Mất mạng sau khi mổ cắt một phần dạ dày
Trong đơn, bà Lê Thị Ngọc Huệ (SN 1962, con gái của bà Huê) trình bày: Ngày 24/2/2017, mẹ tôi được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị chứng đau dạ dày. Sau khi tiến hành khám, nội soi, các bác sỹ thông báo tình hình sức khỏe của mẹ tôi đủ điều kiện để mổ. Theo giải thích và lời khuyên của các bác sĩ về việc mẹ tôi cần cắt bỏ một phần dạ dày do bị loét, gia đình tôi đã ký giấy đồng ý mổ.
Ngày 7/3/2017, mẹ tôi được đưa vào mổ (lần 1) với kíp mổ gồm có bác sĩ Hà, bác sĩ Phong và bác sĩ Huy. Sau khi mổ, bà Huê được đưa về nằm điều trị tại Khoa Hồi sức.
5 ngày sau khi mổ (tức là ngày 12/3) thì mẹ tôi đã đi đại tiện được nên bác sĩ Hà bảo người nhà cho bà ăn cháo xay. Đến ngày 15/3, gia đình tôi phát hiện phân của mẹ tôi bị xì ra ở ống thông dịch và chảy tràn ra ngoài da bụng nên đến báo tình hình cho bác sĩ Hòa tại Khoa Hồi sức B, đồng thời cũng báo cho 3 bác sĩ trực tiếp mổ cho mẹ tôi là bác sĩ Hà, bác sĩ Phong và bác sĩ Huy. Tuy nhiên, các bác sĩ này đều trả lời là ổn, không có chuyện gì phải lo lắng. Những ngày sau đó, lượng phân xì ra chảy quanh da bụng của mẹ tôi mỗi lúc một nhiều. Chúng tôi thấy tình trạng như vậy thì rất lo lắng nên ngày nào cũng theo chân các bác sĩ trình bày, phản ánh nhưng tất cả đều phớt lờ. Nhận thấy tình hình sức khỏe của mẹ tôi ngày càng xấu đi. Bà ít nói chuyện hơn, ăn cháo cũng ít hơn và luôn thấy tức ở vùng bụng nên chúng tôi quyết tìm gặp Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa để trình bày sự việc. Sau khi nghe qua, bác sỹ Trưởng khoa nói “gặp bác sĩ Hà và bác sĩ Phong mà hỏi”.
Ngày 22/3, mẹ tôi được đưa từ Khoa Hồi sức đến phòng điều trị. Chiều cùng ngày bác sĩ Phương đến khám cho bà, chúng tôi có hỏi tình hình thì được bảo là “bệnh tình của bệnh nhân đã rất nặng”.
Bất ngờ trước thông tin này, chúng tôi đã đề nghị bác sĩ Phương tổ chức họp và làm việc với các bác sĩ liên quan đến ca mổ để giải quyết cho mẹ tôi. Thế nhưng, đến 7h sáng ngày 24/3, bác sĩ Hà đến khám cho mẹ tôi vẫn nói “sức khỏe bệnh nhân ổn”. Khoảng hơn 1 tiếng sau thì có rất đông bác sĩ (trong đó có bác sĩ Phương) tiếp tục đến khám cho mẹ tôi.
9h sáng cùng ngày, bác sĩ Phương gọi chúng tôi vào phòng làm việc để hỏi ý kiến về việc mổ lại cho mẹ tôi. Chúng tôi nhận thấy bất ổn vì không hiểu sao mẹ tôi lại bị mổ lại thì bác sĩ Phương cho hay “tình hình sức khỏe bệnh nhân đã rất cấp bách nên phải mổ lại kịp thời, không mổ thì cũng không qua khỏi vì phân đã xì đầy trong ổ bụng và tràn ra ngoài”. Đến 11h thì mẹ tôi được đưa vào mổ lần thứ 2.
Sau khi mẹ tôi mổ lần 2, gia đình tôi mới biết, do bị xì phân ra ổ bụng kéo dài nên mẹ tôi đã bị nhiễm độc nặng, dẫn đến kiệt sức.
Thấy tình trạng của mẹ yếu dần nên sáng 29/3, gia đình chúng tôi bàn với nhau xin đưa bà ra viện. Đến hơn 15h giờ cùng ngày thì mẹ tôi qua đời.
Bất ngờ trước thông tin “ung thư dạ dày”
Thấy cái chết của mẹ tôi có nhiều điều đáng ngờ, ngày 11/4, gia đình tôi đã đến lại Bệnh viện Trung ương Huế để xin lại bệnh án. Đến ngày 15/4 thì Bệnh viện mới đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, gia đình tôi thấy bệnh án đã bị chỉnh sửa và nhiều thông tin về bệnh tình của mẹ tôi không như kết quả khám nội soi trước khi mổ.
Điều khiến gia đình bà Huê bức xúc là khi khám xét nghiệm trước lúc mổ, bệnh viện không hề đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị “viêm phổi, suy tim và ung thư dạ dày” cho người nhà bệnh nhân. Thế nhưng khi xảy ra hậu quả “chết người” thì trong trong bệnh án xuất hiện thông tin trên.
Trước đó, trong giấy chuyển tuyến của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị gửi Bệnh viện Trung ương Huế chỉ ghi chẩn đoán “bị loét dạ dày nặng”, giờ lại được đổi thành “u ác của dạ dày”.
“Nếu như mẹ tôi đã bị suy tim và suy phổi thì bác sỹ sẽ không quyết định mổ cho bà. Và nếu biết mẹ mình bị u ác của dạ dày thì chắc chắn anh em chúng tôi đã không lặn lội đưa mẹ từ Quảng Trị vào TP Huế để điều trị làm gì. Trước khi chuyển viện, chính các bác sĩ ở BVĐK tỉnh Quảng Trị còn bảo là mẹ tôi bị loét dạ dày nặng, nên mổ cắt phần dạ dày ấy. Bệnh án của mẹ tôi khi điều trị tại BVĐK mà gia đình đang có không có dòng nào kết luận bệnh nhân bị ung thư” – ông Lê Đức Trợ, con trai của bà Huê bức xúc nói.
Phản ánh với báo chí, bà Lê Thị Ngọc Huệ cho rằng, chính kiểu làm việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ trong Khoa Ngoại tiêu hóa đã dẫn đến cái chết tức tưởi của bà Huê. Mặc dù gia đình đã năm lần, bảy lượt xin các bác sĩ đến khám, xem xét dấu hiệu bất thường của bệnh nhân sau khi mổ nhưng đều bị “bỏ ngoài tai”. Thậm chí, khi người nhà tỏ ra bất bình và không đồng tình với thái độ làm việc của bác sỹ cũng như kết luận trong bệnh án thì còn nhận được lời thách thức “gia đình thích thì cứ đi kiện”.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã nhận được đơn của gia đình bà Huê và xác định, vụ việc trước mắt sẽ do Bệnh viện Trung ương Huế giải quyết. Qua nắm tình hình thì Công an tỉnh được biết, lãnh đạo bệnh viện đã rút bệnh án của bệnh nhân Huê để tiến hành xem xét về mặt chuyên môn và tới đây sẽ mời người nhà bệnh nhân đến làm việc trực tiếp.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả giải quyết trong vụ việc này.