Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo các bậc phụ huynh có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thủy đậu lây lan từ mình sang con và ngược lại.
Cả nhà bị lây nhiễm chéo
Trước đó, đầu tháng 1/2017, một ổ dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện tại khu chế xuất Tân Thuận, chỉ riêng 1 công ty trong khu chế xuất này đã có trên 30 ca bệnh. Ổ dịch thứ hai xuất hiện cùng thời điểm tại một cao ốc ở khu vực quận Tân Bình, tiếp đó, Thủy đậu cũng nhanh chóng lan đến nhiều công ty khác trên địa bàn TP HCM. Một ngân hàng có trụ sở tại đường Cách mạng Tháng 8 có đến 5 nhân viên mắc thủy đậu, một công ty phát hành sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần 10 nhân viên phải nghỉ cũng do mắc thủy đậu. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhiều công ty đã phải dán thông báo về việc phòng ngừa bệnh dịch này đến toàn thể nhân viên, và nhờ đến Trung tâm y tế dự phòng vệ sinh toàn bộ văn phòng.
Dịch thủy đậu tạm thời lắng xuống thời điểm Tết Nguyên đán, nhưng bất ngờ bùng phát trở lại thời điểm sau Tết. Đây cũng là thời điểm bệnh này thường xuất hiện hàng năm, một phần lý do là khí hậu chuyển biến bất ngờ từ nóng sang lạnh.
Hiện tại, hai bệnh viện (BV) Nhi lớn ở TP HCM là BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc thủy đậu là trẻ em. BV Nhi đồng 1 hiện ghi nhận gần 30 trường hợp điều trị nội trú. Nhiều trường hợp không thống kê được vì trẻ lớn bị mắc bệnh, gia đình tự để ở nhà điều trị mà không nhập viện.
Năm nay, điều đáng lo ngại là các trường hợp lây lan qua lại và bội nhiễm tăng mạnh. Như trường hợp bé N.T.T., ở BV Nhi đồng 2. Trước Tết, mẹ bé, chị Xuân H., làm việc tại một công ty máy tính trên địa bàn quận 1 bị mắc thủy đậu. Bệnh kéo dài đến hết 3 ngày Tết mới khỏi. Chị H. không nhập viện, điều trị tại nhà. Thời gian này gia đình cũng cách ly hai con chị, tránh tiếp xúc với mẹ. Tuy nhiên, vừa qua Tết, bệnh của mẹ vừa khỏi thì con bắt đầu có dấu hiệu nổi mụn nước trên mặt rồi nhanh chóng lan ra toàn thân trong vòng 2 ngày. Đến khám tại BV, bác sĩ xác định con chị bị thủy đậu, lây lan từ mẹ. Tương tự, trường hợp một bé dưới 2 tuổi nhập viện điều trị nội trú tại BV Nhi đồng 1 cũng là do mẹ bị bệnh, chăm, nuôi con không cẩn thận khiến bé cũng bị lây thủy đậu.
Trường hợp người lớn lây bệnh từ trẻ nhỏ năm nay có chiều hướng tăng mạnh so với các năm trước. Đa phần người lớn thường điều trị tại nhà, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cả mẹ và con đều nhập viện vì thủy đậu. Chị Nguyễn Kim X. (quận Bình Thạnh) có con gái 3 tuổi bị thủy đậu. Trong quá trình chăm sóc con, chị cũng bị mắc bệnh, dẫn đến việc hai mẹ con nhập viện cùng lúc vì bệnh của chị có diễn biến khá nặng: đau đầu, sốt, đau họng và các nốt ban đỏ chi chít khắp người.
Cả trẻ và người lớn nên tiêm ngừa
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hiện ngành Y tế đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch thủy đậu. Đối với trường hợp các ổ dịch tại công ty, văn phòng, nơi xuất hiện số người nhiễm bệnh cao, những người chưa nhiễm bệnh nên vệ sinh tay sạch sẽ và mang khẩu trang y tế để tránh dịch lây lan qua đường ăn uống, hô hấp.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh thủy đậu thông thường không nguy hiểm, nhưng một khi biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, đặc biệt đối với bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ. Đối với trẻ, khi có những dấu hiệu nghi là thủy đậu cần đến khám tại cơ sở y tế, tránh tự điều trị tại nhà, đặc biệt nên tránh các quan niệm sai lầm như không tắm gội… vì thủy đậu rất cần phải giữ vệ sinh thân thể trẻ, nếu ở phòng kín, ẩm, thiếu ánh sáng và không vệ sinh thân thể trẻ có khả năng bị nhiễm trùng, bội nhiễm, rất nguy hiểm. Cách phòng ngừa tốt nhất cho cả trẻ và người lớn là nên tiêm ngừa thủy đậu, đặc biệt là trong gia đình hoặc khu vực làm việc, nơi ở đã xuất hiện ổ dịch.
Hiện nay, tại TP HCM có nhiều cơ sở y tế công lập để các phụ huynh lựa chọn đem con đến tiêm ngừa thủy đậu như: Viện Pastuer TP HCM (252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM (699 Trần Hưng Đạo), BV Nhi đồng 1 (532 Lý Thái Tổ), BV Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng)…