Mông lung chọn trường?
Đó cũng là băn khoăn, lo lắng của hầu hết TS trước kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay. Em Lê Tuyết Mai lo lắng cho biết, Bộ thay đổi cách thức thi, cách thức tuyển sinh khiến em hơi sợ. Em chỉ thi khối A là Toán, Lý, Hóa thì năm nay em phải ôn cả Sinh nữa bởi vì tổ hợp tự nhiên phải thi cả Sinh nữa nên hơi sợ. Toán đã đổi sang trắc nghiệm, kiến thức sẽ rộng hơn so với thi tự luận. Năm lớp 10 đã ôn theo kiểu bộ bài tự luận, bây giờ đổi sang trắc nghiệm phải ôn lại rất nhiều. “Em thấy hình thức thay đổi của Bộ để tốt cho học sinh, nhưng nếu thay đổi quá mà liên tiếp qua các năm học sinh sẽ bị choáng” - em Mai bày tỏ.
Em Hoàng Minh Nguyệt, lớp 12, Hưng Yên cho biết, em học khối A1, Toán, Lý, Anh. Em thích nhiều trường lắm, nhưng trường phù hợp nhất với mình thì em chưa chọn được. Em thấy khó trong cách chọn trường, về việc làm sau này, còn điểm thi của mình nữa, không biết là liệu có đỗ được trường mình muốn không.
Giải đáp những lo âu này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, một trong những điểm mới trong xét tuyển năm nay, đó là học sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ngay từ khi đăng ký dự thi (ĐKDT). Qua đó, các em chọn được mục tiêu phấn đấu, đăng ký nhiều nguyện vọng (NV) và trúng được NV ưu tiên cao nhất xếp theo thứ tự ưu tiên. TS lại được điều chỉnh NV sát hơn sau khi có kết quả thi để khả năng trúng tuyển cao. Và, khả năng chọn ngành nghề đúng với sở trường, năng lực của mình thì sẽ tốt hơn. Việc này đảm bảo cho cơ hội học tập cũng như kiếm việc sau khi ra trường.
Cũng như năm trước, năm nay, mỗi TS có một tài khoản riêng để sử dụng khi ĐKDT, ĐKXT, điều chỉnh NV, kiểm tra thông tin sẽ giúp giảm thiểu những sai sót. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về việc TS vùng sâu xa điều kiện công nghệ thông tin hạn chế sẽ bị thiệt thòi? Bà Phụng cho biết, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các em học sinh đều có điện thoại di động. Tuy nhiên, điều kiện về công nghệ thông tin ở mỗi vùng có khác nhau, vì thế năm nay chúng tôi mở ra kênh các trường THPT, sở GD-ĐT để các em đăng ký trực tiếp. Thời gian đăng ký trực tiếp dài hơn trực tuyến để phục vụ TS vùng sâu xa, vừa dự phòng về kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
“Một điểm mới nữa là tất cả các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh để cung cấp thông tin cho các em. Và một trong các nội dung của đề án này là thông tin tỉ lệ việc làm của hai năm trước cho đến giờ là bao nhiêu? Đó sẽ là thông tin tham khảo hữu ích, để các em lựa chọn được trường phù hợp, sau này ra trường có cơ hội làm việc cao” - bà Phụng nói.
Khi được hỏi năm nay các TS được chọn nhiều NV thì có khó khăn gì cho các trường, bà Phụng cho biết: “Học sinh được chọn nhiều NV để tạo điều kiện cho các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp với sở trường của mình. Khi trúng tuyển, các em chỉ trúng một NV cao nhất trong thứ tự ưu tiên và phù hợp với điểm thi của các em. Như vậy, với các trường thì tỉ lệ ảo cũng không nhiều, cho nên các trường cần phán đoán khả năng tuyển được để xác định điểm trúng tuyển phù hợp với chất lượng và tỉ lệ trúng tuyển sát với chỉ tiêu tuyển sinh tính theo năng lực đơn vị. Điều này phía Bộ sẽ phối hợp với các trường vừa là hỗ trợ, vừa là quản lý chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo chất lượng”.
Tránh lựa chọn tràn lan
Cụ thể hơn, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý các TS được ĐKXT cùng với đăng ký dự thi (ĐKDT). Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, từ ngày 15/7 đến 21/7, TS có quyền điều chỉnh NV của mình. TS làm sao đăng ký chính xác ngay từ đầu để không phải điều chỉnh. TS chỉ nên đăng ký những ngành các em yêu thích. Việc đăng ký cũng phải phù hợp với khả năng của mình. Ví dụ các em thi được 25 điểm theo tổ hợp xét tuyển nhưng ngành đó năm ngoái nhà trường lấy 26 điểm thì không nên lựa chọn, ông Nghĩa chia sẻ.
Và theo ông Nghĩa, để không trượt đại học, TS cần xác định rõ chỉ đăng ký những ngành nghề yêu thích bởi theo dự đoán năm nay các trường sẽ chỉ xét trong 1 đợt là có thể xét hết. Vì thế, chọn trường cần phù hợp với khả năng nhưng phải có 3 nhóm trường khác nhau để chắc chắn đăng ký là đỗ. “TS phải đặt ra 3 nhóm trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao. Thứ nhất là những trường mình rất thích và điểm các năm trước chỉ cao hơn một chút thôi so với năng lực hay mức điểm thi thử của mình. Trường hợp này để khỏi tiếc nuối. Nhóm thứ hai là nhóm gần như là phù hợp hoàn toàn với khả năng của mình. Còn nhóm thứ ba là nhóm trường “chắc ăn” hơn khi mức điểm thấp hơn một chút so với năng lực của mình để phòng trường hợp trong quá trình thi TS làm bài kém hơn ngày thường một tí thì vẫn có thể đỗ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho rằng, trong 3 nhóm mà TS phải nghĩ tới này, khi đăng ký NV nên ưu tiên những ngành/trường mình yêu thích nhất lên trước thay vì NV chắc đỗ bởi theo quy chế, nếu NV ưu tiên số 1 đã đỗ sẽ không xét đến các NV sau. Không giới hạn số NV nhưng TS cũng cần cân nhắc kĩ, tránh chọn tràn lan, không trọng tâm cũng khó đạt như mong muốn. Theo ông Nghĩa, nếu áp dụng đúng nguyên tắc này thì TS khó có thể trượt đại học ở mùa tuyển sinh năm nay.
Đồng thời, trả lời câu hỏi về việc cùng 1 ngành của trường xét cả 2 tổ hợp thì TS có được đăng ký 2 khối không, ông Nghĩa cho biết, nếu trong tổ hợp thi của TS có đủ các môn để ĐKXT thì các em hoàn toàn có quyền chọn cả 2 tổ hợp bằng 2 NV khác nhau.
Ngoài ra, một lưu ý nữa cho các TS đã đăng kí kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2016, vẫn sẽ được sử dụng kết quả này để xét tuyển trong kì tuyển sinh 2017.Với các em vừa hoàn thành chương trình lớp 12, các em vẫn tham gia xét tuyển vào trường dựa theo điểm của 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp.