Xuất thân hoành tráng
Franklin Delano Roosevelt sinh năm 1882 trong một gia đình giàu có và quyền thế có tiếng lúc bấy giờ. Nhờ đó mà trong suốt thời niên thiếu, ông luôn được hưởng những đặc quyền mà chỉ ít người khi đó có được, như được cha mẹ thuê những gia sư xuất sắc về dạy học tại nhà riêng. Là một phụ nữ chuẩn mực, mẹ ông cũng giáo dục ông rất kỹ lưỡng, tạo nền tảng ban đầu để Roosevelt về sau trở thành một con người xuất sắc.
Năm 1896, ở tuổi 14, Franklin Roosevelt được cha mẹ cho tới học ở trường Groton - trường tư nổi tiếng chỉ nhận một số ít con trai của những người giàu có và quyền lực nhất ở Mỹ. Tốt nghiệp vào năm 1900, Roosevelt theo học trường Harvard với mong muốn sớm tạo được dấu ấn của bản thân. Dù điểm số chủ yếu là “C” nhưng ông lại được nhiều người biết đến khi tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trở thành chủ biên của tờ báo trường Harvard Crimson và cũng nhận được bằng chỉ sau 3 năm học tập.
Cũng trong thời gian học tại Harvard, Franklin D.Roosevelt tuyên bố gia nhập đảng Dân chủ dù ở thời điểm đó ông vẫn rất ngưỡng mộ Tổng thống Theodore Roosevelt - một người thuộc đảng Cộng hòa. Harvard cũng chính là nơi giúp ông gặp được người bạn đời của mình là bà Eleanor Roosevelt (cháu họ của đương kim tổng thống lúc bấy giờ). Cặp đôi kết hôn vào năm 1905 dù mẹ của ông Roosevelt ban đầu kịch liệt phản đối mối quan hệ này.
Rời Harvad, ông Roosevelt theo học luật tại trường Đại học Columbia. Năm 1907, ông vượt qua kỳ thi vào Liên đoàn luật sư New York. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm hành nghề, ông đã chán công việc luật sư mà theo ông là "buồn chán và không có cơ hội bứt phá". Vì vậy nên khi những người thuộc đảng Dân chủ đề nghị ông ra tranh cử vào Thượng viện bang New York vào năm 1910, ông đã chấp thuận và chính thức bước chân vào con đường chính trị.
Những bước đi đầu tiên
Ra tranh cử ở quận có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa suốt 32 năm trước đó nhưng nhờ danh tiếng có được từ trước, Roosevelt đã giành được chiến thắng vang dội. Là một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nhưng ông lại tích cực bảo vệ nông dân - chủ yếu là những người thuộc đảng Cộng hòa.
Ông cho rằng Chính phủ cần phải đóng vai trò kiến tạo và duy trì một xã hội công bằng, bảo vệ các cá nhân khỏi tình trạng tập trung quyền lực chính trị và kinh tế. Quan điểm trái ngược này khiến giới lãnh đạo của đảng Dân chủ ghét ông ra mặt. Nhưng bù lại, ông lại trở nên nổi tiếng khắp đất nước và có được những kinh nghiệm quý báu về hoạt động chính trị.
Tổng thống Roosevelt trong một buổi tiếp đón Tổng thống Philippines. |
Năm 1912, ông tái đắc cử Thượng nghị sĩ bang. Cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Ở cương vị mới, ông hoạt động rất năng nổ. Năm 1914, Franklin Roosevelt quyết định tranh cử vào Thượng viện Mỹ nhưng thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ và Nhà Trắng. Đến năm 1920, ông được đề cử làm Phó Tổng thống trong liên minh tranh cử của ông James M. Cox nhưng một lần nữa không thành công.
Vượt lên số phận
Mùa hè năm 1921, Roosevelt đi nghỉ dưỡng ở đảo Campobello. Sau khi tắm trong nước lạnh và đi bộ gần 4km từ biển về nhà, ông đi ngủ trong tình trạng vô cùng mệt mỏi. Buổi sáng hôm sau, ông tỉnh dậy và phát hiện mình bị sốt còn chân trái cảm giác bị tê liệt. Đến ngày hôm sau nữa, ông bị liệt từ bụng trở xuống. Các bác sĩ sau khi thăm khám kết luận ông đã bị bại liệt - một căn bệnh bí ẩn không thuốc chữa hoành hành ở nước Mỹ trong những năm 1920.
Bệnh tật khiến Roosevelt có lúc đã nghĩ rằng sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc và thậm chí buông xuôi. Tuy nhiên, ông đã sớm lấy lại được thái độ tích cực. Niềm say mê cuộc sống, sự dũng cảm vượt trội và tinh thần tiến về phía trước không bao giờ mệt mỏi chính là những yếu tố khiến ông vượt qua được những lần vật lý trị liệu đầy đau đớn.
Bà Eleanor từng kể lại về quá trình phục hồi của chồng như sau: “Tôi biết rằng ông ấy đã thực sự lo sợ khi mới bị bệnh nhưng sau đó ông ấy đã học được cách để vượt qua bệnh tật. Kể từ đó, tôi không còn nghe thấy ông ấy nói ông ấy sợ thứ gì nữa”.
Sau quá trình phục hồi chức năng khó khăn và đau đớn kéo dài, ông đã có thể làm những động tác nhẹ ở chân, thậm chí còn học được cách “đi bộ” bằng cách sử dụng hông để đẩy đôi chân đã bị teo lại về phía trước. Việc phục hồi được một phần như vậy được xem là kỳ tích trong bối cảnh phần cơ của ông đã bị bệnh tật làm teo hoàn toàn.
Để tránh bị mọi người đồn đoán về sức khỏe của mình, ông không bao giờ xuất hiện trên xe lăn trước công chúng. Ông luôn xuất hiện trong tư thế đứng thẳng người với một trợ lý hay con trai đứng ở bên cạnh.
Cũng trong thời điểm khó khăn đó, Roosevelt đã nhận được sự ủng hộ vô giá của bà vợ Eleanor và người cố vấn Howe Louis. Ông Howe thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất và giúp Roosevelt duy trì liên lạc với những thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ. Còn bà Eleanor thì tích cực hoạt động trong nội bộ đảng Dân chủ; trở thành tai, mắt và cả đôi chân của chồng.
Tất cả những yếu tố đó đã giúp Roosevelt dù bệnh tật vẫn duy trì được hoạt động chính trị và thậm chí còn có những bước tiến lớn. Ông dần xây dựng được liên minh với những người thuộc đảng Dân chủ ở khắp cả nước cũng như xóa bỏ những mâu thuẫn với giới chóp bu của đảng Dân chủ - điều mà trước đó ông chưa từng làm được.
Tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ giới thiệu ứng viên tranh cử Tổng thống năm 1928, Roosevelt xuất hiện và “đi” chậm rãi trên bục sân khấu, đánh tan những đồn đoán về tình hình bệnh tật của mình. Cùng năm, ông được bầu làm Thống đốc bang New York - bước đệm cho tham vọng tranh cử vào Nhà Trắng của ông.
Tổng thống 4 lần đắc cử
Đến năm 1930, đảng Cộng hòa bị người dân chỉ trích mạnh mẽ về cuộc Đại suy thoái và đây cũng chính là cơ hội cho Franklin Roosevelt. Ông ra tranh cử với kêu gọi Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế để cải thiện tình hình. Cách tiếp cận tích cực, lạc quan của ông đã giúp ông đánh bại được đối thủ của đảng Cộng hòa Herbert Hoover tại cuộc bầu cử năm 1932, chính thức nhậm chức vào năm 1933.
Trong 100 ngày đầu tiên, Franklin Roosevelt đã đề xuất một loạt những cải cách kinh tế sâu rộng như đóng cửa tạm thời các ngân hàng để chặn đà rút tiền gửi, lập các cơ quan điều hành các biện pháp kinh tế khẩn cấp, hỗ trợ giá cho người nông dân, tạo việc làm cho những người đàn ông chưa kết hôn, điều chỉnh thị trường chứng khoán...
Nhờ đó mà nền kinh tế của Mỹ đã dần có những tín hiệu phục hồi. Trải qua 12 năm cầm quyền, lâu hơn bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ với 4 lần được bầu làm Tổng thống, Roosevelt chính là người đã chèo lái nước Mỹ bước qua được cuộc suy thoái nghiêm trọng cũng như cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nhân loại - Chiến tranh thế giới II.
Những chương trình phúc lợi xã hội do ông khởi xướng đã giúp định hình lại vai trò của Chính phủ trong cuộc sống của người dân Mỹ. Còn những đóng góp của ông trong việc giúp phát triển chiến lược để đánh bại phát xít Đức ở châu Âu, vận động việc thành lập Liên hợp quốc... đã giúp nước Mỹ giành được vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế.
Năm 1945, bước vào nhiệm kỳ thứ 4, sức khỏe của Roosevelt yếu đi trông thấy. Ông đột ngột qua đời vào tháng 4/1945 vì xuất huyết não nhưng là Tổng thống nắm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.