Người dân cho biết, những thầy Tào – Bụt có pháp thuật cao siêu có thể lăn thân mình trên đống gai nhọn hoắt, bước chân trần qua than lửa đỏ rực và leo lên bậc thang được làm bằng lưỡi dao sắc bén hướng lên trên trời. Tuy nhiên, những màn biểu diễn này chỉ thực hiện ở một số việc nhất định và quan trọng, nhiều năm mới làm một lần nên người phương khác hiếm khi có thể gặp và biết đến những chuyện này.
Chuyện thầy Tào bước lên than hồng và lưỡi dao sắc bén
Theo cụ Lưu Văn Sú (79 tuổi) ở xóm Nà Pò, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết: “Trong cuộc sống tâm linh của người Tày, Nùng thì thầy Tào là người có đẳng cấp cao nhất. Việc thầy Tào bước qua than hồng mà không bị bỏng nghe có vẻ vô lý, nhưng tận mắt tôi đã chứng kiến nhiều lần. Đây dân làng gọi là màn qua sông lửa khi tổ chức lễ cấp sắc, phong bậc chỉ dành cho thầy Tào mới vào nghề bởi vì trong nghề làm thầy Tào có nhiều cấp bậc lớn nhỏ khác nhau.
Hơn nữa, màn qua sông lửa và bước đi trên lưỡi dao còn được diễn ra khi gia đình làm lễ “phá ngục”, tức là có những người khi mới chết, người nhà không chú ý, hoặc sơ xuất như khóc quá nhiều, nước mắt rơi vào thân xác, để nhiều người đụng chạm, linh hồn phát tán ra ngoài, hoặc mời thầy Tào quá chậm… Vì thế khi lập bài vị không gom đủ linh hồn. Khi đó, thầy Tào sẽ bước vào giới âm, gom đủ linh hồn người chết. Đây là giai đoạn rất khó khăn, cũng chứng tỏ được đẳng cấp và khả năng pháp thuật của thầy Tào.
Để thực hiện màn qua sông lửa, gia chủ đào một cái rãnh dài chừng hai sải tay người lớn, dưới đó chất đầy than củi, tôi đảm nhiệm việc quạt cho than cháy thật to. Lúc này, thầy Tào đi một vài vòng quanh hố than mới đọc thần chú và ra ký hiệu cho người rải những lá bùa xuống đống than. Lúc này, thầy Tào tay trái cầm kiếm và bắt đầu bước đi một cách nhịp nhàng trên đống than hồng. Khi thầy Tào đi qua hố than đó thì người nhà mặc áo trắng đeo khăn tang cũng bắt đầu bước đi theo sau qua đống lửa với bàn chân trần.
Điều kỳ lạ là không có ai bị bỏng chân cả. Nếu ai đó quá sợ, dẫm trượt lên mép cái rãnh lập tức bị bỏng, còn cứ theo bước chân thầy Tào thì những cục than đỏ rực ấy chỉ mang lại cảm giác âm ấm ở gan bàn chân mà thôi.
Thế nhưng, màn bước chân trần leo bậc thang được làm bằng những con dao sắc bén hướng lên trên trời mới hồi hộp và làm tôi thấy nể phục nhất. Trước khi bước lên những bậc thang làm bằng lưỡi dao, thầy Tào cầm 3 que hương và đọc thần chú xì xầm trong miệng rồi mới bước lên trên sàn, bước lên 8 lưỡi dao mới lên đến trên sàn tre, cuối cùng lại bước xuống dưới đất. Tương tự như màn qua sông lửa, những người mặc áo vải trắng, đeo khăn tang cũng làm theo thầy Tào.
Và cũng không có ai bị đứt chân hay xước một tí da thịt nào cả. Đây là 2 bước quan trọng nhất vì khi bài vị con cháu được qua sông lửa, cũng có nghĩa là người chết kia được sinh ra một lần nữa, linh hồn người ấy sẽ tinh khôi như một đứa trẻ, mọi tội lỗi, mọi linh hồn vẩn đục đang bám xung quanh sẽ được gột rửa. Như thế mới đủ điều kiện để trở về với tổ tiên và không còn đau đớn. Còn với lễ cấp sắc dành cho thầy Tào mới vào nghề, khi hoàn thành 2 công đoạn này thì coi như đã được tổ tiên công nhận về việc cấp sắc, phong thứ bậc”.
Thầy Tào cùng người nhà bước lên các bậc thang làm bằng lưỡi dao sắc bén ngửa lên trên trời. |
Thầy Bụt lăn mình, nhảy nhót trên đống gai nhọn
Nếu như thầy cúng là nam giới được gọi là thầy Tào thì người phụ nữ làm nghề này được gọi là bà Bụt. Người Tày - Nùng có hai câu nói cửa miệng “Pựt bâu năng nám pựt chá/Thao bao khứn pịa le dai” (có nghĩa là bà Bụt nào không ngồi gai là giả, thầy Tào nào không bước qua lưỡi dao là lừa dối) để nhận biết thật giả cũng như mang lại danh nghĩa xứng đáng cho những người hành nghề làm thầy Tào, thầy mo chính đáng.
Những người phụ nữ hành nghề cúng lễ không trải qua quá trình học nghề mà là do duyên phận trời định. Ban đầu họ cũng là một người bình thường nhưng một lúc nào đó “Gia Hoa” (bà Bụt) xuất hiện, trao cho họ một nhãn thần và những khả năng người bình thường không thể làm được như leo trèo qua những khe nhỏ hẹp chỉ trong tích tắc, chạy qua những nơi có đá nhọn, gai chằng chịt mà không hề bị thương.
Theo bà Nông Thị Mến (75 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho hay: “Người bị Gia Hoa nhập vào để chọn làm bà Bụt thường là những người vía nhẹ. Muốn phân biệt được Bụt thật hay giả thì người ta dùng gai găng để thử, nếu ai ngồi lên gai găng cảm thấy đau đớn và chảy máu thì coi như Bụt không nhập được, còn ai vẫn cứ đu đưa và hát thì Bụt không chịu đi, sau đó họ tự ăn lá bưởi rồi ngất đi thì là Bụt thực sự. Khi bị Bụt nhập vào họ có thể bước chỉ bằng những ngón chân, khó tin lắm nhưng tôi đã chứng kiến và nghe kể nhiều lần.
Mỗi khi làm lễ cấp sắc cho các học trò hay làm lễ giải hạn cho gia chủ, thầy Bụt lại thực hiện màn lăn mình, nhảy nhót trên đống gai nhọn khi đã bị Bụt nhập vào người. Khi bà Bụt ngồi xuống mắt nhắm nghiền lại thì mọi người lập tức vác đến một bó gai găng (thân cây gai găng có nhiều gai dài gần bằng ngón út, rất nhọn và cứng) đã chuẩn bị từ trước. Những cây gai sắc nhọn được xếp lại chằng chịt với nhau thành hình giống như chiếc ghế ngồi. Lúc này, bà Bụt bắt đầu mở mắt và từ từ tiến đến cái ghế được làm bằng những cây gai sắc nhọn rồi ngồi xuống. Sau đó, bà Bụt bắt đầu đu đưa, ca hát, nhịp độ càng lúc càng nhanh rồi bắt đầu nhảy nhót, lăn mình trên những cây gai nhọn mà không hề hấn gì, quần áo cũng không thấy bị rách chỗ nào”.
Bà Mến còn cho biết thêm, khi đã trở thành thầy mo hầu hết họ đều phải chịu một hình phạt nào đó. Thông thường, những bà Bụt hay sống trong cô độc suốt đời, kể cả có chồng hoặc vợ thì cũng không có con cái. Có những người trở thành thầy mo trước khi có gia đình và chẳng bao giờ họ lấy chồng nữa, cũng có những người lấy chồng, nhưng hôn nhân của họ chẳng được bao lâu, người bạn đời của họ đều bí ẩn ra đi.
Có lẽ những nhân vật như thầy Tào, bà Bụt họ có duyên phận, sứ mệnh kết nối thần linh với con người, tạo phúc cho mọi người, là nhân vật không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng ở miền núi. Thế nhưng, để có những khả năng, năng lực cũng như nhận được sự kính trọng của bà con thì đằng sau đó họ cũng phải trả một cái giá tương đương, đó chính là sự đánh đổi về hạnh phúc gia đình và cảnh cô độc muôn đời.