Như PLVN đã phản ánh, "hậu" bầu cử lãnh đạo của hai quận Từ Liêm mới, ông Nguyễn Hữu Kiên đã có văn bản gửi đến các cấp để kiến nghị việc một số ứng viên mới không đủ điều kiện để đương nhiệm các vị trí đã trúng trong bầu cử vừa qua. UBBC (Ủy Ban bầu cử) của quận Nam Từ Liêm đã gửi văn bản số 26/CV-UBBC đến đại biểu HĐND Nguyễn Hữu Kiên để giải đáp những kiến nghị trong đơn thư của ông cũng như nhiều cử tri khác trên địa bàn quận.
Theo văn bản này, UBBC quận Nam Từ Liêm đã viện dẫn khoản 2, điều 43 luật Bầu cử HĐND (đã được sửa, đổi bổ sung năm 2010): “Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử, ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.”. Vì thế, UBBC quận này cho rằng đơn Đại biểu gửi đến vào ngày 19/6/2014 chỉ trước 3 ngày bầu cử nên UBBC đã ngưng xem xét để bàn giao cho Thường trực HĐND quận tiếp tục xem xét giải quyết.
Không đồng tình với văn bản phúc đáp của UBBC quận Nam Từ Liêm, ông Kiên cho rằng: "Trong đoạn trích dẫn luật Bầu cử, phía UBBC quận Nam Từ Liêm đã cắt đi vế sau của khoản 2, điều 43 ghi rõ: “Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Ủy ban bầu cử các cấp quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.”
Văn bản phúc đáp của UBBC 2 quận Từ Liêm mới. |
Tại quận Bắc Từ Liêm mới, ông Kiên cũng có văn bản ngày 19/6/2014 gửi lên các cấp để nêu rõ trách nhiệm của một số người: ông Nguyễn Trung Nghĩa, ông Nguyễn Huy Tưởng, ông Nguyễn Phúc Hằng, ông Nguyễn Kim Vinh,... đã bị xử lý kỷ luật và bị nêu đích danh trong kết luận số 795/KT-TTTP (P7) ngày 05/4/2013 về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB (Giải phóng mặt bằng) trên địa bàn huyện Từ Liêm trong thời gian các năm 2008-2011. Kết luận 795 đã chỉ ra gần 100 tỷ đã bị chi sai, thất thoát trong giai đoạn này mà trong đó có phần trách nhiệm rõ ràng của ông Nghĩa.
Trả lời thắc mắc này của ông Kiên, trong kỳ họp thứ nhất diễn ra ngày 12/7 vừa qua, ông Lê Văn Thư Chủ tịch UBBC, Triệu tập viên HĐND quận Bắc Từ Liêm giải trình: Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì thời hạn hiệu lực của kỷ luật là 12 tháng nếu như công chức không tiếp tục có những hành vi vi phạm đến mức kỷ luật trong thời gian đó.
Theo đó, hồ sơ công chức của ông Nguyễn Phúc Hằng bị kỷ luật năm 2010. Còn theo Hồ sơ công chức của ông Nguyễn Huy Tưởng, thời gian ông Tưởng phải kiểm điểm trách nhiệm là năm 2012. Do đó, tính đến thời điểm tham gia ứng cử, hai ứng cử viên trên đều hết thời hiệu bị kỷ luật. Do đó, việc giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên đã được UB MTTQ quận Bắc Từ Liêm tiến hành theo đúng quy định của Luật bầu cử HĐND năm 2003 (đã sửa đổi năm 2010).
Về trường hợp của ông Nguyễn Kim Vinh, ông Kiên cho biết tại kỳ họp thứ nhất, ông Lê Văn Thư cũng trả lời: ông Vinh không tham ô, tham nhũng, số tiền thất thoát đang nằm trong dân và hiện đang thu hồi. Như vậy, chứng tỏ năng lực điều hành, xử lý công việc của ông Vinh chưa tốt nên mới dẫn đến trường hợp thất thoát ngân sách của nhà nước.
Nhưng ông Kiên tiếp tục không đồng tính với những trả lời của UBBC quận Bắc Từ Liêm, Ông Kiên nói: "Ở đây, tôi lại trích dẫn Điều 3 của luật Bầu cử để cho rằng UBBC đã quên mất tiêu chí thứ 2 quy định vè tiêu chuẩn của Đại biểu HĐND. "Tại Điều 3 ghi rõ: “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”."
Nói về trường hợp một số cá nhân không đủ điều kiện để giữ các vị trí lãnh đạo trong quận mới ở Bắc Từ Liêm, ông Kiên phân tích: "Trước đó ông Nguyễn Phúc Hằng hiện là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm, đã bị kỷ luật khiển trách năm 2010 do để cấp dưới vi phạm công tác chuyên môn nên tháng 6/2011 bị điều từ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Từ Liêm xuống làm chuyên viên phòng Lao động TBXH huyện Từ Liêm. Tháng 7/2013, ông Hằng quay trở lại với vị trí Trưởng ngành của Hội chữ thập đỏ huyện.
Đối với ông Nguyễn Huy Tưởng, hiện vẫn là Bí thư phường Liên Mạc, nhưng từ năm 2011 ông đã bị cử tri tố cáo lợi dụng chức vụ là Chủ tịch UBND xã Liên Mạc, để ký 10 hợp đồng cho thuê 20 ha đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp không có chức năng làm nông nghiệp trong giấy phép kinh doanh để họ bơm hút cát từ sông Hồng làm rỗng lòng sông, phá hoại đất nông nghiệp. Sau phản ánh của cử tri, ông Tưởng không đủ điều kiện ra ứng cử HĐND cấp xã vào năm 2011 nhưng lại được giữ làm Bí thư xã (nay là phường). Năm 2012, thường vụ huyện ủy Từ Liêm kết luận những tố cáo của cử tri là đúng nên yêu cầu ông Tưởng và Ban thường vụ Đảng ủy cùng UBND xã Liên Mạc kiểm điểm.
Một số cá nhân khác làm thất thoát gần 100 tỷ đồng của Nhà nước, cần nêu rõ trách nhiệm của họ trước khi để họ nắm giữ các vị trí lãnh đạo mới trong quận Bắc Từ Liêm".
Trong thời gian tới ông Nguyễn Hữu Kiên cùng các cử tri trong 2 quận Từ Liêm mới sẽ tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên nhiều cấp khác nhau.
PLVN tiếp tục cập nhật.