Ngày 26/12/2004, Tổ hợp Công trình Thủy điện Đồng Nai 3&4 chính thức được khởi công xây dựng, do Ban Quản lý Thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện lớn nhất trên hệ thống sông Đồng Nai thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Dự án có tổng công suất 520MW, điện lượng bình quân 1,7 tỉ kWh/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 10.000 tỉ đồng.
Ngày 8/1/2011, Thủy điện Đồng Nai 3&4 chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện, dự án còn có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho 12.280ha lúa, 1.600ha hoa màu, cấp nước sinh hoạt, chống lũ, đẩy mặn cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, phát triển giao thông và nuôi trồng thủy sản.
Thế nhưng, quyền lợi của nhiều nông dân nhường nhà cửa, đất đai sinh kế cho dự án từ ấy đến nay vẫn bị lãng quên.
Vừa an cư đã phải nhường đất cho dự án
Năm 1998, ông Nguyễn Văn Diện (ngụ TDP 7, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cùng một số anh em xuống Lâm trường Quảng Khê (huyện Đắk Nông cũ; nay là huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) để làm kinh tế mới.
Thời điểm này, ông Diện cùng nhiều hộ gia đình có nhận 200ha đất liên doanh liên kết với Lâm trường Quảng Khê, tại khu vực Tiểu khu 1769, suối Đắk Glong (nay thuộc xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong). Thời hạn nhận đất là 50 năm (từ năm 1998 - 2048) theo Hợp đồng 06 ngày 22/9/1998, đến nay vẫn chưa được thanh lý.
Giữa nơi “rừng thiêng nước độc”, họ đã biến những vạt rừng nghèo thành một vùng trang trại cà phê, cây công nghiệp và cây ăn trái rộng lớn. Tuy nhiên, công sức lao động của họ vẫn chưa có thành quả thì bất ngờ các hộ dân có thông báo thu hồi đất để phục vụ dự án thủy điện, nhưng không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ đang canh tác, sản xuất.
Năm 2006-2009, diện tích đất liên doanh liên kết của ông Diện và các hộ dân bị thu hồi hai lần để phục vụ Công trình Tái định canh, định cư Đắk Plao, bị ảnh hưởng bởi Dự án thủy điện Đồng Nai 3&4. Lúc này, các hộ dân buộc phải ngưng sản xuất để chờ đền bù giải phóng mặt bằng.
Vậy là hàng trăm hộ gia đình ở nơi kinh tế mới vừa “an cư” được mấy năm lại phải di dời để nhường đất cho dự án thủy điện. Lúc đó, ai cũng coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ trước một công trình vĩ đại của quốc gia.
“Ủng hộ Thủy điện Đồng Nai 3&4 lúc đó như một mệnh lệnh thiêng liêng, khiến các hộ dân đồng lòng ủng hộ công trình thế kỷ. Dù phải mất nơi an cư, không còn đất sản xuất, chấp nhận nỗi lo gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” đè nặng; nhưng trong lòng chúng tôi vẫn cảm thấy chút hãnh diện vì bản thân đã cùng chung tay góp phần cho dự án nhanh chóng hòa lưới điện quốc gia, góp phần giảm căng thẳng cho việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2011”, ông Diện tâm sự.
Biên nhận chuyển đơn của các hộ nông dân. |
Ông Diện còn nhớ mãi ngày máy móc của đơn vị thi công san ủi hàng chục ha cây trồng cùng hoa màu trên trang trại của mình. Đau thắt ruột gan nhưng mục đích cao cả ngay trước mắt là phục vụ lợi ích quốc gia nên ông cùng nhiều người khác chỉ biết bật khóc nhìn tài sản trên đất của mình bị giải tỏa.
Bồi thường bất minh, bất công
Cay đắng ở chỗ dù bản thân mình đã hết lòng với công trình nhưng quyền lợi chính đáng của những người dân mất đất, mất nhà cửa, mất sinh kế lại bị lãng quên.
Đến nay, dự án đã hòa lưới điện gần 10 năm nhưng việc đền bù, hỗ trợ kéo dài, chính quyền địa phương thực hiện việc tái định cư cho các hộ dân chưa thỏa đáng, nhiều diện tích đất, tài sản trên đất chưa được kiểm kê rõ ràng. Việc xem xét, đền bù cho nhiều hộ dân cũng chưa dứt điểm, dẫn tới các hộ bị thiệt hại nặng về kinh tế và đời sống.
Một góc Thủy điện Đồng Nai 4. |
Ông Diện (người được các hộ dân ủy quyền) trình bày: Gần 10 năm nay ông cùng nhiều hộ khác đã có gần trăm lần đi làm việc theo giấy mời, giấy triệu tập và hàng chục buổi đối thoại với đại diện các cơ quan chức năng cùng UBND huyện Đắk Glong. Dù những cuộc đối thoại được lập biên bản, ghi rõ các nội dung sự việc cần phải giải quyết; nhưng sau đó đều rơi tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Cụ thể, việc 5ha đất của ông Lê Đại Khoán bị người dân xã Đắk Plao xâm canh. Thứ hai, việc áp giá hỗ trợ với diện tích trồng cây lâu năm lại “biến” thành đất trồng cây hàng năm (=50% mức giá, tương đương 2.500 đồng/m2). Thứ ba, nhà của các hộ dân tạo lập sau ngày 1/7/2004 để phục vụ đời sống sản xuất thì không được chi trả bồi thường. Thứ tư, việc các hộ dân không được xem xét, bố trí tái định canh, định cư là một thiệt hại lớn. Điều đặc biệt, đơn vị ký hợp đồng không chịu thanh lý hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hộ nông dân.
Một điều nữa khiến ông Diện bức xúc là quyền lợi chính đáng của nhiều hộ không được giải quyết dứt điểm thì có những hộ kê khống hồ sơ để chiếm đoạt tiền đền bù vẫn được Hội đồng đền bù, kiểm kê và lập phương án giải phóng mặt bằng “hào phóng” chi trả.
Năm 2017, trước những tồn đọng kéo dài, UBND huyện Đắk Glong thành lập Ban Quản lý giải quyết những tồn tại của các công trình thủy điện Đồng Nai 3&4 (Ban 666) để giải quyết dứt điểm, tháo gỡ.
Gần thập kỷ trôi qua, trải qua hàng chục buổi làm việc, những đề nghị, khiếu nại, kiến nghị chính đáng của nhiều hộ dân vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Mỗi lần vác đơn lên hỏi Ban 666, ông chỉ nhận được câu trả lời máy móc: “Sẽ báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết”.
(Còn nữa)