1 nhà 2 người khuyết tật
Hồ Văn Hức năm nay 8 tuổi, người thôn A Tông, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ khi sinh ra cậu bé người dân tộc Pa Kô này đã bị câm, điếc bẩm sinh. Vì thế, ký ức tuổi thơ của Hức là những tháng ngày lầm lũi bên núi rừng phía tây Quảng Trị.
Bạn bè cùng trang lứa thấy Hức chẳng nói cũng ít cười nên không ai chơi. Còn Hức không nói, không nghe được nên cũng chẳng buồn để ý. Cứ thế, Hức chỉ thui thủi một mình lúc quanh nhà, khi thì nơi vách núi. Chỉ có cha mẹ Hức là thấy nhói lòng mỗi khi thấy em chơi một mình.
Hức không chỉ bị câm, điếc mà còn ngồi tiểu tiện như con gái, không những thế lại có tới 2 lỗ tiểu tiện. Sự bất thường này khiến người trong thôn đồn đoán rất nhiều. Người hay đi ra ngoài thì nói Hức bị bệnh, người cả năm không xuống núi thì bảo Hức bị con ma rừng ám.
Thế rồi, trong những lần cho con lên Trạm y tế xã A Xing khám, anh Nguyễn Trung – cán bộ y tế xã đã khẳng định Hức bị bệnh và khuyên gia đình nên đưa con tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm nhất. Từ đó những lời đồn thổi ác khẩu về căn bệnh của Hức mới ngừng hẳn.
Biết con bị bệnh nhưng vốn là hộ “nghèo bền vững” ở nơi gió Lào quanh năm thổi thì bố mẹ Hức không biết lấy đâu ra tiền để đưa con đi chữa bệnh. Cả năm, gia đình Hức gồm 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 vụ sắn. Ở A Xing, đất đai khô cằn nên việc trồng lúa nước và ngô là cực khó khăn, vất vả.
Gia đình Hức cũng như bao hộ dân khác ở đây chỉ biết chăm chỉ lên rẫy trồng sắn đổi lấy gạo ăn. Thức ăn hằng ngày chỉ có rau, mắm, muối chứ thịt, cá thì cả năm được ăn vài ba bữa. Cũng vì thế mà nhìn Hức gầy, bé như củ khoai, củ sắn.
Đó là còn chưa kể đến việc bố Hức là anh Hồ Văn Hải, sinh năm 1979 cũng bị khuyết tật từ nhỏ. Do vậy mọi việc lớn bé trong gia đình đều do một tay vợ anh quán xuyến. Anh Hải đi lại khó khăn, còn vợ anh thì đầu tắt mặt tối với nương rẫy nên chẳng mấy khi có cơ hội xuống núi thành ra cả hai vợ chồng chẳng ai rành sỏi tiếng Kinh. Đương nhiên là các con của anh chị cũng thế, tất cả đều trò chuyện, giao tiếp với nhau bằng thứ tiếng của dân tộc mình.
Niềm vui vỡ òa
Dù vẫn nhớ lời khuyên của cán bộ y tế xã là nên đưa con tới bệnh viện khám nhưng vì không có tiền cộng với vốn tiếng kinh ít ỏi nên vợ chồng anh Hải vẫn chưa thể thực hiện được việc đó. Còn Hức thì vẫn hồn nhiên như cây cỏ, 7 năm trôi qua em vẫn ngày ngày tiểu tiện y như các bạn gái trong thôn.
Chứng kiến cảnh cậu bé Hồ Văn Hức phải chịu đựng bệnh tật nhiều năm, anh Trung bao đêm trằn trọc suy nghĩ, tìm mọi cách vận động gia đình đưa Hức đi chữa trị. Thế rồi, mưa dầm thấm lâu, bố mẹ Hức đã đồng ý đưa em đi chữa bệnh. Để có tiền đưa con đi viện, họ ngày ngày lao động bằng tất cả sức lực của mình.
Vào năm 2014, một ca phẫu thuật cho bệnh nhân Hồ Văn Hức với chứng bệnh “lỗ thiểu thấp” đã diễn ra ở Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, kết quả sau phẫu thuật không được như mong đợi. Cả gia đình Hức buồn rười rượi trở ở về quê với lời hẹn phẫu thuật lần sau.
Bố con Hồ Văn Hức |
Tiền mất mà tật thì Hức vẫn mang, khiến anh Trung đau đáu nỗi niềm. Suy nghĩ phải làm sao để chữa khỏi bệnh cho bé Hức luôn hiện lên trong đầu. Và rồi, trong một lần lên mạng, anh Trung đã tìm thấy thông tin về Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thực hiện phẫu thuật miễn phí tái tạo bộ phận sinh dục cho những trẻ em không may mắn do Quỹ phòng chống thương vong châu Á phối hợp với các bệnh viện, bác sĩ trong và ngoài nước thực hiện. Khi biết thông tin này, anh Trung lập tức thông báo cho bố mẹ Hức biết và họ vui như bắt được vàng.
Mọi thủ tục, hồ sơ gửi đi đều do một tay anh Trung lo liệu. Gửi hồ sơ đi từ tháng 3/2015 thì đến tháng 6/2016, Hức được các bác sĩ của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thăm khám tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng. Ngay sau buổi khám đó, Hức đã có tên trong danh sách những em bé khuyết tật bộ phận sinh dục được phẫu thuật miễn phí vào tháng 11 cùng năm.
“Khi gửi hồ sơ cả tôi và bố mẹ cháu Hức đều sợ cháu không được phẫu thuật vì đông bệnh nhân, nhưng cho tới khi nhận được thông báo thì niềm vui như vỡ òa. Ngày Hức lên đường đi phẫu thuật, người trong thôn biết tin ai cũng đến động viên, chúc mừng”, anh Trung nhớ lại.
Cũng như những lần trước, lần này anh Trung lại đích thân đưa bố con Hức đến bệnh viện và lo liệu mọi thứ. Nhưng lần đi phẫu thuật này gặp nhiều trắc trở hơn do bị lỡ giờ xe, 3 người phải bắt 3 chuyến xe mới đến được Đà Nẵng. Khi đến bệnh viện làm thủ tục thì anh Hải lại để quên giấy tờ ở nhà và anh Trung lại tất tả ngược xuôi gọi điện nhờ người gửi ra bến xe Đà Nẵng. Xoay xở mãi rồi cũng xong phần thủ tục, giấy tờ.
Ngày 2 bố con Hức ở bệnh viện, anh Trung lo từ miếng ăn giấc ngủ.Đợi đến khi phẫu thuật thành công anh Trung mới nhờ các y bác sĩ để ý, trông chừng 2 bố con để tranh thủ về quê lo công việc. Do anh Hải không sõi tiếng kinh nên anh Trung rất lo lắng nhưng vì không thể ở lâu nên anh đành để lại tiền ăn cho 2 bố con rồi về trước.
Do đã dặn các y bác sĩ nên khi Hức hồi phục sức khỏe, được xuất viện họ đã báo cho anh Trung để lên đón bố con Hức về. Nhìn anh Trung lo lắng cho bố con Hức ai cũng nghĩ là anh em ruột thịt. Tiền đi lại, ăn ở đều là do anh Trung tự bỏ tiền túi.
Đây mới chỉ là ca phẫu thuật đầu tiên, theo các y bác sĩ để hoàn thiện bộ phận sinh dục Hức phải qua một ca phẫu thuật nữa.
Hiện, thời gian cũng như địa điểm thực hiện ca phẫu thuật lần 2 chưa được thông báo chính thức nhưng gia đình Hức và anh Trung luôn tin rằng một ngày mai Hức sẽ không còn phải chịu những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cầu cho Hức của ngày mai sẽ lành lặn và bình an.