước mặn có còn hơn không, vậy nhưng vẫn lắm nhiêu khê. Ông Mục phải xây thêm một bể lắng, lọc 3 ngăn, dung tích chừng hơn 1m3 xây áp sát vách bếp mới ra được thứ nước lờ lợ nhiễm mặn, phèn. 

“Mỗi đợt bơm lọc, cả nhà xài khoảng 5 ngày, nhưng chỉ dám tắm táp, giặt giũ, nấu nướng thôi. Chứ nước uống phải lên gánh ở xóm trên, kẹt quá thì mua nước đóng bình. Từ ngày phải bơm giếng khoan, lọc bể mỗi tháng tốn thêm khoảng 40 - 50 ngàn đồng tiền điện nữa”, ông Mục than.

Bà Lê Thị Đảnh (67 tuổi, ngụ thôn Hưng Lạc), cho biết: “Ngày trước, nước sinh hoạt vùng này ngọt, mát lắm, nhưng từ khi khai thác titan, nguồn nước gia đình tôi bị hôi thối, có mùi bùn uống không được. Khoan đến 3 giếng nước mà chỗ nào cũng vậy nên nhiều nhà phải mua nước về dùng.

Nhiều năm trước, cây rừng bị tàn phá, bụi cát bay phủ đầy nhà, dân phản ứng quá nên năm ngoái vài doanh nghiệp mới trồng rừng chắn cát, nhưng chỉ hạn chế được một phần”.

Tại thôn Hòa Hội Nam, người dân nơi đây thuộc tên các doanh nghiệp từng đặt chân đến để khai thác titan. Khi doanh nghiệp rời đi, nhiều người rất bức xúc trước hậu quả nặng nề mà công ty đã để lại trên làng quê này, nhưng chẳng ai làm gì được.

“Nguồn nước bị ô nhiễm, dân nghèo quá không có tiền mua nước lọc để sử dụng. Nhiều nhà chịu không nổi phải di dời đi nơi khác mà sống, canh cánh nỗi lo bệnh tật”, bà Ngô Thị Hồng Dung (56 tuổi) cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó thôn Hưng Lạc, cho biết: “Xóm Hưng Hội, Hưng Thạnh, Hưng Trung, Hưng Bình… chỗ nào cũng có vấn đề.

Toàn thôn có 256 hộ thì 80 - 90% hộ sống ở phía triển khai thác titan có nguồn nước bị nhiễm phèn hoặc đứt mạch hẳn, nhất là ở khu vực từ Bàu Nước giáp xuống dưới xóm Hưng Tân.

Trước, khoan chừng 5 - 6m nước tràn lai láng rồi, giờ sâu xuống cả chục mét chẳng thấy đâu, nếu có cũng bị phèn, mặn”.

Bà Phương gánh chịu nỗi đau mất con từ việc khai thác titan.
Bà Phương gánh chịu nỗi đau mất con từ việc khai thác titan.

Dai dẳng nỗi đau

Theo người dân, việc khai thác titan tại xã Mỹ Thành đã kéo dài hơn 10 năm và hiện vẫn còn lác đác doanh nghiệp đang khai thác, mặc cho người dân và làng quê này gánh chịu hậu quả kinh hoàng từ việc khai thác titan.

Đã hơn 3 năm trôi qua, bà Lưu Thị Phương (ngụ thôn Hòa Hội Nam) vẫn không nguôi nỗi đau mất đứa con trai do ngã xuống hố sâu titan. Thắp nén nhang lên bàn thờ đứa con xấu số, bà Phương kể:

“Ngày 16/1/2013, Công ty Cổ phần An Trường An đang san lấp hố sau khi khai thác nhưng không có rào chắn, biển báo, con tôi là Võ Bá Quân và 3 đứa trẻ ngồi trên miếng xốp chơi đùa bên hố nước. Không may, miếng xốp lật úp khiến 4 trẻ rơi xuống nước. Trong khi các bạn bơi được vào bờ, thì Quân chìm xuống hố sâu chết đuối”. 

Trưởng thôn dọa phóng viên

Liên quan đến hậu quả khai thác titan ở thôn Hưng Lạc, chúng tôi tìm đến nhà ông trưởng thôn để xác nhận sự việc.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông này cố ý né tránh và cho rằng nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ở địa phương không liên quan gì đến các doanh nghiệp khai thác titan, mà đó là do người dân nuôi tôm tự phát, dẫn nước mặn từ biển vào đồng. Trong quá trình đó, ống nước dẫn bị bể gây nhiễm phèn, nhiễm mặn. 

Sau khi làm việc, chúng tôi xin hỏi họ tên và số điện thoại để liên lạc khi cần thiết, ông này không những không cho còn dọa “Mày hỏi ghi tầm bậy tao vợt cái đầu mày”.

Tìm đến UBND xã Mỹ Thành để làm việc, lúc này khoảng 10h, chúng tôi vào phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Huỳnh Trọng Đông.

Khi vào, vị chủ tịch vẫn ngồi ở bàn làm việc, tuy nhiên khi đặt vấn đề làm việc liên quan đến hậu quả của khai thác titan, vị này bảo chuẩn bị có công việc bận, không tiếp chúng tôi; đồng thời bảo chúng tôi về địa bàn thôn làm việc với các trưởng thôn.

Sau khi chúng tôi nêu sự việc của ông trưởng thôn Hưng Lạc, vị chủ tịch này chỉ nói ngắn gọn rằng ông trưởng thôn tên Dương Đức Xứng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hố nước đó rộng chừng 400m2, sâu khoảng 25m, sau sự cố thì Công ty Cổ phần An Trường An lấp ngày. Sau khi có tai nạn, chính quyền, gia đình liên hệ nhưng phía công ty tránh né. Gia đình đành để xác em Quân 2 ngày ngoài trời để giữ hiện trường chờ giải quyết.

Theo bà Phương, qua thời gian làm thủ tục, hồ sơ, phía công ty thỏa thuận đền bù cho gia đình 500 triệu đồng với mong muốn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thủ phạm gây ra tai nạn lại chây ì, trốn tránh, quá ngày cam kết không thấy công ty giữ đúng lời hứa nên gia đình bà Phương kiện ra tòa án. 

Trong 3 năm đi kiện, phía Công ty Cổ phần An Trường An chỉ đưa được 200 triệu đồng. “Tôi vẫn còn giữ biên bản thỏa thuận, việc đòi tiền bồi thường không quan trọng, đau lòng là mất đi đứa con mới 13 tuổi. Trong khi đó, kẻ gây ra hậu quả lại trốn tránh”, bà Phương buồn bã nói.

Giếng nước nhà ông Mục trơ đáy đã 5 năm vì khai thác titan.
Giếng nước nhà ông Mục trơ đáy đã 5 năm vì khai thác titan.

Đói nghèo, bệnh tật, chết chóc

Xã Mỹ Thành vốn nổi tiếng là đất trồng hành, trồng khoai mì nhưng từ khi các công ty khai thác titan đến đây hoạt động thì tình trạng đói nghèo rồi dẫn đến thất học diễn ra triền miên. 

Ông Nguyễn Văn Tình (45 tuổi, ngụ thôn Hòa Hội Nam) than thở: “Từ khi các công ty đến đây khai thác titan thì cuộc sống của người dân xuống đến cùng cực.

Chúng tôi sống bằng nghề làm nông nhưng những năm qua ruộng đồng hoang hóa, hoa màu không phát triển được dẫn đến không có nguồn thu nhập nên đói nghèo.

Tôi có 3 thằng con đang tuổi ăn học nhưng vì mấy năm nay làm không ra tiền nên 2 thằng lớn đã nghỉ học, còn lại mình thằng nhỏ đang học lớp 6 nhưng cũng không biết nghỉ học lúc nào”.

Bà Phạm Thị Bé (52 tuổi, ngụ thôn Hưng Lạc) kể: “Năng suất cây trồng của người dân tệ hơn trước khi các doanh nghiệp đến khai thác titan rất nhiều, do nước hôi phèn mà thường xuyên hao hụt, rừng mất, đất bị hoang hóa.

Chưa kể việc cát bay vào nhà, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thổ. Cái hố sâu trước nhà tôi đến tháng 9 là đọng lại hồ nước lớn nhưng giờ công ty đi chẳng biết ở đâu”.

Nhiều người dân xã Mỹ Thành cho biết, từ năm 2011 đến nay, ở địa phương đã có gần chục người chết vì bệnh phổi, bệnh phế quản. Bà Đặng Thị Kiều (64 tuổi), cho biết:

“Khói đen ngùn ngụt từ các nhà máy chế biến titan gần đây đã làm bà con địa phương mắc bệnh phổi, bệnh phế quản rất nhiều.

Xóm trên, bà Trương Thị Thông bị bệnh phổi chết cách đây 2 năm, còn ở xóm dưới ông Nguyễn Văn Đức và ông Nguyễn Thành Long từ một người lực điền, hết mùa lúa là đi ghe đánh cá cũng chết rồi, bệnh viện trả lời vì bệnh phổi nặng.

Mới đây bà Lê Thị Quy cũng chết vì bệnh phổi, không biết còn bao nhiêu người chết vì bệnh tật bởi ô nhiễm từ khai thác titan gây ra nữa”.

Những can chứa nước của người dân bám kín lớp phèn.
Những can chứa nước của người dân bám kín lớp phèn.

Bao giờ trở lại ngày xưa?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Mỹ Thành có 16 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường lẫn UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản titan với tổng diện tích 1.072,82 ha. Trong đó, UBND tỉnh Bình Định cho thuê 543,04 ha để khai thác, đến cuối năm 2015 các doanh nghiệp khai thác xong 567,88ha, hoàn thổ trồng rừng được 299,75 ha.

Ông Ngô Hải, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, cho biết: “Hồi thời kỳ tôi còn làm chủ tịch UBDN xã, doanh nghiệp hứa khai thác xong titan là hoàn thổ, trồng cây trả lại mặt bằng nhưng thực tế là bỏ vãi.

Bao nhiêu năm mang vác gánh nặng môi trường, cuối cùng được cái gì đâu. Nhìn quanh mấy xã khác người ta lên nông thôn mới rần rần, còn Mỹ Thành lẹt đẹt chờ đợt 2, sau năm 2020”.

Theo ông Hồ Mạnh Cường, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phù Mỹ, việc thực hiện hoàn thổ, trồng cây mạnh nhất là vào năm 2013.

Doanh nghiệp được cấp phép khai thác diện tích lớn thực hiện tương đối tốt, trong khi các doanh nghiệp được cấp phép nhỏ lẻ theo kiểu tận thu thì ngược lại. Khó khăn nhất là việc đôn đốc, xử các doanh nghiệp không thực hiện hoặc chậm hoàn thổ, trồng rừng.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Định có 5 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 7 giấy phép khai thác với tổng diện tích 1.129,28ha và giấy phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, do giá quặng titan trên thế giới giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. 

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc khai thác cầm chừng (trong đó Công ty Cổ Phần Khoáng sản và Thương mại Bình Định chưa triển khai việc khai thác). UBND tỉnh Bình Định đã cấp 35 giấy phép khai thác titan cho 15 doanh nghiệp với tổng diện tích 546ha và các giấy phép này đã hết hạn từ năm 2013.

Theo ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, cho đến nay, diện tích đã san gạt, hoàn thổ từ việc khai thác titan đạt khoảng 433 ha (chiếm 79%), trong đó diện tích trồng rừng là 250ha (45%).

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chậm thực hiện việc hoàn thổ, trồng rừng, phục hồi môi trường. Công ty Cổ phần Kim Triều đến nay vẫn không thực hiện việc san gạt, hoàn thổ, trồng rừng phục hồi môi trường. Việc khai thác titan đã ảnh hưởng đến nguồn nước của người địa phương.

“Đối với những doanh nghiệp không chịu hoàn thổ, phục hồi môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh sử dụng tiền đã ký quỹ phục hồi môi trường của các doanh nghiệp để tiến hành hoàn thổ trồng cây trên diện tích khai thác.

Sở đã có báo cáo UBND tỉnh Bình Định và đề nghị xử phạt hành chính đối với công ty không phục hồi môi trường sau khai thác titan. Thực tế, UBND tỉnh đã ra các quyết định xử phạt đối với đơn vị không thực hiện”, ông Thành quả quyết. 

Về yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg nêu rõ:

1. Đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người theo quy định cụ thể tại phụ lục I ban hành kèm theo quyết định này.

2. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.

3. Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.

4. Phù hợp với phương án cải tạo, phục hồi môi trường do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành đối với các dự án khai thác khoáng sản nằm trong khu vực khai thác liên mỏ.

5. Đối với cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ ngoài việc thực hiện theo quyết định này còn phải thực hiện quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.