Trả lời:
Để xác định trong trường hợp này, việc bệnh viện từ chối cho bạn nghỉ việc vĩnh viễn là đúng hay sai cần căn cứ theo các quy định về đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người lao động. Cụ thể như sau:
Vì bạn chưa cung cấp rõ thông tin bạn có phải là công chức, viên chức hay không nên sẽ có ba khả năng có thể xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Nếu bạn không phải là công chức nhà nước:
Căn cứ theo điều 37 Bộ luật lao động 2012 thì:
“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.”.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động là các trường hợp sau đây:
+ Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
+ Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
+ Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
Xét đối với trường hợp của bạn, việc bạn ra nước ngoài đoàn tụ với chồng thuộc trường hợp ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc. Đây là một trong những trường hợp mà Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật lao động thì đối với trường hợp này, tùy vào thời hạn theo hợp đồng lao động, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bạn phải báo trước một thời hạn, cụ thể như sau:
+ Báo trước ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
+ Báo trước ít nhất 45 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Như vậy, nếu bạn có ký hợp đồng lao động với bệnh viện mà không tuân thủ về thời gian báo trước như trên thì việc bệnh viện từ chối cho bạn nghỉ việc là đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp 2: Nếu bạn là viên chức:
Tại khoản 4, điểm d khoản 5 Điều 29 Luật viên chức năm 2010 quy định:
“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
Như vậy, nếu bạn là viên chức thì tùy theo loại hợp đồng lao động, muốn nghỉ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) bạn cũng sẽ phải thông báo cho cơ quan với thời gian được xác định như sau:
+ Nếu làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: báo trước ít nhất 45 ngày;
+ Nếu làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn: bạn phải báo trước ít nhất 30 ngày (khoản 6 Điều 29 Luật viên chức).
Nếu bạn không báo trước đúng thời hạn trên thì việc bệnh viện không cho bạn nghỉ việc là đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp 3: Nếu bạn là công chức nhà nước:
Trong trường hợp này, việc nghỉ việc của bạn (theo nguyện vọng) sẽ được xem xét theo thủ tục giải quyết thôi việc được quy định tại Điều 4 Nghị định 46/2010/NĐ-CP Quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
“Điều 4. Thủ tục giải quyết thôi việc
1. Trường hợp thôi việc theo nguyện vọng:
a) Công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại điểm c khoản này;
Như vậy, theo quy định này, để xin nghỉ việc bạn phải có đơn gửi cơ quan. Trong vòng 30 ngày cơ quan sẽ xem xét và quyết định cho bạn có được thôi việc hay không. Cũng theo quy định tại Điều 4 thì cơ quan có quyền không giải quyết việc thôi việc cho bạn nếu có một trong các lý do sau:
+ Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;
+ Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.
Nếu cơ quan của bạn không cho bạn thôi việc vì lý do trên và có văn bản trong đó nêu rõ lý do này thì việc làm của cơ quan bạn là không trái với quy định của pháp luật.
Trân trọng!