Theo báo cáo tháng 8/2021 của BHXH tỉnh Tiền Giang, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giảm gần 42.000 lao động (LĐ) so với tháng 7/2021 và 54.000 LĐ so với năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ còn 88,4%, giảm gần 4% so với năm 2020.
Ngoài ra, tổng số nợ của toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay là 147 tỷ đồng; chiếm tỷ lệ 4,6 % so với số phải thu, 2,8% so với kế hoạch giao (tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2020).
BHXH tỉnh Tiền Giang đánh giá, nếu tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Tiền Giang vẫn có diễn biến phức tạp thì ước tính số LĐ sẽ tiếp tục giảm theo dạng: Chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn, nghỉ việc không lương, ngừng việc…
Điều này làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2021 tại tỉnh Tiền Giang. Dù đầu năm 2021 BHXH tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp về phát triển đối tượng rất cụ thể, nhưng do nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa và tăng cường giãn cách xã hội, khiến cho việc triển khai các chính sách BHXH gặp nhiều khó khăn.
Nhằm triển khai, thực hiện tốt Kế hoạch thu và phát triển người tham gia 04 tháng cuối năm 2021 của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Tiền Giang đã đặt ra nhiều mục tiêu. Theo đó, BHXH tỉnh Tiền Giang quyết tâm phấn đấu, phát triển khoảng 66.000 LĐ tham gia BHXH bắt buộc; gần 9.300 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 80.300 người tham gia BHYT. Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng phấn đấu thu đạt 2.260 tỷ đồng.
UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp liên ngành giải quyết những vướng mắc trong công tác thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT (Ảnh: Văn Thanh) |
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, BHXH tỉnh Tiền Giang đã chủ động, bám sát tình hình diễn biến dịch COVID-19 để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu đạt kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng tăng cường truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường Internet, mạng xã hội. Tiến hành lập phương án tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT theo từng thời điểm với các hình thức phù hợp tình hình địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Xây dựng phương án thực hiện phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc; tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN 4 tháng cuối năm 2021.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đơn vị sử dụng LĐ, người LĐ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Gần 2.500 đơn vị (gần 154.500 LĐ) được thông báo giảm mức đóng bằng 0% quỹ tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền giảm hơn 50,2 tỷ đồng. Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 10 đơn vị (4.739 LĐ) với số tiền 24,5 tỷ đồng. Xác nhận 304 đơn vị với 43.897 LĐ tạm hoãn hợp động, nghỉ việc không lương.
Từ kết quả trên có thể thấy các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN đã trở thành “điểm tựa”, phần nào bảo đảm được đời sống của một bộ phận người LĐ thất nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.
Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, BHXH tỉnh Tiền Giang quyết tâm vượt qua những thách thức. Từ đó nắm bắt, tận dụng những cơ hội, sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay khi địa phương chuyển sang trạng thái “bình thường mới” nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.