Trắng tay theo dòng lũ
Trên sông Lô đoạn từ thôn 2 đến thôn 3 xã Phú Thứ mưa lớn đã làm nước sông đột ngột dâng cao, lưu lượng dòng chảy lớn đã làm cho cụm 16 lồng cá bị đứt dây neo, trôi dạt tự do va chạm với các khu lồng cá bên dưới làm 13 lồng cá của 4 hộ dân trôi dạt theo. Các lồng cá sau đó tiếp tục trôi dạt, va vào các tàu, bè trên sông dẫn đến hư hỏng nặng, cá phần vượt ra sông, phần bị chết do va đập. Ước tính thiệt hại đến thời điểm này là 75 tấn cá, 31 lồng cá, thiệt hại ước khoảng 2,5 tỷ đồng.
Gạt nước mắt bất lực nhìn dòng nước lũ cuốn bè cá lồng, anh Hà Minh Hoan cho biết, 16 lồng nuôi cá bị cuốn trôi trên 30 tấn cá của gia đình anh, trong đó có 4 tấn cá lăng, trên 20 tấn cá rô phi…, ước tính khoảng trên 1 tỷ đồng. Anh vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi bỗng chốc trắng tay theo dòng nước dữ.
Anh Hoan cho biết, toàn bộ tài sản đến thời kỳ thu hoạch bị dòng lũ cuốn trôi. |
“Từ chiều đến khoảng 23 giờ đêm ngày 26/6, chỉ có mấy tiếng đồng hồ mà nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, mực nước dâng thêm khoảng gần 1m. Nước chảy mạnh, dây neo bị đứt, nhìn lồng cá trôi mà lực “bất tòng tâm”. Cá rô phi, cá chép từ lúc xuống giống đến giờ là 8 tháng, cá lăng nuôi gần 2 năm đang chuẩn bị cho thu hoạch thì nước cuốn hết. Số cá còn sót lại khoảng 5 tấn cũng đang chết rải rác do bị sốc. Những lồng cá đang chờ đến ngày thu hoạch để có tiền trả nợ ngân hàng, tiếp tục đầu tư thì gặp thiên tai”, anh Hoan cho biết thêm.
Hiện tại số tiền nợ ngân hàng đã đến kỳ trả là 150 triệu đồng, ngoài ra anh còn vay tiền những nguồn khác, tiền cám cho cá ăn chưa trả được. "Gia đình tôi không những trắng tay mà còn nợ khoảng 1 tỷ đồng. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, giãn nợ để gia đình yên tâm sản xuất", anh Hoan bày tỏ.
Toàn xã Phú Thứ hiện có 18 hộ nuôi cá lồng với tổng số trên 120 lồng nuôi. Kinh tế của xã còn khó khăn, thu nhập bình cuốn đầu người dưới 20 triệu đồng/người/năm, chăn nuôi gặp khó khăn do biến động thị trường, vì vậy nuôi cá lồng đang được kỳ vọng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã.
Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã cho biết: Nuôi cá lồng trên sông được triển khai trên địa bàn xã từ năm 2015 theo chương trình nông nghiệp cận đô thị, được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển và bước đầu cho hiệu quả. Với các hộ nuôi cá, UBND xã thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo trước mùa mưa lũ và nhân dân đã củng cố các dây neo lồng cá nhưng do nước sông dâng cao đột ngột, dòng nước chảy xiết kèm theo lượng rác trên sông nhiều gây lực cản lớn nên làm đứt dây neo.
"Chúng tôi rất mong huyện, tỉnh có chính sách hỗ trợ để người dân ổn định sản xuất, đặc biệt ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay tái đầu tư sản xuất cho những hộ nuôi bị thiệt hại. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì nhiều hộ gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn", Chủ tịch UBND xã Phú Thứ đề xuất.
Thủy điện Tuyên Quang xả lũ, 30 tấn cá trôi sông?
Ngày 29/6, 26 lồng cá đặc sản, chủ yếu là cá lăng chấm, cá diêu hồng và rô phi trên sông Gâm phía hạ lưu Thủy điện Tuyên Quang bị nước cuốn.
Các lồng cá này mắc vào đập Thủy điện Chiêm Hóa cách đó gần 3 km. Toàn bộ hơn 30 tấn cá đặc sản của doanh nghiệp bị nước cuốn hoặc bị chết. Thiệt hại vật chất ước tính trên 20 tỷ đồng.
Các bè cá được lực lượng dân quân và người dân địa phương giúp đỡ kéo về nơi neo đậu an toàn. Tuy nhiên, phần lớn bè cá bị hư hỏng nặng, khó có khả năng khắc phục. Riêng số tiền đầu tư lồng cá khoảng hơn 2,6 tỉ đồng.
Bè cá được lực lượng dân cuốn và người dân địa phương giúp đỡ kéo về nơi neo đậu. |
Liên tiếp từ ngày 26 đến 29/6, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa trên diện rộng, một số nơi xuất hiện mưa to.
Ngày 28/6, Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang đã mở 1 cửa xả đáy, đến 16h ngày 29/6, Nhà máy mở thêm cửa xả đáy thứ 2. Mực nước hạ lưu sau công trình thủy điện dâng thêm 5m so với mực nước trước khi xả lũ.
Mưa lũ trong những ngày vừa qua đã làm 10 nhà dân ở Tuyên Quang bị đất sạt lở vào nhà; gần 68 ha lúa, hoa màu bị ngập chìm trong nước; hai công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại.