Cuộc thi là một trong những hoạt động rất cụ thể và có ý nghĩa thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 30 năm Ngày thành lập Quận Tây Hồ (27/12/1995-27/12/2025).
Hội nghị tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long” năm 2024. (nguồn: PV) |
Tham dự Lễ trao giải, có bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy Tây Hồ, ông Nguyễn Lê Hoàng – Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Bí thư Quận ủy Tây Hồ; các lãnh đạo UBND quận Tây Hồ.
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam – Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cùng Tổng biên tập các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương - UVBTV Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 30 năm Ngày thành lập Quận Tây Hồ, Quận ủy Tây Hồ đã sáng kiến, phát động Cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long” năm 2024 đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa và thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Quận cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tích cực hưởng ứng tham gia.
Bà Nguyễn Lan Hương - UVBTV Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát biểu tại hội nghị. (nguồn: PV) |
Sau hơn 10 tháng triển khai, Cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long”năm 2024 đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Quận và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tích cực hưởng ứng tham gia.
Theo Ban Tổ chức, cuộc thi đã nhận tổng số 1156 tác phẩm, bài viết dự thi với đa dạng các thể loại: báo (840 tác phẩm, bài viết), tạp chí (295 tác phẩm, bài viết), phát thanh – truyền hình - video clip (21 tác phẩm, bài viết); trong đó, có 2 bài viết của 2 tác giả từ Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị tham dự Cuộc thi. Đặc biệt, có sự tham gia của 13 cơ quan báo chí truyền hình Trung ương và Hà Nội, với 44 tác phẩm của 25 phóng viên, nhóm phóng viên tham dự Cuộc thi.
Nhiều tác phẩm, bài viết dự thi được đầu tư kỹ lưỡng, tâm huyết về nội dung và hình thức thể hiện. Chủ đề bài viết tập trung vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Quận Tây Hồ; phát triển kinh tế; văn hóa và quảng bá hình ảnh Tây Hồ; an sinh xã hội; du lịch; an ninh - quốc phòng; công nghiệp văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị của Hồ Tây và các vùng phụ cận... Nhiều tác phẩm, bài viết dự thi đã đề xuất được các nhiệm vụ, giải pháp mang tính phát hiện, hiến kế, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, mang tính đột phá; về những con người Tây Hồ có khát vọng vươn lên, cống hiến cho sự phát triển của Quận Tây Hồ…
Ban Tổ chức Cuộc thi đã chỉ đạo Ban Giám khảo chia các tác phẩm, bài viết dự thi ra thành 02 nhóm đối tượng để chấm: Nhóm 1 là các bài viết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; Nhóm 2 là các tác phẩm báo chí của các Nhà báo, Phóng viên thuộc các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội.
Qua quá trình chấm chung khảo công tâm, khách quan, năm nay, nhóm Nhà Báo, Phóng viên có 3 giải A (01 giải thể loại Báo in – Báo điện tử, 1 giải thể loại Tạp chí, 1 giải thể loại Video - Phát thanh); 5 giải B (thể loại Báo in – Báo điện tử); 5 giải C (thể loại Báo in - Báo điện tử) và 2 giải Khuyến khích (thể loại Báo in – Báo điện tử).
Phóng viên Lê Võ Nguyệt Thương (áo dài đen bên phải) thuộc Báo Pháp luật Việt Nam với bài viết "Có một Hồ Tây như thế" đã được vinh danh trong lễ trao thưởng. (nguồn: PV) |
Bài viết “Có một Hồ Tây như thế” của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Lê Võ Nguyệt Thương đã giành giải B. Bài báo được sáng tác trong bối cảnh quận Tây Hồ đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa như một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững. Từ những nét đẹp văn hóa, bề dày lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên trời cho, quận Tây Hồ hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn trong tương lai.